GÓC NHÌN: THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét lần đầu và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu. Luật được kỳ vọng sẽ mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, nâng cao mức hưởng bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết 'Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội' của Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được xây dựng hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động.

Việc sửa đổi luật cũng hướng đến sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới. Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội được cơ quan soạn thảo nghiên cứu rất công phu, toàn diện và đề xuất nhiều chính sách mới có tính nhân văn và góp phần từng bước bảo đảm an sinh xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc; Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; Về chi phí quản lý BHXH.

Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao, cần lưu ý một số vấn đề cụ thể về nội dung. Trước hết, trong dự thảo Luật có nhiều điều luật giao cho Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thực hiện, đề nghị rà soát và nếu có thể thì quy định ngay trong dự thảo Luật này.

Theo quy định tại Điều 3 “Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện” thì hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, nếu không được đi học để đào tạo sỹ quan hoặc chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp thì thời gian kết thúc việc đóng bảo hiểm xã hội của đối tượng này sẽ kết thúc khi hết nghĩa vụ quân sự.

Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung theo hướng: Nếu được đi học để đào tạo sỹ quan hoặc chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng thì thời hạn phục vụ tại ngũ trước đó cũng được coi là thời gian đóng bảo hiểm để hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí; Nếu sau khi ra quân mà tham gia lao động ở các cơ sở có sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đóng bảo hiểm tự nguyện thì thời hạn phục vụ tại ngũ trước đó cũng được coi là thời gian đóng bảo hiểm để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật Trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ đề xuất mở rộng thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với 5 nhóm lao động.

Tại Điều 16 “Quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội” và Điều 19 “Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội” còn có những quy định mâu thuẫn nhau. Cụ thể, tại khoản 7 Điều 16 quy định: cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 19 quy định, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ, quyền hạn kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiến lược phát triển bảo hiểm xã hội, kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ chế quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp). Đề nghị cần sửa đổi để quy định tại khoản 2 Điều 19 thống nhất, đồng bộ với quy định tại khoản 7 Điều 16.

Tại Điều 52 “Chế độ thai sản của người lao động nữ mang thai hộ” và Điều 53 “Chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ”, đề nghị bổ sung tên Điều luật để không bao gồm trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự thì hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi trái pháp luật.

Tại khoản 1 Điều 58 “Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con” quy định “Lao động nữ nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 51 của Luật này có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định”. Để bảo đảm tính khả thi của Luật, cần làm rõ “điều kiện theo quy định” là điều kiện nào.

Tại khoản 3 Điều 59 “Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản” quy định “Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 540.000 đồng”, đề nghị làm rõ căn cứ quy định mức 540.000 đồng. Cùng với đó, cần nghiên cứu, xem xét quy định theo hướng giao cho Chính phủ hoặc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định để bảo đảm sự linh hoạt phù hợp với “trượt giá” hàng năm.

Tại điểm đ khoản 1 Điều 70 “Bảo hiểm xã hội một lần” dự thảo luật quy định hai phương án:

Phương án 1: đ) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: đ) Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Quy định theo phương án 1 là hợp lý, vì bảo hiểm xã hội là một chính sách rất lớn trong việc tiết kiệm trước để hưởng về sau. Việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tại Điều 74 “Tạm dừng, chấm dứt, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng” quy định: “Tạm dừng việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người đang hưởng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Xuất cảnh trái phép; Bị Tòa án tuyên bố là mất tích; Có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật.

Chấm dứt việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người đang hưởng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết; Từ chối hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; Kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật.

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được tiếp tục thực hiện khi người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú. Trường hợp có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích thì ngoài việc tiếp tục được hưởng lương hưu, trợ cấp còn được truy lĩnh tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng kể từ thời điểm dừng hưởng. Cơ quan bảo hiểm xã hội khi quyết định tạm dừng hưởng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tạm dừng hưởng, cơ quan bảo hiểm xã hội phải ra quyết định giải quyết hưởng; trường hợp quyết định chấm dứt hưởng bảo hiểm xã hội thì phải nêu rõ lý do. »

Đề nghị nghiên cứu trường hợp người đang hưởng lương hưu bị kết án phạt tù và người đang đóng bảo hiểm (gần tới thời hạn được hưởng lương hưu) thì phạm tội (nhưng không phải là phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh). Bởi lẽ, quan hệ pháp luật bảo hiểm và quan hệ pháp luật hình sự là hai quan hệ pháp luật khác nhau.

Theo đó, phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự (bị kết án, áp dụng hình phạt và có thể phải đi tù); còn quan hệ bảo hiểm là có đóng thì có hưởng và không vì bị đi tù thì đương nhiên mất quyền được hưởng chế độ bảo hiểm (đối với phần đã đóng bảo hiểm trước đó). Thực tế Quân đội đã ban hành và thực hiện Thông tư số 01/2010/TT-BQP về giải quyết chế độ, chính sách cho những người do Quân đội quản lý sau khi mãn hạn tù không có gì vướng mắc.

Tại khoản 2 Điều 118 “Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội” dự thảo Luật quy định hai phương án:

Phương án 1. Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Phương án 2. Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu bảo hiểm xã hội và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Quy định theo phương án 1 là hợp lý, vì hoạt động chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) cũng là hoạt động quản lý bảo hiểm xã hội.

Tại Điều 125 “Tố cáo, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội”, đề nghị bỏ quy định tại đoạn 2 khoản 2 “Việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của Chính phủ” và thiết kế lại toàn bộ Điều luật theo hướng tố cáo, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật liên quan. Bởi lẽ, việc tố cáo và giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội không chỉ được thực hiện theo quy định của Luật này mà còn theo quy định của pháp luật về tố cáo, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84599