Giữ lửa ấm nơi biên giới Cao Bằng
Bằng trách nhiệm và tấm lòng của Bộ đội Cụ Hồ, hàng chục năm qua, BĐBP Cao Bằng đã triển khai nhiều mô hình, phong trào nhằm từng bước hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, góp phần xây dựng 'thế trận lòng dân' trên tuyến đầu biên giới Tổ quốc.

Đại tá Đinh Đức Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP Cao Bằng trao biển tượng trưng kinh phí xây dựng hệ thống đèn năng lượng mặt trời cho nhân dân xóm Nà Pò, xã Quang Hán. Ảnh: Huy Dương
Giữ lửa ở biên cương
Ấp ủ mãi tôi mới có được chuyến công tác đầu tiên tới tỉnh Cao Bằng, vùng đất gắn liền với nhiều địa danh cách mạng. Biên cương Cao Bằng hiện lên hùng vĩ và nên thơ với những dãy núi như vách thành dựng đứng, những cung đường quanh co uốn lượn như dải lụa giữa mây trời và những bản làng lưng chừng núi khuất trong sương. Trên suốt hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh ra nơi “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi” này, tôi đã mang theo không ít hình dung về người lính Biên phòng - những người luôn chắc tay súng nơi đầu non, đầu gió. Nhưng chỉ đến khi ngồi bên bếp lửa của đồng bào người Dao, người Mông, được nghe họ kể về việc làm của những người lính quân hàm xanh, tôi mới thấu hiểu: Giữ gìn sự bình yên nơi biên cương không chỉ là canh giữ từng tấc đất, từng cột mốc, mà còn là vun đắp tình người, giữ cho cuộc sống nơi đây không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang, BĐBP tỉnh Cao Bằng, tôi gặp em Long Thái Hưng - “con nuôi của đơn vị”, một cậu bé người dân tộc Nùng có ánh mắt rụt rè nhưng sáng ngời hy vọng. Hưng mồ côi cha từ năm 1 tuổi, gia cảnh nghèo khó, được các chú BĐBP đón về chăm sóc, nuôi ăn học từ tháng 8/2021. Hưng kể với giọng khẽ run: “Các chú bộ đội cho cháu ăn cơm, đưa đi học, may quần áo, còn mua đồ chơi nữa. Cháu coi các chú như ba mẹ của mình...”. Buổi tối, khi ngủ tại phòng khách của Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang, giữa tiếng gió luồn khe tường và hơi lạnh của vùng cao, tôi thấy các chiến sĩ trẻ vẫn quây quần nói chuyện về kế hoạch học Hè của Hưng, nhất là tiếng Anh để chuẩn bị cho hành trình vào lớp 10 của em. Họ nói về tương lai của Hưng bằng trách nhiệm, sự yêu thương, những âu lo âm thầm như người cha, người chú, người anh đang nuôi dưỡng một mầm non của xã hội. Không máu mủ, ruột thịt nhưng đầy tình nghĩa.
Chiều muộn hôm sau, tôi có dịp cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang vào xóm Bản Hoong (xã Trường Hà), nơi họ đang giúp gia đình anh Lý Văn Trường hoàn thiện căn nhà mới. Trong làn sương bảng lảng, hàng chục bóng áo xanh bộ đội và bà con đang cùng nhau khuân vác vật liệu, đào móng, đổ nền... Gia đình anh Trường thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ 60 triệu đồng để xóa nhà tạm, cộng thêm hàng chục ngày công của bộ đội và hàng xóm. Anh Trường xúc động chia sẻ: “Nếu không có các anh Biên phòng và chính quyền giúp đỡ, tôi không dám mơ có căn nhà như hôm nay”.
Đại tá Đặng Hồng Quân, Chính ủy BĐBP Cao Bằng cho biết, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc”, chỉ riêng từ năm 2024 đến nay, BĐBP tỉnh Cao Bằng đã phối hợp triển khai, huy động gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp 98 hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Trong đó, 28 hộ được trực tiếp hỗ trợ xây nhà mới với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng... “Mỗi viên gạch, mỗi mét tôn trong những căn nhà mới nơi vùng biên ấy không chỉ là vật chất, mà là tấm lòng, là niềm tin mà những người lính Biên phòng chúng tôi gửi gắm vào hành trình thoát nghèo của đồng bào” - Đại tá Đặng Hồng Quân chia sẻ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh giúp người dân trên địa bàn xây nhà mới. Ảnh: Yến Ngọc
Cánh tay nối dài của dân bản
Rời Sóc Giang, tôi theo chân các cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, BĐBP tỉnh Cao Bằng vào xóm Cô Tố B, xã Quang Hán. Cơn mưa bất chợt khiến con đường núi trơn trượt, bùn đất bám đặc bánh xe. Nhưng giữa gian khó ấy, tôi lại được chứng kiến một hình ảnh đầy xúc động: Gần chục chiến sĩ Biên phòng đang khẩn trương giúp chị Phương Thị Phới - một phụ nữ dân tộc di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà. Chị Phới nghẹn ngào: “Nhà tôi nghèo lắm, neo người, nhờ các chú Biên phòng tới giúp nên mới làm được. Từ nay sạch sẽ hơn, sẽ đỡ bị muỗi đốt, bệnh tật”.
Ở các xã vùng biên giới, việc nuôi gia súc ngay dưới gầm sàn là tập quán lâu đời, nhưng gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Từ năm 2020, BĐBP tỉnh Cao Bằng đã triển khai mô hình hỗ trợ di dời chuồng trại, với gần 300 triệu đồng được huy động và hơn 1.300 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp hỗ trợ 148 hộ dân. Một việc tưởng chừng nhỏ, nhưng đã làm thay đổi lối sống, nâng cao ý thức và cải thiện môi trường sống cho người dân nơi đây...
Suốt hành trình tác nghiệp dọc hơn 330km đường biên giới, tới đâu tôi cũng được nghe những câu chuyện đẹp về tình quân dân. Nơi đâu cũng có dấu chân bộ đội: Mở đường, dựng trường, trao học bổng, khám bệnh, phát thuốc, thăm hỏi, động viên... Mỗi chương trình, mô hình, từ “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” đến “Thắp sáng vùng biên”... đều là những cánh tay nối dài đưa ánh sáng, kiến thức và hy vọng đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa...
Theo Đại tá Đặng Hồng Quân, chỉ tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, các đồn Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã phối hợp tặng gần 2.000 suất quà, hàng trăm suất học bổng, hơn 1.000 chiếc bánh chưng, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân, với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Đặc biệt, mô hình “Thắp sáng vùng biên” đã lắp đặt 545 hệ thống đèn năng lượng mặt trời cho các xóm chưa có điện lưới, mang ánh sáng văn minh về với những nơi xa xôi, hẻo lánh.
Trong tôi, ấn tượng mạnh mẽ nhất có lẽ là buổi chia tay tại cổng Đồn Biên phòng Đức Long. Những cái bắt tay thật chặt của những người lính da sạm nắng, mắt lấp lánh ánh cười sau vành mũ, khiến tôi xúc động. Họ không nói nhiều, nhưng ánh mắt, cử chỉ đều chất chứa một niềm tin âm thầm rằng: Dù biên giới còn nhiều gian khó, dù cuộc sống của đồng bào còn vất vả, nhưng tình quân dân vẫn luôn bền chặt và ngọn lửa ấm của tình người vẫn đang được giữ sáng nơi rẻo cao heo hút ấy.
Chia tay Cao Bằng, tôi mang về thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là những tư liệu quý cho bài viết, mà còn là những hình ảnh ấm áp đến kỳ lạ - từ ánh mắt trẻ thơ ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang, từ bàn tay chai sạn của các chiến sĩ ở Cô Tố B, xã Quang Hán, từ những ngọn đèn năng lượng mặt trời thắp sáng bản làng biên giới. Những hình ảnh đẹp đó khiến tôi tin rằng: Có một Cao Bằng rất đẹp không chỉ bởi thiên nhiên hùng vĩ, mà còn bởi việc làm, tấm lòng của những người đã và đang âm thầm “giữ lửa” nơi biên cương...
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-lua-am-noi-bien-gioi-cao-bang-post491864.html