Hà Giang dồn sức cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chương trình giảm nghèo. Những giải pháp thường xuyên, lâu dài đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chương trình giảm nghèo. Những giải pháp thường xuyên, lâu dài đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thôn Cá Ha, xã Sính Lủng, huyện Ðồng Văn là nơi sinh sống của hơn 110 hộ dân tộc Cờ Lao, trước kia, cuộc sống người dân nơi đây rất khó khăn, nhiều hộ thiếu đói. Ông Dương Văn Thành, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc Cờ Lao thoát nghèo bền vững, hằng năm, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn sản xuất, đưa người dân đi tham quan, học tập mô hình sản xuất tiên tiến. Cùng với đó là xây dựng mô hình kinh tế điểm gắn với hỗ trợ giống, vốn cho người dân phát triển kinh tế hộ.
Anh Vần Chứ Páo là người tiên phong phát triển kinh tế ở thôn Cá Ha. Năm 2015, anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng vốn ngân hàng theo chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh để xây dựng chuồng trại kiên cố, trồng 1 ha cỏ để nuôi bò vỗ béo. Anh Vần Chứ Páo cho biết: "Sau khi tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, mình nắm được kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, biết ủ cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc trong vụ đông cho nên mạnh dạn vay vốn triển khai". Mỗi năm, anh Páo tìm mua từ 10 đến 20 con bò gầy về nuôi vỗ béo, sau vài tháng bán ra thị trường, lãi khoảng 10 triệu đồng/con, thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng/năm, gia đình anh Páo đã thoát nghèo. Không chỉ gia đình anh Páo, các hoạt động hỗ trợ được thực hiện thường xuyên, lâu dài đã tác động đến tư duy, ý thức trong sản xuất của người dân thôn Cá Ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Ðức Quý cho biết: Nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở vùng đồng bào DTTS là do điều kiện cơ sở hạ tầng kém, người dân chưa nắm bắt được khoa học - kỹ thuật, thiếu vốn, thiếu công cụ sản xuất, chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội. Từ thực tế đó, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh huy động được hơn 8.225 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, tạo sinh kế; xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân; hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và coi đây là nguồn lực để các xã nghèo phát triển.
Dấu ấn nổi bật của Hà Giang trong công tác xóa đói, giảm nghèo là đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nổi bật như chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo xã biên giới được tỉnh thực hiện từ tháng 7-2019. Ðây là chương trình hoàn toàn xã hội hóa kinh phí đầu tư và ngày công. Ðến nay, tỉnh đã huy động được hơn 220 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cá nhân và hơn 1,2 triệu ngày công lao động để xây dựng 3.336 nhà cho các đối tượng trong diện được hưởng lợi. Gia đình ông Hoàng Thiến Mìn, thôn Bản Máy, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì) vừa hoàn thành ngôi nhà mới từ tiền hỗ trợ của tỉnh. Cả đời vất vả, gia đình ông Mìn không dám mơ mình được ở trong ngôi nhà xây rộng gần 70 m2 khang trang, sạch đẹp. Ông Mìn cho biết: Có chỗ ở ổn định sẽ tiếp thêm sức mạnh cho gia đình tôi bám trụ, mưu sinh nơi mảnh đất biên cương của Tổ quốc.
Từ việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách, cuộc sống của đồng bào DTTS có sự chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm mạnh, cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 43,65% (năm 2016) xuống còn 22,29% (năm 2020). Mặc dù là tỉnh vùng cao khó khăn nhưng đến nay tỉnh đã có 43 xã và thành phố Hà Giang đạt chuẩn nông thôn mới.
Cuối năm 2020, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết về "Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ cho người dân giai đoạn 2021 - 2025". Ðây là Nghị quyết đầu tiên của Ðảng bộ tỉnh nhằm hiện thực hóa khâu đột phá "Tạo sinh kế, nâng cao đời sống nhân dân" đã được xác định trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17. Ngay sau khi có Nghị quyết, HÐND, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù, chương trình hành động với các giải pháp hỗ trợ và mục tiêu cụ thể. Với gần 90% dân số là đồng bào DTTS ở khu vực nông thôn, Nghị quyết này đã tạo động lực để người dân vươn lên. Ðồng chí Ðặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: Nghị quyết hướng tới mục tiêu thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt của người dân trên chính mảnh đất của mình. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó để người dân có nguồn thu nhập ổn định và bền vững.