Hà Nội mạnh tay với dự án treo

Sở Kế hoạch & đầu tư (KHĐT) Hà Nội vừa công khai danh sách 16 dự án bất động sản bị thu hồi, chấm dứt hoạt động do chậm triển khai trên địa bàn.

Thời gian tới đây, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện liên quan tiếp tục rà soát, công bố danh mục các dự án chấm dứt hoạt động với các dự án “ôm” đất mà không chịu triển khai. Câu hỏi được đặt ra là, ứng xử với các dự án được thu hồi thế nào, làm sao để không tái diễn?.

Đất dự án Khu văn phòng tại 18 phố Cao Bá Quát, quận Ba Đình bỏ hoang gần chục năm nay.

Nói không với dự án “treo”

16 dự án được sở KHĐT công bố thu hồi là những dự án nằm trong số 39 dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật mà UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo phải xử lý dứt điểm trước đó. Theo đó, trong số 16 dự án bị chấm dứt hoạt động vừa được công bố có một số dự án “ngâm đất” chiếm vị trí đắc địa tại các quận trung tâm như dự án Xây dựng tòa nhà hỗn hợp văn phòng làm việc và cho thuê tại 53E phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm); dự án Khu văn phòng tại 18 phố Cao Bá Quát (quận Ba Đình); dự án Xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại số 19 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng). Bên cạnh đó còn có dự án nhà làm việc và văn phòng cho thuê tại 335 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân); dự án Khu hỗn hợp văn phòng - thương mại, dịch vụ - nhà hàng và giải trí tại số 153 phố Yên Phụ, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ); dự án xây dựng chợ, văn phòng và trung tâm thương mại Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân (quận cầu Giấy); Dự án Trung tâm thương mại, chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa)...

Ngoài ra có một số dự án khác cũng bị chấm dứt hoạt động như 2 dự án tại quận Hoàng Mai; 1 dự án tại quận Nam Từ Liêm; 2 dự án tại huyện Quốc Oai; 3 dự án tại huyện Sóc Sơn và 1 dự án tại huyện Mỹ Đức.

Không chỉ với riêng 16 dự án nói trên, Sở KHĐT cho biết, Sở sẽ phối hợp với các ngành và UBND quận, huyện liên quan tiếp tục rà soát, báo cáo UBND TP cho phép công bố danh mục các dự án chấm dứt hoạt động do vi phạm Luật Đất đai tại các lần tiếp theo. Hiện Sở đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc thực hiện đầu tư tại 8 dự án có sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, tới đây sẽ không có chuyện chủ đầu tư “ôm” đất xí phần, giao đất mà không chịu triển khai sẽ kiên quyết thu hồi.

Bài toán sau thu hồi

KTS Trần Huy Ánh - thành viên Hội đồng khoa học, Viện Kiến trúc quốc gia đánh giá, thu hồi dự án “treo” là việc làm cần thiết trong bối cảnh tài sản công đang ngày càng cạn kiệt. Hành động này của TP Hà Nội cũng là một bước tiến của kỹ thuật quản lý địa phương, trong đó coi đất đai là một nguồn tài sản trân quý, không phải thứ cho không các doanh nghiệp nữa nên cần phải thu hồi lại để có kế hoạch triển khai, phát huy giá trị loại tài sản công này. “Đến bây giờ TP Hà Nội mới kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ thì cũng đã là muộn. Nhưng dù sao, muộn vẫn tốt hơn là không bao giờ, cứ để cho các khu đất bỏ trống vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố, đất nước, lãng phí tài sản...” - ông Ánh nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội đẩy mạnh rà soát, xử lý hàng loạt dự án “ôm đất” suốt nhiều năm rồi bỏ hoang là điều cần thiết. Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án “ôm” đất gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, để tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng sẽ tiếp tục gây lãng phí.

Cần đấu giá công khai

Sẽ xử lý thế nào với các dự án đã bị thu hồi là câu hỏi được đặt ra tại thời điểm này. TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc xử lý với các dự án đất sẽ thu hồi nên bám sát các định hướng phát triển của thành phố, chẳng hạn quy hoạch vườn hoa, cây xanh, mặt nước. Từ năm 2014 đã xác định diện tích cần bổ sung trong khu vực nội đô là 687 ha, do đó, chúng ta đưa ngay một số dự án “treo” vào kế hoạch để đáp ứng phần còn thiếu này, bởi đây là nhu cầu thiết yếu của người dân.

KTS Trần Huy Ánh cho biết, để xảy ra tình trạng nhiều khu đất công đã bàn giao cho doanh nghiệp nhưng bỏ hoang nhiều năm qua, thì ngoài lỗi của doanh nghiệp thì cũng có một phần lỗi đến từ cơ quan quản lý. Để tránh tình trạng doanh nghiệp “ôm” đất không chịu thực hiện một lần nữa xảy ra, ông Ánh cho rằng, cơ quan quản lý cần phải tiến hành đấu giá công khai các khu đất công theo giá thị trường. Điều này vừa minh bạch thông tin, vừa tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, con người tìm đến đầu tư và tránh lãng phí, thất thoát tài sản công.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/do-thi/ha-noi-manh-tay-voi-du-an-treo-tintuc423717