Giữ gìn và tăng cường sức khỏe giai đoạn 'hậu COVID-19'
Lịch sinh hoạt phải khoa học để người bệnh khỏe dần hơn mỗi ngày, chất lượng giấc ngủ phải được coi trọng để cơ thể phục hồi chức năng các cơ quan nội tạng, việc sử dụng các loại thuốc bổ sung cần được tìm hiểu kỹ và có liều lượng phù hợp từng cơ địa... là những lời khuyên của các nhà chuyên môn đối với những bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh.
Từ những can thiệp dè dặt ban đầu, đến nay, y học cổ truyền đã có sự hỗ trợ tích cực trong phác đồ điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Sự kết hợp Đông-Tây y trong phòng và điều trị COVID-19 bước đầu đã có kết quả khả quan.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo trực tuyến “Giải pháp y học cổ truyền trong phòng ngừa và điều trị COVID-19” do Tập đoàn Đầu tư tài chính Green+ phối hợp với Đại học Y dược TPHCM, Đại học Dược Hà Nội tổ chức mới đây tại TPHCM.
Điều trị theo từng giai đoạn
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay đã có hơn 230 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới. SARS-CoV-2 với các biến thể xuất hiện liên tục đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,7 triệu người. Việt Nam hiện có trên 700.000 ca nhiễm và hơn 17.000 ca tử vong, trong đó TPHCM là địa phương thiệt hại nặng nề nhất cả nước.
Trong 2 năm qua, ngành y tế trên toàn thế giới đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc phòng và điều trị đối với người nhiễm virus SARS-CoV-2 như nghiên cứu và sản xuất vaccine, thuốc đặc trị… Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến khó lường. Sự xuất hiện nhiều biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh hơn, độc hại hơn đã tạo ra áp lực ngày càng lớn đến ngành y tế nói chung và lực lượng tuyến đầu nói riêng.
Để giảm tỉ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2, rất nhiều phác đồ điều trị được đưa ra, bổ sung, cập nhật sao cho phù hợp với sự biến đổi của loại virus này. Tín hiệu đáng mừng là đến thời điểm hiện tại, việc vận dụng y học cổ truyền vào công tác phòng và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã ghi nhận kết quả tích cực. Thế nhưng các chuyên gia nhận định cần có những tính toán cụ thể để rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế thấp nhất tổn thương ở giai đoạn hậu COVID-19, giúp F0 sớm bình phục, trở lại cuộc sống bình thường.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), việc xác định rõ các giai đoạn của quá trình nhiễm bệnh sẽ giúp phát huy tốt nhất việc kết hợp Đông-Tây y trong phác đồ điều trị.
Cũng như các loại bệnh khác, COVID-19 chia làm 4 giai đoạn: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục/tử vong. Tùy giai đoạn mà có phương thức điều trị khác nhau. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể điều trị tại nhà với sự phối hợp nhịp nhàng giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Nhưng nếu bệnh không thuyên giảm mà chuyển sang giai đoạn nặng, bắt buộc F0 đó phải vào bệnh viện để có phác đồ điều trị nâng cao. Các thống kê cho thấy hiện có khoảng 20% F0 diễn biến nặng khi nhiễm COVID-19. Diễn biến nặng được thể hiện rõ thông qua việc suy giảm độ bão hòa oxy trong cơ thể (dưới 94%). Từ cột mốc này, F0 cần phải thở oxy và vào bệnh viện để sử dụng oxy cao hay dùng mask (thở oxy qua mặt nạ), ECMO (tim phổi nhân tạo)…
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, nếu được áp dụng sớm nhất với những F0 biểu hiện nhẹ, trung bình, quá trình điều trị sẽ được rút ngắn và giảm thiểu những tổn thương hậu COVID-19. Phân tích rõ thành phần dược liệu của các bài thuốc y học cổ truyền kinh điển, bác sĩ Nguyễn Thị Bay trình bày sự tương quan của Đông và Tây y trong quá trình điều trị các loại bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Xét về hiệu quả chung, biểu đồ được bác sĩ Nguyễn Thị Bay đưa ra trong bài phát biểu cho thấy các bài thuốc Đông y góp phần không nhỏ trong việc ức chế tình trạng chuyển nặng của người nhiễm SARS-CoV-2, đáp ứng điều trị, giảm sốt/ho/mệt mỏi/thở nhanh, cải thiện cấu trúc phổi… Như bài thuốc cổ truyền “Thanh phế bài độc thang” giúp cải thiện các triệu chứng bệnh, chuyển âm tính trên mẫu xét nghiệm PCR sớm hơn 3-5 ngày, giảm thời gian nằm viện khoảng một tuần, CT phổi hồi phục hơn 26%.
Hiệu quả của một số bài thuốc kinh điển khác cũng được chuyên gia này đưa ra phân tích bằng các chỉ số, thông tin cụ thể giúp người xem thấy được những tác động tích cực của Đông y đối với quá trình phòng, chống và điều trị COVID-19. Trong đó, đáng lưu ý là những tỉ lệ liên quan đến việc giảm số bệnh nhân tử vong khi kết hợp điều trị giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Các nghiên cứu được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo cũng chứng minh được hiệu quả thực tế của việc kết hợp y học cổ truyền vào phác đồ điều trị COVID-19 của y học hiện đại. Trong đó, những tín hiệu khả quan nhất là giảm triệu chứng, giảm tiến triển nặng, giảm tổn thương phổi mà chưa ghi nhận tăng tác dụng phụ.
Theo GS.TS Phạm Xuân Sinh (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Dược Hà Nội), thay đổi tích cực hiện nay là số người được tiêm vaccine phòng COVID-19 ngày càng tăng cao. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều loại tân dược mạnh giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho các F0 diễn biến nặng. Tuy nhiên, phòng bao giờ cũng hơn chữa bệnh và can thiệp sớm chắc chắn sẽ giảm được nhiều thương tổn cho người nhiễm COVID-19.
Gọi COVID-19 là “ôn dịch”, theo GS.TS Phạm Xuân Sinh, điều trị bằng Đông y sẽ hiệu quả nhất ở giai đoạn đầu, khi người bệnh vẫn ở thể nhẹ. Đây là hình thức phù hợp với những F0 đang điều trị tại nhà bên cạnh túi thuốc Tây y, giúp giảm tải cho hệ thống y tế. Trong giai đoạn này, y học cổ truyền sẽ vận dụng một số phương pháp để làm giảm sự chuyển nặng của bệnh truyền nhiễm này như hạ sốt, giải độc cơ thể, làm sạch tạng phế, long đờm, giảm các cơn ho và lấy lại sức khỏe cho tạng phế, phục hồi hơi thở… Ngân kiều giải độc thang và Ngân kiều giải độc thang gia giảm là hai bài thuốc mà GS.TS Phạm Xuân Sinh gợi ý cho F0 thể nhẹ điều trị tại nhà.
Không lơ là giai đoạn “hậu COVID-19”
Lương y Nguyễn Công Đức (nguyên giảng viên Đại học Y Dược TPHCM) nhấn mạnh, mức độ thành công của quá trình điều trị phụ thuộc vào thời điểm can thiệp. Khi cơ thể còn chịu đựng tốt, việc tích hợp đúng lúc các giải pháp phòng ngừa, điều trị từng bước sẽ giúp F0 không mất quá nhiều thời gian để “vật lộn” với virus. Ông Đức đưa ra giải pháp sử dụng nhân sâm, gừng, tỏi, tinh dầu… những dược liệu dễ kiếm, chi phí vừa phải để điều trị COVID-19 bằng những hướng dẫn, liều lượng cụ thể. Phòng bệnh để không bị bệnh, trị bệnh sớm để không nặng hơn là hai lưu ý mà lương y muốn nhắn nhủ mọi người. Cùng với giải pháp 5K, tiêm phòng, việc sử dụng các loại dược liệu tự nhiên với cách thức, liều lượng phù hợp sẽ giúp mỗi người tạo “màn chắn” trước loại virus nhiều biến thể nguy hiểm này.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho rằng, xác định đúng giai đoạn để can thiệp rất quan trọng, nhưng phục hồi chức năng phổi và các cơ quan khác sau COVID-19 cũng vô cùng cần thiết. Vì dù người bệnh có đề kháng đặc hiệu (có được nhờ tiêm vaccine hoặc đã từng là F0 trong 6 tháng) cũng không thể bằng đề kháng tự nhiên được dựng xây từ thói quen thực dưỡng, tập luyện khoa học. Và giai đoạn “dưỡng thương” này, vai trò của y học cổ truyền sẽ phát huy tối đa hiệu quả trong việc tăng miễn dịch tự nhiên, giúp cơ thể người bệnh sớm phục hồi, thích nghi.
“Vậy giải pháp nào để mỗi người duy trì sức khỏe của mình trong giai đoạn này? Đó là việc tăng cường sức đề kháng cho hệ miễn dịch tự nhiên và miễn dịch đặc hiệu. Điều này đòi hỏi sự phối hợp cả việc ăn uống, dùng thuốc hỗ trợ, tập luyện”, bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết thêm.
Sau quá trình điều trị, bệnh nhân COVID-19 cần được chăm sóc kỹ để sớm phục hồi toàn diện. Trong đó, quan trọng nhất là thực dưỡng. Thức ăn đa dạng, đủ thành phần được chế biến hạn chế dầu mỡ sẽ giúp người bệnh dễ dàng hấp thu dưỡng chất, tăng đề kháng tự nhiên. F0 sau điều trị được khuyên duy trì việc uống nước ấm thường xuyên để giữ gìn phần hầu họng. Lịch sinh hoạt cần điều chỉnh sao cho khoa học để người bệnh khỏe dần hơn mỗi ngày. Chất lượng giấc ngủ phải được coi trọng vì đây là quá trình rất cần thiết để cơ thể phục hồi chức năng lục phủ ngũ tạng. Việc sử dụng các loại thuốc bổ sung cần được tìm hiểu kỹ và có liều lượng phù hợp từng cơ địa. Người bệnh cần tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ và không tự ý thử thuốc.
Theo các chuyên gia, quá trình “hậu COVID-19” xảy ra ở rất nhiều cơ quan trong cơ thể chứ không riêng gì phổi nhưng phổi sẽ là nơi bị tấn công mạnh nhất. Chụp trên CT người ta thấy tổn thương mà các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nặng sau quá trình điều trị thường là phế nang bị xơ hóa và hóa sẹo. Do đó, thực dưỡng, tập các bài tăng cường thể lực, dùng thuốc bổ sung thôi chưa đủ mà nhiều chuyên gia cho rằng các F0 sau khi kết thúc quá trình điều trị cần tập trung luyện thở để rút ngắn thời gian phục hồi tổn thương ở phổi./.