Hà Nội: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch
Từ nay đến cuối năm 2023, Trung tâm tiếp tục triển khai các hoạt động như: Sản xuất phim du lịch 'Hà Nội - đến để yêu'; tổ chức Festival Thu Hà Nội, Lễ hội ẩm thực Hà Nội...
Ngày 23/6, Đoàn giám sát Ban Văn hóa, Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn tại Sở Du lịch và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội.
Trình bày báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở Du lịch luôn tích cực tham mưu cho UBND thành phố và chủ động ban hành các hệ thống văn bản, kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phát triển sự nghiệp du lịch trên địa bàn. Từ năm 2017 đến tháng 5/2023, liên quan đến tổ chức thực hiện Luật Du lịch, Sở đã ban hành 44 văn bản chỉ đạo điều hành và tham mưu UBND thành phố ban hành 26 kế hoạch, chương trình phát triển du lịch Thủ đô.
Việc ban hành các văn bản kịp thời đã tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch. Cụ thể, giai đoạn năm 2017 - 2019, tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân đạt 19,35%/năm. Năm 2021, du lịch Hà Nội không đón khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40% tổng thu năm 2020). Năm 2022, với việc mở cửa trở lại, đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3, tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng, đạt trên 61.000 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2021. Dự kiến, 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Mai Anh, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Điển hình như Lễ hội du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch” do Trung tâm tổ chức từ ngày 23 - 26/3 tại khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, thu hút trên 50.000 lượt khách tham quan và mua sắm các sản phẩm du lịch. Trung tâm cũng tổ chức gian hàng của thành phố tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023 với chủ đề “Huyền tích Thăng Long - Ngàn năm di sản”, giới thiệu tới du khách mô hình Khuê Văn Các - biểu tượng văn hóa của Thủ đô, một số tuyến, điểm du lịch văn hóa nổi bật kết nối trung tâm Hà Nội - Thành Cổ Loa, Bát Tràng, đền Phù Đổng, đền Gióng Sóc Sơn, chùa Hương, Sơn Tây, Ba Vì, chùa Thầy cùng một số sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật như show Tinh hoa Bắc Bộ, bảo tàng gốm Bát Tràng đã thu hút trên 10.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu về du lịch Hà Nội.
Từ nay đến cuối năm 2023, Trung tâm tiếp tục triển khai các hoạt động như: Sản xuất phim du lịch “Hà Nội - đến để yêu”; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế ITE thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức Festival Thu Hà Nội, Lễ hội ẩm thực Hà Nội; tổ chức đoàn xúc tiến du lịch tại nước ngoài tham gia các hội chợ du lịch lớn gồm Hội chợ Topresa Paris (3 - 5/10/2023), Hội chợ JATA Nhật Bản (26 - 29/10/2023), Hội chợ Du lịch thế giới WTM London - Vương quốc Anh (7 - 9/11/2023).
Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, những quy định hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch của thành phố còn hạn chế. Một số quy định bất cập chưa phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường cũng như mục tiêu đề ra khi mở cửa du lịch sau COVID-19. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành, chưa ngang tầm với các nước trong khu vực vì nhiều nguyên nhân.
Để tạo đà cho du lịch Thủ đô phát triển, Sở Du lịch đề nghị, HĐND thành phố, UBND thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo kiểm tra, giám sát thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm liên quan phục vụ phát triển du lịch như: Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh... để sớm tạo ra sản phẩm mới, thu hút khách tham quan du lịch tới Thủ đô.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chính sách hỗ trợ về kinh tế, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế và trong nước để mở rộng, tiếp cận được các đối tác có tiềm năng trong nước và quốc tế; quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên gia, tư vấn giúp doanh nghiệp lữ hành tiếp cận nhanh với các tiến bộ về khoa học công nghệ, đẩy nhanh quá trình áp dụng chuyển đổi số tại doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu và với Việt Nam. Hoạt động này thành công là động lực tăng trưởng của nhiều ngành, nghề và du lịch cũng không nằm ngoài "dòng chảy" ấy. Qua quan sát cho thấy, trang web của Sở Du lịch cần đổi mới hơn nữa, thu hút nhiều lượt truy cập.
Song song với đó, ngành Du lịch Thủ đô nên số hóa dữ liệu du lịch, thậm chí có thể xây dựng các app để tăng tính tương tác, ví dụ: app Hà Nội ăn gì ngon, Hà Nội chơi ở đâu.... Ngoài ra, du lịch phải phát triển gắn với các ngành, nghề, hội nghị, hội thảo... như du lịch chữa bệnh; qua đó, thu hút khách du lịch đến Thủ đô.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình ghi nhận, thời gian qua, Sở Du lịch và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã quan tâm tới phát triển du lịch và cụ thể hóa thành các chương trình, đề án; tích cực tìm tòi để có mô hình mới, sáng tạo trong các đề án đầu tư cơ sở hạ tầng, điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn.
Trưởng ban Văn hóa, Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn nêu một số công trình, đề án chưa khai thác hết hiệu quả. Thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tiếp tục quan tâm khắc phục những khó khăn, hạn chế, có giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc phục hồi du lịch; đổi mới hơn nữa, có sản phẩm mới theo hướng độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch để khai thác hết tiềm năng của thành phố, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp./.