Hà Nội hỗ trợ bữa ăn bán trú: Cần lộ trình triển khai rõ ràng
Chính sách hỗ trợ giúp mọi học sinh, bất kể hoàn cảnh gia đình đều có cơ hội tiếp cận bữa ăn đầy đủ, chất lượng như nhau...

Cô trò Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (Xuân Mai, Hà Nội) trong giờ học trên lớp. Ảnh: Khôi Nguyên
Tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn Thủ đô năm học 2025 - 2026 (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).
Lợi ích thiết thực
Từ năm học 2025 - 2026, Nghị quyết quy định mức hỗ trợ gồm: Đối với học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi và thuộc bãi giữa sông Hồng mức hỗ trợ là 30.000 đồng/học sinh/ngày; đối với học sinh tiểu học đang theo học tại các trường còn lại của thành phố, mức hỗ trợ là 20.000 đồng/học sinh/ngày (hỗ trợ bữa ăn chính).
Trường hợp phụ huynh học sinh và nhà trường thống nhất mức tiền ăn cao hơn so với mức Nhà nước hỗ trợ thì phần chênh lệch sẽ thu của người học (đảm bảo mức ăn tối thiểu là 30.000 đồng/học sinh/ngày). Thời gian hỗ trợ theo số ngày ăn thực tế của học sinh, không quá 9 tháng/năm học. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp, riêng năm 2025 do ngân sách thành phố đảm bảo.
Bà Trịnh Chung Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên, phường Yên Hòa cho rằng, đây là chính sách đúng đắn và thiết thực của lãnh đạo thành phố dành cho học sinh, trước mắt là cấp tiểu học.
Bữa ăn bán trú được tổ chức bài bản sẽ đảm bảo học sinh được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng cần thiết cho một ngày học tập. Điều này giúp nâng cao thể lực, trí lực và sự tập trung của các em, góp phần vào sự phát triển toàn diện. Chế độ ăn uống cân bằng, khoa học tại trường giúp hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì ở trẻ em.
Ủng hộ chủ trương này của thành phố, bà Nguyễn Thị Hiền Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh (xã Sơn Đồng) nhấn mạnh, quyết sách này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố khi chăm lo tới bữa ăn học sinh tiểu học. Chính sách hỗ trợ giúp mọi học sinh, bất kể hoàn cảnh gia đình đều có cơ hội tiếp cận bữa ăn đầy đủ, chất lượng như nhau.
Biết thông tin HĐND thành phố thông qua Nghị quyết này, đa số phụ huynh bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi. Anh Lê Đình Sơn - trú tại phường Từ Liêm chia sẻ: “Gia đình tôi có hai con đang học lớp 1 và lớp 4. Nếu thực hiện từ tháng 9 tới, mỗi tháng chúng tôi đỡ được 800.000 đồng/tháng tiền ăn của các cháu vì ăn suất cơm 30.000 đồng/cháu. Chúng tôi cảm ơn thành phố về chủ trương tốt đẹp này”.
Chị Trương Thị Mai có con học tại Trường Tiểu học Yên Thường (xã Phù Đổng) chia sẻ, khi được thành phố hỗ trợ tiền ăn trưa thì số lượng phụ huynh đăng ký cho con ăn tại trường sẽ tăng lên, điều này giúp các gia đình giảm gánh nặng tài chính để yên tâm đi làm. Bố mẹ bớt được khâu lo người đưa đón con buổi trưa về ăn uống, chiều phải đưa đi học nên thuận lợi.

Trẻ tiểu học tại Hà Nội trong giờ ăn bán trú ở trường. Ảnh: Khôi Nguyên
Tính kỹ khi triển khai
Nằm ở địa bàn vùng núi cách xa trung tâm Thủ đô, ông Võ Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Bài (xã Yên Bài) thông tin, năm học 2024 - 2025, nhà trường có khoảng 220/700 học sinh toàn trường đăng ký ăn bán trú, còn lại đa số về nhà ăn trưa và buổi chiều lại tới lớp học. Do đời sống người dân còn nhiều khó khăn, mức ăn bán trú năm học trước chỉ 19.000 đồng/học sinh/bữa trưa.
“Dự kiến trong năm học tới, số lượng học sinh đăng ký ăn bán trú tại trường có thể đạt gần 100%. Nhà trường sẵn sàng các điều kiện về bếp ăn, đồng thời bố trí đủ giáo viên, nhân viên phục vụ bán trú cho các em ở 25 lớp. Về mức ăn cụ thể, chúng tôi sẽ họp với phụ huynh học sinh để thống nhất, tinh thần sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố”, ông Võ Xuân Hải trao đổi.
Bà Chu Thị Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Tú (xã Ứng Hòa) cho hay, nằm ở địa bàn kinh tế không phát triển như khu vực nội thành Hà Nội, tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho con ăn bán trú trong năm học trước chỉ đạt khoảng 33% trong tổng số hơn 800 học sinh. Các em ăn suất bán trú 25.000 đồng/học sinh/bữa trưa. Tiền trông bán trú trường chỉ thu 150.000 đồng/học sinh/tháng, trong khi mức trần của thành phố là 235.000 đồng/học sinh/tháng.
Nhà trường cho phép một công ty cung cấp suất ăn về trường phụ trách chế biến, phân chia suất ăn cho học sinh nhưng đặt dưới sự giám sát an toàn thực phẩm của nhà trường và các bộ phận liên quan. Sắp tới, khi có hướng dẫn cụ thể từ lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng như của chính quyền địa phương, nhà trường sẽ triển khai chủ trương này hiệu quả.
Nhấn mạnh vai trò về phân cấp, phân quyền trong triển khai Nghị quyết này của HĐND TP Hà Nội, Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thường (xã Phù Đổng) cho biết: “Chủ trương của thành phố rất đúng và nhân văn. Tuy nhiên, khi thực hiện cần dựa trên những hướng dẫn, tiêu chí cụ thể, nhất là liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán để đảm bảo quyền lợi của học sinh, giúp các nhà trường tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy chuyên môn”.
Ở góc nhìn khác, cô Nguyễn Thị Trang - giáo viên tiểu học tại Hà Nội nêu đề xuất, thay vì hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh toàn thành phố, nên chăng, chúng ta hãy tập trung vào những em là đối tượng khó khăn, vùng núi, bãi bồi ven sông hay các trường hợp đặc biệt khác. Điều này đòi hỏi sự xác minh, thống kê từ chính quyền địa phương cấp xã/phường xuống tới cấp thôn/tổ dân phố.
“Tôi ủng hộ chủ trương và sự quan tâm của lãnh đạo thành phố khi áp dụng chủ trương này. Thực tế có một số phụ huynh bày tỏ họ chưa cần hỗ trợ tiền ăn trưa, mà điều họ cần trước mắt là thành phố tiếp tục đầu tư kinh phí để mở rộng trường lớp, xây thêm cầu vượt ở những nơi giao thông quá tải giúp học sinh được học trong môi trường an toàn”, cô Nguyễn Thị Trang chia sẻ.