GS.TS Chử Đức Trình: Trí tuệ nhân tạo mở cơ hội lớn cho thế hệ trẻ vươn ra thế giới
Trí tuệ nhân tạo và công nghệ số đang mở ra cơ hội lớn cho thế hệ trẻ, yêu cầu người trẻ phải học cách tận dụng tối đa công nghệ này.
Năm 2014, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố ngày 15/07 là Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới (World Youth Skills Day). Mục đích của Ngày Kỹ năng Thanh thiếu niên Thế giới là mong muốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư vào kỹ năng của thanh niên như một phương tiện thúc đẩy việc làm và phát triển bền vững.
Chủ đề của Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới năm 2025 là "Trao quyền cho thế hệ trẻ thông qua AI và kỹ năng số".
Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) để lắng nghe những chia sẻ của thầy về việc trang bị kỹ năng AI cho thế hệ trẻ.
Công nghệ trao cơ hội cho thế hệ trẻ vươn ra thế giới
Dưới góc nhìn của Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình: “Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một trong những công nghệ có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến mọi khía cạnh của đời sống. Đối với giới trẻ Việt Nam, AI mang lại nhiều triển vọng.
AI giúp thế hệ trẻ tiếp cận một môi trường làm việc toàn cầu hóa, thuận lợi và rộng mở hơn. Các bạn có thể tham gia vào thị trường quốc tế, kinh doanh và hợp tác với thế giới mà không bị cản trở bởi khoảng cách địa lý. Đây cũng chính là vai trò nổi bật của chuyển đổi số và công nghệ số, trong đó AI đóng một phần quan trọng.
Dĩ nhiên, đi cùng với những cơ hội mà AI mang lại là không ít thách thức. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc vượt qua những thách thức này chính là nhiệm vụ của giới trẻ Việt Nam. Đó là phải tích lũy được các kiến thức và kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực bản thân đang theo đuổi đồng thời rèn luyện những kiến thức, kỹ năng mới, học cách sử dụng và làm chủ trí tuệ nhân tạo.
Việc trao quyền cho thế hệ trẻ thông qua AI và kỹ năng số, theo tôi, không chỉ là trao quyền theo nghĩa thông thường mà là trao cơ hội để các bạn trẻ vươn ra thế giới nhờ công nghệ. Một nền tảng công nghệ dành cho giới trẻ đã được xây dựng và họ có quyền được sử dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống của mình”.
Thầy Trình khẳng định, kỷ nguyên số không phải là kỷ nguyên của riêng giới công nghệ mà là kỷ nguyên đưa công nghệ vào tất cả mọi hoạt động của cuộc sống, mọi ngóc ngách của đời sống. Vì thế không phải chỉ những người học về công nghệ mới cần biết đến AI.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tất cả mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đều cần phải nâng cao năng suất lao động của mình bằng sử dụng khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi không chỉ giới trẻ mà đông đảo người dân cần có kỹ năng thích nghi với môi trường số.
Đề cập thêm đến vấn đề AI có thể giúp cá nhân hóa cũng như nâng cao chất lượng học tập nhưng cũng có nguy cơ làm gia tăng “khoảng cách số”. Theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ là không thể phủ nhận, và cần nỗ lực để giảm thiểu điều này. Tuy nhiên, tại Việt Nam sản phẩm của AI và công nghệ số hiện nay cũng đã giúp xóa nhòa nhiều rào cản so với các công nghệ trước đó.
Trước đây, những người trẻ ở thành thị dễ tiếp cận máy tính hơn so với những người trẻ ở nông thôn nhưng hiện tại, nhờ sự phát triển của công nghệ số và AI, cùng với chính sách phủ sóng mạng viễn thông của Đảng và Nhà nước, cơ hội tiếp cận công nghệ đã trở nên công bằng hơn giữa thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo. Đây chính là ưu điểm của việc áp dụng công nghệ tiên tiến, giúp mang lại sự công bằng cho các vùng miền và dân tộc khác nhau.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của AI đòi hỏi một cách tiếp cận có đạo đức và cân bằng. Các vấn đề như quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu hay nguy cơ AI bị lạm dụng cho các mục đích không phù hợp đang trở thành mối quan tâm toàn cầu.
Thầy Trình khẳng định, trong mọi công nghệ, con người luôn phải là trung tâm. AI hay bất kỳ công nghệ nào khác chỉ là công cụ để đồng hành. AI cần được sử dụng một cách thông minh và hiệu quả, không chỉ ở góc độ cá nhân mà còn ở góc độ cộng đồng, địa phương và cả quốc gia.

Hệ thống giáo dục sẵn sàng trong việc trang bị kỹ năng AI cho người học
Đánh giá về mức độ sẵn sàng của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay trong việc trang bị kỹ năng số cho người học, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Để làm chủ công nghệ số và AI không phải là điều dễ dàng. Mặc dù vậy, thời gian qua, các trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam đã nỗ lực triển khai rất mạnh mẽ.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đang có vị thế phát triển tốt về công nghệ số. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ số và AI vào các lĩnh vực không chuyên về công nghệ giờ đây trở nên dễ dàng hơn. Người lao động từ nhiều ngành nghề khác nhau có thể dễ dàng ứng dụng công nghệ số vào công việc của mình.
Công nghệ số hiện nay đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Người dân Việt Nam cũng rất cởi mở với việc ứng dụng công nghệ. Do đó, việc đưa công nghệ số và AI vào công việc của từng cá nhân, từng gia đình là rất thuận lợi.
Cả hệ thống chính trị đang đẩy mạnh chuyển đổi số, thành tựu của chuyển đổi số sẽ tạo ra bước bứt phá mạnh mẽ, giúp các hoạt động của cơ quan trung ương và địa phương trở nên mượt mà hơn nhất là trong bối cảnh sắp xếp lại hệ thống hành chính quốc gia.
Ngành giáo dục cũng đã sẵn sàng để đáp ứng bài toán trên. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT ngày 24/1/2025 quy định Khung năng lực số cho người học áp dụng đối với các cơ sở giáo dục, các chương trình giáo dục, đào tạo và người học trong hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức, cá nhân có liên quan. Một bộ tiêu chuẩn toàn diện được cung cấp, giúp người học phát triển các kỹ năng cần thiết để làm chủ công nghệ số.
Riêng đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị đã xây dựng học phần “Nhập môn công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo” để trang bị kiến thức nền tảng về tư duy số và những công cụ phổ biến về trí tuệ nhân tạo cho sinh viên. Theo kế hoạch, sinh viên chính quy toàn Đại học Quốc gia Hà Nội từ khóa tuyển sinh 2025 sẽ học trực tuyến học phần này”.
Bên cạnh đó, theo Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo là một hướng đi chiến lược để thúc đẩy kỹ năng số cho thế hệ trẻ.
Trong bối cảnh công nghệ số và AI đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, nơi các bạn trẻ trên toàn cầu có thể kết nối, học hỏi và cạnh tranh, việc chia sẻ kiến thức, phương pháp giảng dạy thông qua các mối quan hệ hợp tác toàn cầu trở nên thiết yếu.
Các chương trình hợp tác quốc tế không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận những phương pháp đào tạo tiên tiến và các công nghệ AI mới nhất, mà còn mở ra cơ hội thu hút tài trợ, kết nối với các thị trường và mạng lưới nghiên cứu toàn cầu.
Nếu không tận dụng những cơ hội này, các đơn vị và cá nhân sẽ bỏ lỡ tiềm năng to lớn để nâng cao năng lực và khẳng định vị thế trong kỷ nguyên số. Hợp tác quốc tế không chỉ là cầu nối để tiếp cận nguồn lực mà còn là động lực để Việt Nam đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng toàn cầu, từ đó xây dựng một thế hệ trẻ thành thạo AI, sẵn sàng dẫn dắt tương lai.
Nhân Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới năm 2025, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ - những người đang đứng trước cơ hội và thách thức của thời đại AI rằng: “Trí tuệ nhân tạo và công nghệ số đang mở ra cơ hội lớn cho thế hệ trẻ. Các bạn hãy nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, khả năng thích nghi với môi trường số để tận dụng tối đa công nghệ này.
Từ đó, người trẻ không chỉ nâng cao năng lực cá nhân mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động và vị thế của đơn vị, tổ chức, rộng hơn là quốc gia trên thị trường toàn cầu thông qua các sản phẩm chất lượng”.
