Góc tối vô gia cư dưới những tòa cao ốc ở Singapore

Là đất nước có hơn 200.000 triệu phú USD, Singapore vẫn đang đối mặt với nạn vô gia cư ngày càng tăng cao.

Ng Kok Hoe, trợ lý giáo sư tại trường Chính sách Công cộng Lee Kuan Yew, dẫn dắt một nghiên cứu về tình trạng vô gia cư ở Singapore, cho biết mỗi đêm, có từ 921 đến 1.050 người ngủ ở các nơi công cộng như lề đường, công viên.

Hầu hết họ là những người đàn ông lớn tuổi, không đủ tiền mua nhà, muốn ở gần nơi làm việc hoặc gặp vấn đề với các thành viên trong gia đình.

Trong số 88 người tham gia phỏng vấn, có khoảng 50 người làm các việc lặt vặt như dọn dẹp, bảo vệ, phát tờ rơi.

Họ kiếm được từ 412 đến 2.207 USD mỗi tháng, thấp hơn khoảng 60% so với thu nhập bình quân của cư dân Singapore.

Đi xa những tòa nhà cao tầng, người vô gia cư Singapore chọn cho mình những hành lang vắng người hoặc góc tối để làm chỗ ngủ. Ảnh: TheOnlineCitizen.

Đi xa những tòa nhà cao tầng, người vô gia cư Singapore chọn cho mình những hành lang vắng người hoặc góc tối để làm chỗ ngủ. Ảnh: TheOnlineCitizen.

Một cuộc khảo sát vào 2 năm trước cho thấy có khoảng 180 người ngủ bụi ở 25 địa điểm công cộng khắp Singapore, vào thời điểm tỷ lệ sở hữu nhà ở của quốc gia này trên 90%.

Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu, bao gồm Ng Kok Hoe, không khỏi bất ngờ với tình trạng người vô gia cư lan rộng về cả không gian và thời gian như vậy.

Những con số tương tự cũng xuất hiện ở Hong Kong, nơi tìm thấy 1.127 người ngủ trên đường vào năm 2017, tăng 51% so với năm 2013. Các nhà nghiên cứu xã hội dự đoán con số này sẽ tiếp tục tăng đến gần 2.000.

Khoảng một nửa số người tham gia phỏng vấn cho biết họ đã ngủ bên ngoài từ 1 đến 5 năm, 1/3 đã quen với việc này hơn 6 năm và số còn lại chỉ mới vài tháng.

Số người ngủ bụi ở Singapore tăng lên đáng kể trong 2 năm. Ảnh: Asia One.

Số người ngủ bụi ở Singapore tăng lên đáng kể trong 2 năm. Ảnh: Asia One.

Song, hơn một nửa cho biết họ cũng thường xuyên gặp những vấn đề như bị lấy cắp đồ đạc hoặc bị đuổi đi nơi khác. Cùng với đó, họ chỉ ăn hai bữa trong ngày, và đôi khi bữa ăn đó chỉ toàn cơm trắng.

Sau khi xem qua nhiều hồ sơ, tiến sĩ Ng Kok Hoe nhận định nhiều người trong số này đã có nhà riêng, hoặc nhà trọ, nhưng có thể vì vài lý do cá nhân mà dọn ra ngoài.

“Chúng tôi khuyến khích họ đến các khu nhà tạm trú hoặc trung tâm xã hội để giải quyết vấn đề đang mắc phải”, Ng nói.

Tuy nhiên, Harry Tan, nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore, người từng làm luận án về tình trạng vô gia cư ở thành phố, cho biết nhiều người ngủ ngoài đường thường phải đối mặt với sự kìm hãm và mất tự do khi bước chân vào những ngôi nhà trợ cấp.

“Khi một người được nhận vào ở, rất khó để họ ra khỏi nhà trừ khi vì mục đích công việc. Đối với những người không làm việc, họ phải xin phép để được ra khỏi nhà vào ban ngày”, Tan nói.

Tuy nhiên, Tan cũng cho rằng ngủ bụi hoàn toàn không phải là sự lựa chọn an toàn và sáng suốt.

Những người vô gia cư thường bị đánh cắp đồ đạc từ vết khoét bên dưới túi xách của họ. Thêm vào đó, một phụ nữ đã thức dậy với cảm giác nóng rát trên ngực khi chiếc áo của cô bắt đầu bén lửa. Cô cho rằng mình đang bị quấy rối bởi người nào đó.

Các nhà nghiên cứu cho rằng dù với mục đích gì, việc ngủ bụi luôn tiềm ẩn những bất tiện và nguy hiểm. Ảnh: Storify.

Các nhà nghiên cứu cho rằng dù với mục đích gì, việc ngủ bụi luôn tiềm ẩn những bất tiện và nguy hiểm. Ảnh: Storify.

Tiến sĩ Ng Kok Hoe đề nghị nới lỏng các quy định gay gắt trong việc thuê nhà công cộng, vừa để những người vô gia cư thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ, vừa là cách đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về quyền riêng tư của họ.

Brian Monteiro, người làm công việc tình nguyện và quản lý chương trình tại Công ty Dịch vụ Phúc lợi Công giáo Singapore, đã mở một văn phòng để những người vô gia cư có nơi tắm rửa và sử dụng máy tính.

“Tôi cảm thấy tất cả người dân, dù là ở trong nhà hay lang thang trên đường phố, đều xứng đáng có được sự tôn trọng”, anh nói.

Yến Nhi (Theo SCMP)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/goc-toi-vo-gia-cu-duoi-nhung-toa-cao-oc-o-singapore-post1010925.html