Giữ vị thế dẫn đầu xây dựng nông thôn mới

Chiều 21/1, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) TP Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.

Hiệu quả từ nguồn lực đầu tư lớn

Tính đến hết năm 2018, TP đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Ngoài ra 4 huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất và Quốc Oai đang hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận đạt chuẩn. Toàn TP hiện đã có 323/386 xã đạt chuẩn NTM (chiếm gần 83,7%), tăng 29 xã so với cuối năm 2017 (về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra). Trong số 63 xã còn lại, 2 xã Xuy Xá và An Mỹ (huyện Mỹ Đức) đã đủ điều kiện, đang trình UBND TP công nhận đạt chuẩn; 52 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 9 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí NTM.

Một tuyến đường bích họa tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Lâm Nguyễn

Song song với mục tiêu xã đạt chuẩn NTM, TP đang đẩy mạnh triển khai xã xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, đã có 3 xã: Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đủ điều kiện trình TP công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Năm 2019, TP Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2019,TP có thêm 30 xã đạt chuẩn và ít nhất 8 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn NTM.

Kết quả trên có được bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân các địa phương, không thể không đề cập tới sự quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là đầu tư rất lớn, có trọng tâm, trọng điểm của TP. Thống kê riêng năm 2018, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM là trên 11.396 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp của Nhân dân khoảng 541 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Thành ủy, từ năm 2016 đến nay, 12 quận đã chung tay, hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí trên 421 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Tiếp tục lấy người dân làm chủ thể
Với việc có 4 huyện và gần 83,7% tổng số xã về đích NTM, Hà Nội được T.Ư đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM. Dù vậy, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn TP vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung và chi tiết các xã theo Thông tư số 02/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn chưa đồng đều giữa các địa phương và còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của Nhân dân. Công tác môi trường chưa thực sự quan tâm đúng mức…
Để giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Song song với đó, thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, để người dân thực sự là chủ thể trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Hà Nội cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đôn đốc các huyện, thị xã triển khai xây dựng xã NTM nâng cao giai đoạn 2018 – 2020 theo Quyết định số 4212/QĐ-UBND của UBND TP. Huy động đa dạng các nguồn lực xây dựng NTM từ đấu giá quyền sử dụng đất; đầu tư và hỗ trợ của các DN, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và từ các quận. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, bổ sung sửa đổi các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng NTM theo hướng đơn giản, dễ thực hiện.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giu-vi-the-dan-dau-xay-dung-nong-thon-moi-334762.html