Gìn giữ truyền thống ở bản Tày trên biên giới Hoành Mô

Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó người Tày chiếm phần lớn, trong đó, bản văn hóa Đồng Thanh, xã Hoành Mô là bản người Tày đặc trưng của huyện Bình Liêu. Đây không chỉ là nơi sinh sống tập trung của người dân tộc Tày mà còn là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc này, đồng thời nơi đây là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của du khách khi đến với Bình Liêu.

Ông Trần Sìu Thu hướng dẫn các thành viên Câu lạc bộ hát then xã Hoành Mô tập luyện bài then mới trước ngôi nhà truyền thống của mình. Ảnh: Thanh Thuận

Ông Trần Sìu Thu hướng dẫn các thành viên Câu lạc bộ hát then xã Hoành Mô tập luyện bài then mới trước ngôi nhà truyền thống của mình. Ảnh: Thanh Thuận

Trên đường đến cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu), bản văn hóa Đồng Thanh nổi bật với cổng chào đỏ chót phía bên trái con đường. Nơi đây được biết đến là bản có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống nhất của huyện Bình Liêu. Ghé thăm Đồng Thanh, chúng tôi bắt gặp khung cảnh bản làng đẹp như tranh vẽ với những ruộng lúa mới cấy xanh ngăn ngắt nổi bật trên nền nâu của đồng đất, những vườn cây, ao cá, nếp nhà đất lợp ngói âm dương đặc trưng của người Tày... Cùng với đó là cuộc sống lao động trên ruộng đồng của bà con dân tộc Tày mang đến sự yên ả, thanh bình cho bản làng. Tất cả đã tạo nên một bức tranh đẹp của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc...

Bà Lương Thị Sìn, Trưởng bản Đồng Thanh cho biết, bản hiện có 106 hộ với 406 đồng bào dân tộc Tày, chủ yếu sống bằng nghề nông như trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả, chăn nuôi... Người Tày ở đây thường sinh sống bên sườn đồi và nơi gần nguồn nước. Bản còn 8 ngôi nhà đất lợp ngói âm dương, trong đó có 4 nhà vẫn giữ được nguyên vẹn bản sắc truyền thống của người Tày.

Dạo một vòng quanh bản, chúng tôi tìm đến những ngôi nhà đất, lợp ngói âm dương lúp xúp của người Tày trên đồi. Những ngôi nhà với tường nhà được xây bằng gạch đất, mái lợp ngói âm dương rất ấm áp về mùa Đông, mát mẻ về mùa Hè. Trong dòng chảy hối hả của nhịp sống hiện đại, nhiều nơi bà con dân tộc đã không còn giữ được những ngôi nhà truyền thống, thì ở đây vẫn còn những ngôi nhà có tuổi đời lên đến hàng trăm năm.

Theo tiếng đàn, tiếng hát dân ca mời gọi, chúng tôi ghé thăm nhà ông Trần Sìu Thu (hơn 70 tuổi), người có uy tín ở bản Đồng Thanh. Lúc này, ông Thu đang luyện tập hát then cho Câu lạc bộ hát then, đàn tính xã Hoành Mô tập trung tại nhà ông. Tiếng đàn tính, tiếng hát vang réo rắt.

Ông Thu là chủ nhân của ngôi nhà đất truyền thống từ thời ông bà truyền lại qua 4 thế hệ. Ngôi nhà được xây gạch đất, lợp ngói âm dương, bên trong nhà là không gian tiếp khách, nơi thờ tổ tiên, nhà kho đựng củi, bếp, gác có cầu thang gỗ đi lên là nơi chứa thóc, lúa, vật dụng... Đến nay, dù đã có nhà khác gần đó nhưng ông Thu vẫn giữ lại ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình là nơi để Câu lạc bộ hát then, đàn tính xã Hoành Mô tụ họp. Ông Thu chia sẻ: “Tôi đã giữ lại căn nhà đất này để con cháu có dịp được thừa hưởng nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Ghé thăm ngôi nhà truyền thống của chị Tô Thị Lan và anh Ngô Thiêm Tào, chúng tôi khá thích thú khi phía trước và bên hông trái ngôi nhà là đồng lúa xanh rì. Chị Tô Thị Lan cho biết, ngôi nhà tường đất, lợp ngói âm dương này đã tồn tại gần 100 năm. Ngôi nhà rộng khoảng hơn 100m2, gồm 5 gian, trong đó có một gian nhà chính, hai gian làm phòng ngủ, một nhà bếp và nhà kho. Phía trước nhà là sân phơi. Vợ chồng chị được thừa hưởng căn nhà từ bố mẹ chồng. Tính đến đời anh Tào, chị Lan là đời thứ 3 được sống trong ngôi nhà này. Kể từ khi được bố mẹ nhượng lại căn nhà, vợ chồng anh Tào chưa phải sửa chữa gì.

Tại bản Tày này, ấn tượng với tôi hơn cả là ngôi nhà truyền thống của ông Phan Ngọc Sinh, có diện tích hơn 100m2, 2 tầng, trong đó, tầng 1 gồm 3 gian, 2 chái, với 1 gian làm nơi tiếp khách, 1 gian làm khu chứa lương thực và đồ dùng sinh hoạt, 1 gian làm phòng ngủ. Tầng 2, gian giữa dùng làm khu thờ cúng tổ tiên, 2 bên là 2 phòng ngủ. Trước đây, ngôi nhà này vốn là nhà sàn, sau đó, ông Sinh đã sửa căn nhà thành nhà đất nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ.

Tính đến nay, ngôi nhà đã trải qua 5 đời, tồn tại hơn 1 thế kỷ mà kết cấu nhà vẫn khá vững chãi. Bên trong căn nhà, ông Sinh còn lưu giữ được nhiều vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cũ có tuổi thọ mấy chục năm trước mà ngày nay không còn tìm thấy như: Khung cửi dệt vải, nồi đồng, máy khâu, cối giã gạo, cuốc, xẻng... Hiện nay, căn nhà là nơi ở của vợ chồng ông Sinh và người em gái. Các con ông đã đi lập nghiệp, dựng nhà ở nơi khác. Ngôi nhà trở nên nhộn nhịp mỗi dịp cuối tuần khi con cháu tề tựu đông đủ...

Không chỉ bảo tồn nhà truyền thống, người Tày Đồng Thanh còn gìn giữ nét ẩm thực phong phú, đa dạng như các món ăn chế biến từ thịt lợn, từ gia cầm, côn trùng, các loại xôi màu, bánh coóc mò, bánh ngải... Bên cạnh đó, họ còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày như hát then (gồm nghi lễ then, lượn then và hát then đàn tính), các trò chơi dân gian có đẩy gậy, đánh quay, ném còn, bắn nỏ, thi gói bánh...

Là bản gần biên giới với Trung Quốc, Đồng Thanh lưu giữ được nhiều di sản văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, có khả năng thu hút, tạo điểm nhấn, sân chơi để giao lưu văn hóa - kinh tế... Đó là các yếu tố để xây dựng Đồng Thanh thành bản văn hóa dân tộc đặc trưng của người Tày, từng bước hình thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bình Liêu.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gin-giu-truyen-thong-o-ban-tay-tren-bien-gioi-hoanh-mo-post439335.html