Gìn giữ kỷ vật tri ân
Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang lưu giữ hơn 4.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, kỷ vật có giá trị về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; trong đó, có gần 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về các mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ ở vùng đất Bình Định trước đây.
Bước vào phòng trưng bày 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai, nhiều khách tham quan xúc động khi được ngắm nhiều hiện vật “biết nói”, kể những câu chuyện về một thời lửa đạn, gian khổ mà hào hùng.
Hiện vật bình dị và ký ức bất tử
Những kỷ vật thiêng liêng được gìn giữ qua bao năm tháng: tấm huân chương, huy chương đã ngả màu; chiếc mũ tai bèo bạc phếch; tấm áo qua chiến trận đã sờn vai; ống ngoáy trầu, hũ đựng gạo, đôi dép cao su cũ kỹ... Đặc biệt, những bức thư tay - những dòng chữ đong đầy tình cảm từ chiến khu gửi về hậu phương, hay từ hậu phương gửi ra tiền tuyến, chan chứa yêu thương, niềm tin và khát vọng đoàn tụ. Rồi những tấm ảnh chân dung đen trắng của các mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ... được trưng bày trang trọng trong tủ kính.

Những hiện vật thời kháng chiến đều được Bảo tàng tỉnh Gia Lai bảo quản kỹ lưỡng. Ảnh: Ngọc Nhuận
Có những kỷ vật đã đi qua mưa bom bão đạn. Cũng có những kỷ vật, chỉ cần nhìn vào, chúng ta như thấy được bóng hình, dáng đứng hiên ngang của những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Nhiều kỷ vật được các gia đình gìn giữ như một phần máu thịt, nhưng sẵn lòng hiến tặng cho Bảo tàng - một nghĩa cử cao đẹp góp phần gìn giữ ký ức hào hùng.
Chị Hoàng Yến, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Gia Lai, cho biết: “Việc dành riêng một không gian trưng bày về các mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, không chỉ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà còn là cách để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về sự hy sinh lặng thầm mà vĩ đại của những thế hệ đi trước. Mỗi hiện vật đều được chúng tôi bảo quản kỹ lưỡng, kèm theo thông tin cụ thể để người xem hiểu được giá trị lịch sử, truyền tải từng câu chuyện đầy xúc động về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc”.
Năm 2015, Bảo tàng tỉnh Bình Định (nay là Bảo tàng tỉnh Gia Lai) đã trao tặng 25 hiện vật do chính các mẹ Việt Nam anh hùng hiến tặng cho Bảo tàng Mẹ Việt Nam anh hùng (TP Đà Nẵng). Sự kết nối giữa 2 bảo tàng đã góp phần lan tỏa xa hơn, rộng hơn những giá trị lịch sử cách mạng.
"Tiếp lửa" truyền thống cho thế hệ trẻ
Không chỉ lưu giữ hiện vật, Bảo tàng tỉnh Gia Lai còn là nơi truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Trong các buổi tham quan ngoại khóa học lịch sử tại Bảo tàng tỉnh, khu vực trưng bày hiện vật về các mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ luôn là nơi thu hút sự chú ý của nhiều học sinh, sinh viên.

Bảo tàng tỉnh Gia Lai là nơi “tiếp lửa” truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Ảnh: Ngọc Nhuận
Anh Trần Ngọc Cúc - Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai - thường đưa khách đến và dừng lại lâu hơn ở khu vực trưng bày trên. Anh luôn có nhiều cảm xúc khi kể cho khách tham quan, nhất là các em học sinh, sinh viên, nghe những câu chuyện đầy tự hào, gần gũi về những tấm gương anh hùng, những người đã hy sinh trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là phải cố gắng làm “nhịp cầu” truyền cảm xúc, góp phần giúp khách tham quan hiểu thêm truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước. Bởi lịch sử khi chạm đến trái tim, thì gieo mầm yêu nước trong lòng mỗi người” - anh Cúc chia sẻ.
Trong chuyến tham quan gần đây tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, nhiều học sinh Trường THPT Xuân Diệu (xã Tuy Phước) không giấu được cảm xúc. Em Phạm Võ Huyền Trân (lớp 12A10) chia sẻ: “Em chưa từng nghĩ lịch sử lại gần gũi đến vậy. Không còn là những trang sách khô khan, mà là những câu chuyện thật được kể bằng từng kỷ vật. Em tự nhủ phải sống tốt hơn, học chăm hơn, không chỉ cho bản thân mà còn để sau này đóng góp cho quê hương, đất nước”.

Anh Phạm Minh Huy (du khách đến từ TP Hồ Chí Minh) cùng bạn đang xem trưng bày huân chương, huy chương thời kháng chiến tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Ngọc Nhuận
Không chỉ học sinh trong tỉnh, nhiều bạn trẻ từ các vùng miền khác khi lần đầu đặt chân đến tham quan Bảo tàng tỉnh Gia Lai, cũng không khỏi xúc động. Du khách Phạm Minh Huy, đến từ TP Hồ Chí Minh, bộc bạch: “Những hiện vật nơi đây rất chân thực, là lời nhắc nhở thế hệ trẻ như tôi trân trọng lịch sử. Đứng tại phòng trưng bày, tôi cảm nhận mình như nhận được một thông điệp thiêng liêng: Hãy sống có lý tưởng, sống biết ơn và sống xứng đáng với những hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông”.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gin-giu-ky-vat-tri-an-post561586.html