Hà Nam đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Kết quả PCI năm 2022, tỉnh Hà Nam đạt 64,0 điểm, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố (so với năm 2021 tăng 0,72 điểm, giảm 4 bậc) và thấp hơn mức trung vị của cả nước là 1,22 điểm, không đạt chỉ tiêu đề ra.

Ngày 29/8, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan báo cáo, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Lượng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cho biết, kết quả xếp hạng PCI năm 2022, tỉnh Hà Nam đạt 64,0 điểm, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố (so với năm 2021 tăng 0,72 điểm, giảm 4 bậc) và thấp hơn mức trung vị của cả nước là 1,22 điểm, không đạt chỉ tiêu đề ra.

So với năm 2021, có 5 chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ hạng gồm chi phí thời gian (tăng 15 bậc); chi phí không chính thức (tăng 8 bậc); Tính năng động và tiên phong của chính quyền (tăng 21 bậc); đào tạo lao động (tăng 13 bậc); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (tăng 8 bậc); 1 chỉ số thành phần giảm điểm, tăng thứ hạng là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; 4 chỉ số giảm điểm, giảm thứ hạng gồm gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.

Theo đánh giá, những tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chỉ số PCI của tỉnh là cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, doanh nghiệp; tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm làm giảm hiệu quả của các dự án đầu tư.

Cùng đó, thông tin về dữ liệu đất đai chưa được cung cấp kịp thời; doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai; đội ngũ cán bộ, công chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý nên chất lượng tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ còn hạn chế.

Ngoài ra, chất lượng đào tạo lao động và giới thiệu việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng về tính cạnh tranh bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh…

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn - TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát lại, bố trí các cán bộ có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đạo đức tốt để giải quyết tốt công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp; công bố công khai thủ tục hành chính trên môi trường mạng, bảo đảm thông tin “sống, đủ, sạch”.

Các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn; đẩy mạnh hỗ trợ tư pháp, giải quyết vướng mắc, khó khăn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý về thuế, cơ chế chính sách mới, nhất là chính sách về đất đai, môi trường cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với các chỉ số thành phần của chỉ số PCI, các sở, ban, ngành theo chức năng và nhiệm vụ đã được phân công phải thực hiện bằng được để tăng điểm, tăng thứ bậc cho chỉ số, tập trung vào chỉ số thành phần còn thấp điểm, bị giảm thứ bậc trong năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đề nghị địa phương tập trung phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, dự án nhà ở xã hội và các dịch vụ tiện ích đi kèm; đồng thời công khai quy hoạch để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, nhằm nâng cao chỉ số PCI năm 2023 và các năm tiếp theo./.

Thanh Tuấn//TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-nam-de-xuat-giai-phap-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh/304621.html