Góc nhìn hôm nay: Ra kết luận thanh tra mà phải xin ý kiến là không độc lập và khách quan

Tồn đọng việc thực hiện các kết luận thanh tra bởi nhiều cuộc thanh tra tiến hành xong, lại phải để đấy vì khó thực thi, vừa gây khó khăn cho cơ quan thực thi, vừa gây bức xúc xã hội. Để đảm bảo tính độc lập của kết luận thanh tra, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đã yêu cầu làm rõ hơn quy trình thanh tra, các bước cụ thể thực hiện kết luận thanh tra.

Thanh tra tràn lan, ngâm tôm để nhũng nhiễu vòi tiền như vụ bà Nguyễn Thị Kim Anh - nguyên cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng - tại Vĩnh Phúc, thì không cơ quan, tổ chức nào lại không sợ hãi, ngán ngẩm. Đã vậy, theo Thanh tra Chính phủ, đang tồn đọng kết luận sau nhiều năm, thậm chí đã 5-6 năm mà vẫn chưa kết luận được, làm mất hết tính thời sự. Còn những tổ chức bị thanh tra, nhấp nhổm không yên và cũng không dám động tĩnh gì, trong khicơ hội hoạt động hay kinh doanh thì đã mất.

Bởi vậy, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 14 vừa qua. Có một thực tế là các đoàn thanh tra sau khi hoàn thành công việc, thường phải báo cáo xin ý kiến, trong khi ý kiến các bộ ngành lại rất chung chung, nhiều ý kiến nhưng cuối cùng lại không thu được hiệu quả để ra Kết luận thanh tra. Thanh tra kiến nghị về trách nhiệm các bộ ngành thì thường né, ngại va chạm. Như vậy, tính độc lập về chuyên môn là không cao. Cũng do kéo dài thực hiện Kết luận của Thanh tra, dẫn đến hành vi vi phạm phát luật nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín ngành Thanh tra.

Còn nhớ phiên tòa sơ thẩm ngày 30 tháng 8 năm 2021 tại Vĩnh Phúc, đã xét xử 4 cựu cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng, cùng bị truy tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản", theo điều 355 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh, cựu Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, là Trưởng đoàn thanh tra tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).Vị cựu cán bộ Thanh tra này đã yêu cầu 29 xã, thị trấn trong huyện cung cấp 16 đồ án quy hoạch, 31 hồ sơ dự án và 167 hồ sơ dự án công trình. Nhưng, 75 dự án đã từng được thanh tra, kiểm toán trước đó.Để che giấu việc này, bà Kim Anh đã không gửi Quyết định thanh tra tới UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Xây dựng để phối hợp cùng thực hiện.Khi kiểm tra, bị cáo chỉ nhìn bằng mắt thường, không lập biên bản và chỉ đạo cấp dưới: "Đơn vị nào có quà biếu thì xem xét giảm nhẹ, người nào nhận trực tiếp được chia 1/3".

Điều 50 Luật Thanh tra hiện hành quy định: Chậm nhất 15 ngày, kể từ khi nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra và gửi tới Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên và đối tượng thanh tra. Kết luận thanh tra phải đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra. Kết luận về nội dung thanh tra. Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị biện pháp xử lý. Qua nhiều vụ thực tế cũng như vụ Nguyễn Thị Kim Anh, là do không làm đúng như Luật Thanh tra.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh được giao làm Trưởng đoàn thanh tra, có trách nhiệm soạn thảo Quyết định và Kế hoạch thanh tra trình Chánh Thanh tra Bộ duyệt ký. Sau đó, phải ký Kết luận thanh tra và gửi đến các nơi theo quy định. Nhưng, do không thực thi đúng quy định, cũng như như chưa có cơ chế giám sát thực hiện, mới dẫn đến chuyện vòi vĩnh, nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng và bị khởi tố hình sự. Đây cũng là kẽ hở của Luật hiện hành, cần được xiết lại ở Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đúng là cái sảy-nảy cái ung. Nếu qua thanh tra, kiểm toán không phát hiện sai phạm hoặc có phát hiện sai phạm mà không xử lý, hoặc xử lý không nghiêm, sau đó cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện ra sai phạm, thì trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra đó sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm. Đây có thể coi là bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay chính trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực và được nhấn mạnh tại Phiên họp 22 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây.

Còn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đã góp ý, thậm chí chất vấn Ban soạn thảo Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) làm thế nào để đảm bảo tính độc lập của Kết luận thanh tra, yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần làm rõ hơn quy trình thanh tra, cũng như việc công bố, thực hiện kết luận thanh tra phải có các khâu, các bước cụ thể. Việc gì mới phải xin ý kiến, việc gì cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có quyền chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền của mình. Đồng thời, thiết kế Dự án luật sửa đổi phải làm rõ tính độc lập của đoàn thanh tra, của cơ quan thanh tra.Tính độc lập này phải gắn với chịu trách nhiệm theo pháp luật.

THANH TRA 5-6 NĂM CHƯA BAN HÀNH ĐƯỢC KẾT LUẬN

Đặt vấn đề về mối quan hệ giữa việc tuân thủ nguyên tắc hành chính, cấp dưới phục tùng cấp trên với tính độc lập của thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) cần làm rõ mối quan hệ này.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tính độc lập của Thanh tra là độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, thể hiện như thế nào trong dự án luật này? Khi kết luận thanh tra có những vấn đề phức tạp các thứ này khác thì quyền hạn của Trưởng đoàn đến đâu?... Có trường hợp nào dưới Thanh tra sở chuẩn bị công bố nhưng Ủy ban tỉnh hoặc Chủ tịch tỉnh chưa đồng ý cứ để ngâm lại không công bố được không? Ví dụ thế.”

Giải trình về nội dung này, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận tính độc lập về chuyên môn như kiểm toán, thì công tác thanh tra chưa bảo đảm. Bởi, đây là thuộc về khâu tổ chức thực hiện, chứ không phải quy định của luật.

Ông ĐOÀN HỒNG PHONG, Tổng Thanh tra Chính phủ: “Vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương có một lần kiểm tra giám sát về công tác này cũng đã có ý kiến, trong kiến nghị đó cũng kiến nghị về việc phải báo cáo mà đây chính là nguyên nhân tồn tại rất nhiều năm của Thanh tra Chính phủ, đó là tồn đọng kết luận, có những kết luận 5, 6 năm chưa kết luận được, nó mất hết tính thời sự. Đây là vấn đề Chủ tịch Quốc hội nói rất đúng. Sửa cái này như thế nào? Trong Điều 74 chúng tôi soạn thảo và Ủy ban cũng đã thống nhất, tóm lại là trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình, tức là có tính độc lập ở đây.”

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã xử lý một bước về mối quan hệ giữa các cơ quan, chủ thể trong thanh tra. Ghi nhận điều này, song các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, làm rõ thêm trách nhiệm thủ trưởng cơ quan nhà nước, chánh thanh tra, đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, bảo đảm tính độc lập của thanh tra gắn với chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Thực tế có tình trạng một số vụ việc khi thanh tra báo cáo lên Chủ tịch UBND cùng cấp, nhưng chỉ để đó mà không được báo cáo lên cấp ủy."

Nghĩa là Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cần xác định rõ hơn quy trình thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, cũng như công bố kết luận thanh tra đúng thời hạn. Chỉ những việc gì mới phải xin ý kiến trước khi kết luận, thay vì luôn quan niệm “phải xin ý kiến” để né trách nhiệm của Thanh tra, dẫn đến có vụ việc kéo dài 5-6 năm vẫn chưa thể kết luận được.

6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 4.257 cuộc thanh tra hành chính và 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Một khối lượng lớn đã hoàn thành. Nhưng, việc xây dựng kế hoạch tiến hành một số cuộc thanh tra còn dàn trải về nội dung và đối tượng thanh tra.Hầu hết các cuộc thanh tra đều không đảm bảo quy định về thời hạn báo cáo kết quả thanh tra và ban hành Kết luận thanh tra.Một số cuộc thanh tra không thực hiện đúng phạm vi, nội dung. Báo cáo kết quả một số cuộc thanh tra chưa đánh giá đúng tích chất, mức độ vi phạm, không làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm, dẫn đến phần kiến nghị xử lý chưa đầy đủ hoặc chưa tương xứng. Cũngdo chưa thực hiện tốt việc đánh giá, nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của trưởng đoàn thanh tra, các thành viên đoàn thanh tra sau khi kết thúc cuộc thanh tra; nên công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, nên việc thẩm định Dự thảo Kết luận thanh tra chưa phát hiện hay kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế của các cuộc thanh tra này.

Bởi vậy, sửa Luật Thanh tra với chế tài cụ thể và mạnh cho việc chậm ban hành Kết luận Thanh tra, cũng như chuyên môn và bản lĩnh của Trưởng đoàn Thanh tra khi phải xin ý kiến để ra Kết luận, là đòi hỏi bức thiết.

KÝ KẾT LUẬN THANH TRA PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Dự thảo luật cần làm rõ hơn quy trình thanh tra, việc công bố, thực hiện kết luận thanh tra có các khâu, các bước cụ thể... Việc gì phải xin ý kiến, việc gì cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên có quyền chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền của mình.Phải làm rõ tính độc lập của đoàn thanh tra, của cơ quan thanh tra và tính độc lập này gắn với chịu trách nhiệm theo pháp luật. Quan điểm đã được Tổng Bí thư nêu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cơ quan thanh tra, thanh tra viên, đoàn thanh tra phát hiện sai phạm trong quá trình thanh tra mà không xử lý thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

Như vậy, để không bị yếu hồ sơ, thậm chí bị vô hiệu hóa kết quả thanh tra, đầu tiên là phải nâng cao trách nhiệm và có chế tài cụ thể đối với những người chậm ban hành Kết luận thanh tra, cũng như những người không thực hiện Kết luận thanh tra.Quy định trách nhiệm của các cơ quan thanh tra và những người phải thực thi Luật Thanh tra 2010 tuy đã có, nhưng quả thực, chế tài xử lý vẫn chung chung, chưa chỉ được cụ thể những tập thể, cá nhân vi phạm. Chẳng hạn như: Xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật, thì đó là quy định nào? Hình thức và mức độ xử phạt tương ứng là gì? Thế nào là Xử lý không đầy đủ?... nên không gắn trách nhiệm được cả bên ban hành Kết luận thanh tra và bên phải thực thi nó. Đây cũng chính là yếu điểm, dẫn đến chậm thực hiện các Kết luận Thanh tra.

Tồn đọng việc thực hiện các kết luận thanh tra bởi nhiều cuộc thanh tra tiến hành xong, lại phải để đấy vì khó thực thi, vừa gây khó khăn cho cơ quan thực thi, vừa gây bức xúc xã hội. Đơn thư khiếu tố của người dân bị Kết luận thanh tra “ngâm tôm” kéo dài, không hồi âm, sẽ làm mất lòng tin.

Thực hiện : Hà Thu

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-ra-ket-luan-thanh-tra-ma-phai-xin-y-kien-la-khong-doc-lap-va-khach-quan