Góp phần đẩy lùi bệnh dịch

Việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh là nguyên nhân chính gây ra các dịch bệnh về đường tiêu hóa như: Tả, lỵ, thương hàn và nhiễm các loại giun, sán... Do đó, việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ sức khỏe và cải thiện môi trường sống cho người dân.

Tứ Quận hiện đang là xã đi đầu của huyện Yên Sơn và của tỉnh trong phong trào xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, được xây dựng hơn 5 năm, chị Phạm Thị Thoa, thôn Dàm, xã Tứ Quận chia sẻ, trước đây khi chưa xây nhà, gia đình chị rất khó khăn trong việc sinh hoạt, vệ sinh cá nhân. Sau khi cán bộ y tế tới tận nhà tuyên truyền, thấy được lợi ích và hiệu quả của việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, gia đình chị đã đầu tư gần 7 triệu đồng để xây nhà tắm và nhà tiêu tự hoại sạch sẽ. Chị nhận thấy đây là việc làm thiết thực, không những bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình mà còn góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường.

Người dân thôn Cầu Trôi, xã Tứ Quận (Yên Sơn) chia sẻ kinh nghiệm làm nhà tiêu hợp vệ sinh.

Người dân thôn Cầu Trôi, xã Tứ Quận (Yên Sơn) chia sẻ kinh nghiệm làm nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bác sỹ Hoàng Văn Vụ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tứ Quận cho biết, trước đây do quan niệm của người dân vẫn coi nhà tiêu là công trình phụ nên ít coi trọng xây dựng khi làm nhà ở. Từ năm 2015, xã được Dự án nhân rộng phát triển thị trường vệ sinh hộ dân và cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân (Wash - Sup) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu được lợi ích thiết thực khi sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trong việc đảm bảo sức khỏe bản thân và cộng đồng. Nhờ vậy đến nay, toàn xã đã có 97% số hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo Bộ Y tế, nhà tiêu hợp vệ sinh là không làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước, không tạo nơi cho ruồi, muỗi và các côn trùng khác sinh nở, không có mùi hôi thối. Các loại nhà tiêu hợp vệ sinh phổ biến gồm: Nhà tiêu tự hoại, nhà tiêu thấm dội nước, nhà tiêu sinh thái và nhà tiêu đào có ống thông hơi... Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, điều kiện tự nhiên, nguồn nước của từng vùng mà các hộ có thể chọn loại nhà tiêu phù hợp. Hiện toàn tỉnh có 138.986/202.581 hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt 68,6%. Các huyện có tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt cao là: TP Tuyên Quang đạt 94,5%, Yên Sơn đạt 75,2%, Hàm Yên đạt 70%.

Theo bác sỹ Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trước đây, do nhận thức của người dân chưa cao, nhiều gia đình còn quan niệm nhà vệ sinh chỉ là “công trình phụ” nên ít được coi trọng khi làm nhà. Được sự hỗ trợ của Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cùng nhiều chương trình, dự án như: Dự án Wash - Sup, Dự án Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả… đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về xây dựng và đưa vào sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ đó, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, hộ gia đình, vệ sinh môi trường đảm bảo sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Việc thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh sẽ góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nguồn kinh phí để các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Bài, ảnh: Dương Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/gop-phan-day-lui-benh-dich-118332.html