Gọi Tết

Mỗi khi đi trên con đường trập trùng giăng giăng, dốc đỏ bụi mờ mưa bay vào tháng Một - Chạp, lòng tôi cứ xôn xao nhớ về tết xưa mà những người con gái Tày như tôi lại ngẩn ngơ với những cù lao kí ức đong đầy...

Khi cơn gió gõ vào tháng Chạp từ bên kia sông Bố Hạ mang chút xíu nồng nàn Tết rắc khắp cung đường Đông Bắc là thời điểm các bản Tày đã rục rịch lo Tết rồi. Nhà nhà chuẩn bị mọi vật dụng để làm đủ hai thứ bánh chính: bánh chưng và bánh do... Và cái Tết gia đình như đã được mặc định rằng tuy chưa đủ đầy về vật chất nhưng dư thừa về niềm vui, ăm ắp tình yêu, tình người, tình làng xóm bền chặt, một cái Tết bình yên đúng nghĩa.

Khi cái Tết cách bản một con sào thì từ ngõ trên xóm dưới các chị em í ới gọi nhau “nhà ấy có đi tìm lá dong không, có đi thì đi vớ”! Thế là lục tục phẻn dao cài lưng, cơm đùm cơm gói mang đi, chẳng biết đi bao xa, qua bao nhiêu khoảnh đồi tối mịt mờ sẩm sờ mới về đến nhà. Có người còn cầm theo cả mấy ống rang để chẻ lạt buộc bánh nữa. Người nào người ấy mặt mày hớn hở cõng bó lá dong còn cả cuống trên lưng như cõng núi về nhà. Ai cũng hoan hỉ, hồ hởi kể chuyện cuộc đi thật may mắn gặp được toàn lá to, lá lành sau khi băng qua sốc ruộng vỡ hoang mới gặt, rạ nếp thơm phưng phức của bà con đồng bào dân tộc Dao ở bản bên. Về tới nhà sau khi cơm nước nghỉ ngơi xong, người nào người ấy mới đem ra lựa từng lá xếp vào nhau rồi cuộn lại, mỗi cuộn vài chục lá rồi lấy dao chặt cho bằng chân cuống, lấy những lá sâu lá rách đã lọc ra bọc, buộc, bó lại cho thật kín rồi đem ngâm vào vại nước cho ngập phần chân cuống để ở nơi râm mát ẩm thấp cho lá được tươi lâu. Tiếp đến là đi tìm lá chít, rồi các loại cây lá đốt lấy tro gói bánh để có được những chiếc bánh do ngon mềm dẻo...

Đặc biệt là phải có màu vàng óng ánh như màu mật ong mới thu phục được lòng người Tày già, tình người Tày trẻ... Muốn vậy, trước hết, công đoạn chọn lá làm bánh phải là cây lá bòng, cây mận, cây vừng, cây đa, cây thành ngạnh và phải là cây còn tươi thì màu tro mới trắng và không độc. Sau đó, lấy vỏ cây đỗ tương khô cho vào làm mồi đốt. Ngày tàn thì tro cũng nguội, lúc đó mới cho vào thúng đặt lên trên cái chậu, cái thau. Và ngày hai lần, sáng - tối mỗi lần tưới nhẹ vào vài bát nước để nước tự ngấm vào theo thời gian lóc tóc chảy xuống chậu để tinh lọc nước tro. Sau khoảng 3 đến 4 hôm thì lấy nước tro này ra ngâm gạo. Trong khi chờ nước tro được thì tranh thủ ra chợ mua mật mía, mật chấm bánh phải chọn loại mật vàng sánh mới ngon, mới đậm. Mẹ tôi thường lựa gạo nếp nương dẻo thơm vo qua vài lần nước giếng nhà rồi mới cho vào ngâm trong nước tro. Mẹ bảo như vậy khi bánh chín màu bánh mới tươi, mới đẹp. Gói bánh do phải gói bằng lá chít, thân lá cứng và thơm, khi bóc bánh ăn cứ gọi là mát lịm rười rượi nơi đầu lưỡi...

Chọn củi luộc bánh cũng lắm công phu, mẹ phải lặn lội vào rừng tìm củi khô, củi gộc, củi đẹp mới giữ lửa được lâu, người canh lửa chỉ cần vài lần đẩy củi vào là than hồng rực đến sáng hôm sau. Luộc bánh phải đều lửa, phải ninh thật nhừ, thật kỹ thì bánh mới rền mới ngon, riêng bánh chưng phải luộc lại hai lần, lần một khi bánh chín nhừ thì vớt ra lấy nước lã rửa thật sạch từng cái rồi đổ nước cũ đi thay nước mới vào, làm như vậy khi mở ra bánh có màu xanh nom vừa ngon vừa đẹp.

Những ngày vào Tết, bản Tày khắp nơi, dù trên những ngọn núi hay triền đồi, phía nào cũng xôn xao í ới tiếng cười nói rổn rảng, tiếng chặt củi côm cốp. Khi chiều buông, những chiếc xe trâu nhà nào nhà nấy đầy ắp củi lục cục lăn về bản... Rồi lại vội vã hò rủ nhau đi lấy chuối về chăn cho chú lợn tết thêm béo, thêm cân. Lại gọi nhau, lại í ới, chưa tỏ mặt người, lại cơm đùm cơm gói đánh xe trâu khục khoạc đi vào tận rừng xanh núi đỏ để lấy chuối.

Chao ôi, rừng ngày ấy bạt ngàn chuối là chuối. Chúng tôi len lỏi khắp các thung khe nước chảy róc rách, trong văn vắt, chim sóc đua nhau chuyền cành hót ríu ran. Lâu lâu gặp những buồng chuối chín vàng ươm, thơm phức, thèm quá thích quá, tôi đưa tay vặt một quả ăn nhệu nhạo toàn hột là hột. Chúng tôi chưa vội chặt chuối mà đi ngắm trời đất, núi gần núi xa cho thỏa thích, càng leo lên cao càng phát hiện ra thiên nhiên đẹp biết nhường nào, yêu biết nhường nào. Đá to, đá nhỏ lô xô, lởm chởm, bước trên những thảm lá mục rười rượi trùng phùng, ngồi lên đá để yêu đá, ngồi lên đá để nghĩ xa trông rộng, ngồi lên đá nhìn xuống mới thích làm sao, một thung lũng đỏ rực, cái màu hoa ấy sao mà gợi, mà thương, mà quyến rũ đến thế, cả bọn ai cũng trầm trồ xuýt xoa khi về nhất định chọn cho mình những bông hoa chuối đẹp nhất để tặng bạn bè, tặng người thân yêu. Có người còn mang cả những buồng chuối về làm thuốc, nghe nói hạt chuối rừng là một thứ thuốc chữa bệnh cho người rất tốt. Riêng tôi, tôi đã bứng hẳn một cây đem về trồng trước ngõ.

Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, gà cũng đã nhốt sẵn trong lồng, thịt lợn đã đụng rền dao thớt, nồi bánh chưng, bánh do cũng đã luộc xong, cũng là lúc lá Quốc kì được những người đàn ông trụ cột trong gia đình dựng lên. Nhà nào cũng lựa chọn trong bụi tre nhà mình cây tre thẳng nhất, đẹp nhất. Cả làng, cả xóm, cả bản từ đồi cao, núi thấp, từ nhà gần đến nhà xa một rừng cờ mọc lên, chụm bên nhau, tựa vào nhau như cánh chim tung bay trước gió... Ngước nhìn lá cờ đỏ tươi phấp phới trong lòng, già làng, trẻ bản - ai ai cũng dấy lên tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc thiết tha cháy bỏng...

Ôi chuỗi kí ức còn lấp lánh cho đến tận bây giờ về mấy chị em tôi Tết nào cũng được mẹ đun lá mùi già cho gội đầu. Riêng tôi bé nhất được mẹ mặc cho bộ quần áo mới rồi lấy lạt giang xâu buộc 2 chiếc bánh do vào với nhau, để tôi cầm xách tòng teng đi chơi... hòa trong tiếng dòng suối hát, hòa trong gió rừng bay, hòa trong tiếng cả chục loài chim... chợt thấy Tết Tày ngày nào vẫn vang trong sâu thẳm lòng tôi!

NÔNG THỊ HƯNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202301/goi-tet-3151987/