Gửi hàng trăm hồ sơ xin việc, cử nhân vẫn chấp nhận thực tập không lương

TRUNG QUỐC - Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc bị suy thoái, nhiều doanh nghiệp nợ nần và phá sản, đã kéo theo tỷ lệ thất nghiệp của các cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ nước này chạm mức kỷ lục.

Sống dựa vào bố mẹ

Nadia Yang đã trải qua nhiều khó khăn để tìm chỗ đứng trong cơ quan nhà nước sau khi có bằng cử nhân. Để thi đỗ vào vị trí ứng tuyển, Nadia phải tham gia các kỳ thi liên quan đến nghiệp vụ. Sau khi dùng hết tiền tiết kiệm vào việc thi cử, cô phải sống dựa vào sự hỗ trợ tài chính của gia đình.

Chỉ riêng tài liệu ôn thi, Nadia mất 1.400 NDT (4,9 triệu đồng), cộng với tiền đăng ký 15 kỳ thi, mỗi lần là 1.500 NDT (5,2 triệu đồng). Sự nỗ lực của Nadia không được đền đáp, may mắn đã không đến: "Tôi có cảm giác bản thân bị đẩy vào ngõ cụt".

Sau thời gian dài cố gắng, đến tháng 3/2024, Nadia mới vượt qua bài phỏng vấn và chính thức trở thành viên chức nhà nước. Mức lương hiện nay của Nadia là 3.000 NDT (10,5 triệu đồng). Trong khi, mức lương trước khi làm nhà nước của cô là 7.000 NDT (24,6 triệu đồng).

Đối với công việc này, nhà ở và tiền ăn của cô do nhà nước trợ cấp. Nadia cho rằng, sự ổn định là điều đáng quý nhất lúc này: "Biết hài lòng là đủ, hiện tôi không mong điều gì hơn".

Chấp nhận thực tập không lương

Fiona Qin từng có nhiều dự định về tương lai khi còn đi học. Cô mong muốn đỗ vào trường top đầu, sau đó học tiếp thạc sĩ. Tốt nghiệp, Fiona thích trở thành phóng viên tại hãng tin ở thành phố. Trong quá trình học thạc sĩ ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Fiona đã hoàn thành một số khóa thực tập.

Cô đặt mục tiêu nộp 100 hồ sơ vào các doanh nghiệp, với mong muốn nhanh chóng tìm kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp thạc sĩ. Mùa thu năm 2022, khi lễ tốt nghiệp thạc sĩ đến gần, mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch của Fiona. Tuy nhiên, không lâu sau, kế hoạch của cô đổ vỡ vì dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Cộng với suy thoái kinh tế, loạt đơn xin việc của Fiona không nhận được phản hồi.

Về sau, Fiona chuyển sang nộp đơn xin việc vào nhiều lĩnh vực, không chỉ báo chí có cả công nghệ, xuất bản và thậm chí là bán hàng. Khi cảm giác bất lực xâm chiếm, Fiona nói: "Đây là tín hiệu đáng sợ vì tôi đã gửi hàng trăm hồ sơ xin việc nhưng không nhận được phản hồi".

Đến tháng 1/2024, mới có một đơn vị truyền thông ở Thượng Hải (Trung Quốc) chấp nhận cho Fiona cơ hội thực tập không lương. Cô phải sống bằng tiền tiết kiệm và trợ cấp của bố mẹ, mỗi tháng thuê nhà hết 2.600 NDT (9,1 triệu đồng).

Sau vài tháng làm việc không lương, mới đây, Fiona trở thành nhân viên chính thức của công ty. Hiện, cô vẫn hoài nghi về năng lực bản thân, sợ không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. "Có nhiều bất ngờ xảy ra, tôi chỉ mong bản thân vượt qua mọi chuyện ở thời điểm hiện tại", Fiona chia sẻ.

Mất niềm tin vào tương lai

Trường hợp khác, Phoebe Liu mong muốn làm việc tại 'kỳ lân' công nghệ ByteDance. Trước đó, Phoebe đã gửi hàng chục hồ sơ xin việc nhưng chưa tìm được nơi ổn định. Chờ đợi xin việc ở ByteDance, Phoebe thực tập tại Xiaohongshu. Chi phí mỗi tháng cô thuê nhà ở Bắc Kinh (Trung Quốc) khoảng 3.000 NDT (10,5 triệu đồng).

Lương thực tập mỗi ngày tại Xiaohongshu của Phoebe khoảng 150 NDT (528.000 đồng), trong khi tiền thuê giáo viên dạy phỏng vấn để phục vụ thi vào ByteDance là 250 NDT/buổi/giờ (880.000 đồng).

Cuối cùng, Phoebe lại không đỗ vào ByteDance, nhưng được công ty khác nhận làm nhân viên chính thức nhờ kinh nghiệm thực tập ở Xiaohongshu. Tuy nhiên, quá trình tìm được công việc phù hợp khiến Phoebe rơi vào tình trạng lo âu kéo dài.

Mặc bố là doanh nhân thành đạt nhưng Phoebe vẫn không ngừng đặt câu hỏi hoài nghi về bản thân và tương lai. Cô luôn tự hỏi: "Sau này liệu có được như bố không? Tôi không biết, nếu làm việc chăm chỉ từ 10-20 năm nữa, liệu có giàu như bố. Tôi biết rõ, sự thành công và giàu có đến từ nhiều yếu tố, ngoài nỗ lực và chăm chỉ của bản thân".

Thắm Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gui-hang-tram-ho-so-xin-viec-cu-nhan-van-chap-nhan-thuc-tap-khong-luong-2281942.html