Giữ mức ổn định giới tính khi sinh

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức tuyên truyền về các chính sách DS-KHHGĐ đến người dân (ảnh chụp trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát). Ảnh: KIM CHI

Mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của mất cân bằng GTKS và đạt được những kết quả tích cực.

Theo công bố mới đây của Bộ Y tế về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỉ số GTKS sử dụng để xây dựng đề án Kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2021-2025, Phú Yên là tỉnh thuộc nhóm 3 (24 tỉnh, thành phố) có tỉ số GTKS dưới 109 bé trai/100 bé gái, đạt mức ổn định.

Còn tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi

Tỉ số GTKS được xem là cân bằng khi ở mức 103-105 bé trai/100 bé gái. Bằng nhiều nỗ lực, trong giai đoạn 2016-2020, Phú Yên đã đạt được mục tiêu của kế hoạch đề ra là giữ tỉ số GTKS của tỉnh không vượt quá 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (tỉ số GTKS năm 2020, đạt 107,68/100 trẻ em nữ).

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Giám đốc phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ, cho biết: Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng GTKS là do người dân chưa thực sự quan tâm đến hệ lụy của vấn đề này. Nhiều gia đình vẫn còn nặng tư tưởng đông con hơn nhiều của, trọng nam khinh nữ, sinh con trai để nối dõi tông đường, để có thêm nguồn nhân lực lao động….

Nhiều cặp vợ chồng đã thực hiện can thiệp để lựa chọn giới tính khi sinh. Chị Nguyễn Lan Ý, 28 tuổi, ở xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu, chia sẻ: “Chồng tôi là con trai trưởng trong nhà. Gia đình có nghề đi biển từ trước đến nay, nên dù cưới nhau, sinh được 1 trai, 1 gái nhưng tôi cũng phải cố gắng sinh nữa để có thêm con trai nối nghiệp cha nó”.

Anh Đỗ Ngọc Tân ở xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, nói: Khi vợ sinh lần lượt 2 đứa con gái, tôi buồn lắm. Nhiều người trêu tôi “đẹp trai nhất nhà”, không có con trai để phụ công việc, lo thờ cúng ông bà. Hai vợ chồng có mấy sào ruộng nên cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Tôi muốn sinh được con trai, để phụ tôi lao động, chứ con gái rồi theo chồng, không thể gánh vác trách nhiệm với gia đình, dòng họ.

Theo đánh giá của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình trạng mất cân bằng GTKS khá cao. “Do dịch bệnh COVID-19 khiến việc triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác dân số bị ngừng trệ. Thêm vào đó, từ trước tới nay, việc kiểm soát tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi còn gặp nhiều khó khăn”, ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết.

Xóa bỏ tâm lý “khát” con trai

Mong muốn sinh thêm để có con trai là vấn đề cốt lõi dẫn đến mất cân bằng GTKS. Thực trạng này đang là thách thức lớn, đe dọa đến cấu trúc dân số trong tương lai cũng như đời sống hạnh phúc của mỗi gia đình.

Để dần xóa bỏ tâm lý “tìm kiếm” con trai, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Lực lượng cán bộ, cộng tác viên dân số ngoài tuyên truyền các biện pháp tránh thai an toàn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con tốt, còn chú trọng tuyên truyền nội dung không phân biệt giới tính.

Chị Võ Thị Ngọc, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), nói: “Tôi thường xuyên đến từng gia đình trò chuyện cùng các chị em, nhất là những cặp vợ chồng sinh con một bề là gái. Từ đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các cặp vợ chồng về vấn đề con cái và vận động họ sinh đủ hai con, không vì mong muốn có con trai mà sinh thêm”.

Qua tuyên truyền, vận động, người dân dần thay đổi quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường, góp phần giảm bớt mất cân bằng GTKS. Anh Ngô Văn Chín ở xã Hòa Đồng, chia sẻ: “Dù sinh hai con một bề là gái nhưng chúng tôi không có ý định sinh thêm. Tôi chỉ mong hai con chăm ngoan, khỏe mạnh, lớn khôn”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Khoa Sơ sinh và Hồi sức sau sinh, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, cho biết: “Ngoài công tác chuyên môn, Bệnh viện Sản - Nhi cũng có chương trình tuyên truyền giáo dục sức khỏe. Mỗi lần các thai phụ đến khám thai thì chúng tôi tuyên truyền con trai hay con gái cũng đều quý như nhau, không nên lựa chọn GTKS, để tránh tình trạng mất cân bằng GTKS”.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, tỉ số GTKS của tỉnh hàng năm có giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao. Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức cho công tác dân số trong thời gian đến về việc đưa tỉ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên (103-105 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái). Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng và cả hệ thống chính trị, trong đó truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức là giải pháp chính, lâu dài và quan trọng nhất.

“Để giảm bớt tình trạng mất cân bằng GTKS, thời gian tới, ngành Dân số tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật về giới, mất cân bằng GTKS, tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi, tổ chức các điểm truyền thông vận động tại cộng đồng”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương chia sẻ.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/262856/giu-muc-on-dinh-gioi-tinh-khi-sinh.html