Giọt nước mắt muộn màng của cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa
Khi chủ tọa phiên tòa hỏi về hành vi vi phạm, bị cáo Phạm Thị Hằng đã bật khóc: 'Đây là vụ án diễn ra lần đầu tiên, rất đáng tiếc, rất đau xót...'.
Ngày 15/8, TAND tỉnh Thanh Hóa mở lại phiên xét xử sơ thẩm cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng cùng các thuộc cấp trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tất cả 12 bị cáo đều có mặt.
Hội trường nơi diễn ra phiên xét xử chật kín người tới theo dõi diễn biến phiên tòa. Để đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Thanh Hóa đã được tăng cường tới bảo vệ phiên tòa.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Phạm Thị Hằng thừa nhận bản cáo trạng truy tố là hoàn toàn đúng.
"Khi triển khai gói thầu số 1 thì các nhà thầu có đến đặt vấn đề, trong đó có Công ty CP Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa. Đơn vị này trước là một phòng thuộc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, sau đó cổ phần hóa nên có quan hệ với bị cáo và một số cán bộ của Sở. Khi công ty đến đặt vấn đề thì bị cáo có đồng ý về mặt chủ trương, nhưng bị cáo vẫn yêu cầu các cơ quan tham mưu, đơn vị cấp dưới phải chấp hành đúng pháp luật, cạnh tranh lành mạnh với nhau", bị cáo Hằng nói.
Cũng theo bị cáo Hằng, quá trình triển khai, bị cáo luôn luôn nhắc nhở anh em cấp dưới thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về đấu thầu và tin tưởng anh em cấp dưới nên không xem xét, kiểm tra kỹ và đã ký thông qua các hồ sơ, văn bản.
Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cũng thừa nhận khi kết thúc 2 gói thầu, bị cáo này được Nguyễn Văn Phụng đưa cho 2,8 tỉ đồng tiền "cảm ơn".
"Khi đưa tiền cho bị cáo, anh Phụng có nói là nhà thầu có cảm ơn chủ đầu tư. Trước khi triển khai các gói thầu, bị cáo không trao đổi, thống nhất hay đòi tiền các nhà thầu mà sau khi xong thì các nhà thầu họ mới cảm ơn", bị cáo Hằng nói trước tòa.
Bà Hằng cũng khai, ngoài nhận 2,8 tỉ đồng, dịp gần Tết năm 2021, Lê Thế Sơn- Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa, đã đến chúc Tết 200 triệu đồng...
Khi chủ tọa phiên tòa hỏi về hành vi vi phạm của bị cáo Phạm Thị Hằng đã gây hậu quả như thế nào cho ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa thì bị cáo Hằng đã bật khóc và nói: "Đây là vụ án diễn ra lần đầu tiên, rất đáng tiếc, rất đau xót".
Sáng 16/8, HĐXX TAND tỉnh Thanh Hóa bước sang ngày làm việc thứ 2. Trong số 12 bị cáo đã được xét hỏi đều khẳng định cáo trạng truy tố họ là đúng sự thật, không oan.
Theo cáo trạng, các bị cáo Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa; Lê Văn Cương, Trưởng phòng Tài chính, kế hoạch; Trịnh Hữu Nghĩa và Nguyễn Văn Phụng, cùng là Phó phòng Tài chính, Kế hoạch; Bùi Trí Thức, chuyên viên Phòng Tài chính, kế hoạch; Lê Thế Sơn, Vũ Thị Ninh, Đặng Xuân Minh, Nguyễn Quốc Việt, Hồ Thị Sáu, Nguyễn Duy Linh, Bùi Việt Long đã có hành vi thông thầu, không đảm bảo công bằng minh bạch, tiết lộ tiếp nhận những tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu vi phạm quy định về đấu thầu theo Điều 89, Luật Đấu thầu 2013, gây thiệt hại ngân sánh nhà nước 20,8 tỉ đồng.
Cụ thể, tại gói thầu số 1 giá trị thực tế là 24,9 tỉ đồng nhưng đã được Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa nâng khống lên 32,6 tỉ đồng (chênh lệch 7,6 tỉ đồng). Tại gói thầu số 2, giá trị thẩm định thực tế là 73,7 tỉ đồng, trong khi gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa thực hiện gần 87 tỉ đồng (nâng khống 13,2 tỉ đồng). Tổng giá trị 2 gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa nâng khống, gây thất thoát ngân sách nhà nước là trên 20,8 tỉ đồng.