Giữ dòng điện sáng từ những ngày đầu đất nước thống nhất

Từ những ngày đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (sau ngày 30-4-1975), nhiệm vụ của ngành điện miền Nam (cũng như Đồng Nai) là nhanh chóng tiếp quản hạ tầng điện tại chỗ, duy trì đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất tại các vị trí trọng điểm.

Ông Nguyễn Ngọc Chấn (đứng thứ 2 từ phải qua) và ông Lê Văn Bê (đứng thứ 2 từ trái qua) tham quan các thiết bị tại Trạm 110kV Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, thành phố Biên Hòa) - nơi ông Chấn có hàng chục năm công tác, gắn bó. Ảnh: Đ.Tùng

Ông Nguyễn Ngọc Chấn (đứng thứ 2 từ phải qua) và ông Lê Văn Bê (đứng thứ 2 từ trái qua) tham quan các thiết bị tại Trạm 110kV Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, thành phố Biên Hòa) - nơi ông Chấn có hàng chục năm công tác, gắn bó. Ảnh: Đ.Tùng

Đây là nhiệm vụ cấp bách mà mỗi nhân viên ngành điện tại Đồng Nai thời điểm đó phải vượt qua với nhiều khó khăn chồng chất, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh và phục vụ đời sống người dân.

Không để dòng điện gián đoạn

Ngay sau thời điểm thống nhất đất nước, tại Đồng Nai, các lực lượng, cơ sở địa phương đã xác định bên cạnh việc bảo vệ thành quả cách mạng, cần phải duy trì hoạt động của hệ thống điện. Do đó, sáng 1-5-1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định đã quản lý toàn bộ và nguyên vẹn cơ sở vật chất kỹ thuật của Công ty Điện lực Việt Nam và bắt đầu công cuộc khôi phục hệ thống điện. Ủy ban Quân quản đề ra nhiệm vụ triệu tập tất cả công nhân viên chức trở lại làm việc bình thường; bằng mọi cách phải giữ cho dòng điện hoạt động liên tục, không gây khó khăn cho việc tiếp quản và bảo đảm sinh hoạt của các đô thị.

Đồng Nai là khu vực liền kề Sài Gòn, đóng vai trò trọng yếu với nhiều hạ tầng quân sự, hạ tầng giao thông, có Khu Kỹ nghệ Biên Hòa - tiền thân của Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay. Chính vì vậy, những nhân viên ngành điện tại đây đã nhanh chóng bắt tay vào hoạt động, duy trì dòng điện cho sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ thành quả cách mạng.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Trương Đình Quốc cho biết, phát huy truyền thống tự hào trong 50 năm qua của ngành điện Đồng Nai, trong những năm tiếp theo, đơn vị sẽ tiếp tục nỗ lực trong mọi mặt công tác để đảm bảo cung ứng điện trên toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Chấn (80 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa, từng làm việc tại Trạm 110kV Đồng Nai, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 từ trước ngày 30-4-1975) kể lại: “Khi quân giải phóng tiến vào Biên Hòa, chúng tôi vẫn làm việc bình thường tại trạm này, lúc đó trạm lấy điện từ Thủ Đức để cung cấp cho Khu Kỹ nghệ Biên Hòa. Sau ngày 30-4-1975, lực lượng quân quản tiến vào tiếp quản, khi đó chúng tôi tiếp tục phối hợp, hợp tác với đơn vị tiếp quản để duy trì dòng điện cho Khu Kỹ nghệ Biên Hòa”.

Từ năm 1975-1978, ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, điện chỉ chủ yếu phục vụ thắp sáng và sinh hoạt. Cùng với Nhà máy Thủy điện Đa Nhim 160MW phát điện năm 1964, chính quyền miền Nam xây dựng các nguồn nhiệt điện chạy dầu lắp đặt tại các nơi có nhu cầu ở các đô thị và chi khu quân sự trọng yếu.

Sau ngày miền Nam giải phóng, hệ thống lưới điện tại Đồng Nai chỉ vỏn vẹn hơn 66km đường dây 15kV với tổng công suất hơn 78 ngàn kVA. Hệ thống lưới điện chưa phủ khắp nên nhiều khu vực trong tỉnh chưa được cung cấp điện, chỉ đủ cấp điện cho Khu Kỹ nghệ Biên Hòa và một số phường quan trọng của thành phố Biên Hòa.

Ông Lê Văn Bê (76 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa, từng làm việc tại Trạm 110kV Biên Hòa và Trạm Diesel Hóa An, thành phố Biên Hòa từ trước ngày 30-4-1975) kể, sau thời điểm quân giải phóng tiến vào, tâm trạng chung của ông và đồng nghiệp là lo lắng về thay đổi trong công việc. Nhưng khi làm việc với lực lượng quân quản, mọi người đều rất mừng vì biết công việc không bị ngưng hay thay đổi, ông và đồng nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ như trước đây là duy trì dòng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt; đồng thời, chung tay với chính quyền cách mạng bảo vệ hạ tầng ngành điện, tránh sự phá hoại của các phần tử xấu.

Vượt khó, đưa ánh sáng điện đến mọi nhà

Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam, trong giai đoạn 1980-1985, ở các tỉnh phía Nam (trong đó có Đồng Nai), ngành điện đã tận dụng các nguồn điện hiện có, đại tu thay thế các thiết bị cũ nát nhằm tăng công suất, khắc phục tình trạng cúp điện luân phiên. Việc cải tạo lưới điện, ưu tiên cung cấp điện cho các khu vực trọng điểm, sắp xếp các xí nghiệp nghỉ luân phiên, giảm định mức sử dụng điện là những biện pháp tình thế trong khi các nguồn điện mới chưa đưa vào vận hành.

Không chỉ tập trung cho các khu vực đô thị, Khu Kỹ nghệ Biên Hòa, mà ngay sau ngày thống nhất đất nước, một số khu vực tập trung sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng duy trì nguồn điện sinh hoạt, tưới tiêu... Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của Trạm Diesel khu vực Kiệm Tân - Định Quán, Long Khánh… Tổng cộng khu vực trên cung cấp điện cho gần 4 ngàn hộ dân, cơ sở sản xuất vào thời điểm những năm sau ngày thống nhất đất nước.

Ông Lại Đức Oanh (85 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất, nguyên Trưởng chi nhánh Điện Định Quán) những ngày đầu sau giải phóng là Tổ trưởng phụ trách Tổ Phát điện Diesel Kiệm Tân - Định Quán.

Ông Oanh nhớ lại: “Thời điểm sau ngày thống nhất đất nước, vật tư ngành điện gặp nhiều khó khăn khi thiếu trang thiết bị, linh kiện sửa chữa, thay thế. Để vận hành đều đặn những hệ thống máy móc ngành điện do Mỹ sản xuất, phục vụ bà con khu vực huyện Thống Nhất, Định Quán trồng trọt, chúng tôi phải dùng các linh kiện, thiết bị từ Liên Xô được cải tiến, hoán cải cho phù hợp. Việc này đòi hỏi sự sáng tạo, tìm tòi và tinh thần cống hiến, nỗ lực rất cao của cả tập thể trong giai đoạn khó khăn đó”.

Ngành điện Đồng Nai nỗ lực vượt qua khó khăn trong những năm 1970-1980 với nhiều thiếu thốn, vừa làm, vừa củng cố mô hình tổ chức, quản lý, vận hành trong bối cảnh nguồn điện vô cùng thiếu thốn. Các trạm trung gian quá tải, khả năng phát triển lưới điện không theo kịp tốc độ gia tăng phụ tải, không đủ vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện.

50 năm qua, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai trải qua nhiều tên gọi khác nhau cùng với sự đổi thay về cơ cấu tổ chức như: Sở Quản lý và phân phối điện Đồng Nai, Sở Điện lực Đồng Nai, Điện lực Đồng Nai, Công ty Điện lực Đồng Nai và cho đến nay là Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam). Hệ thống lưới điện phát triển, phủ khắp tỉnh. Đến tháng 1-2025, Điện lực Định Quán (thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai) đã kéo dây, đóng điện cho các hộ dân thuộc ấp 7, xã Đak Lua (huyện Tân Phú) - ấp cuối cùng của tỉnh có lưới điện quốc gia do điện lực đầu tư.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai thông tin, đơn vị đang quản lý hơn 567km đường dây 110kV, 27 trạm biến áp 110kV, gần 6 ngàn km đường dây trung thế, 7 ngàn km đường dây hạ thế. Qua đó cung ứng điện cho hơn 986 ngàn khách hàng trên toàn tỉnh (đạt 100% hộ dân có điện trên toàn tỉnh).

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/giu-dong-dien-sang-tu-nhung-ngay-dau-dat-nuoc-thong-nhat-07741f5/