Gieo hy vọng trên những đồng lúa sạch

Sản xuất lúa hữu cơ không phải là cách thức mới lạ nhưng là hướng đi tất yếu trong xu thế hội nhập. Bởi từ xưa, khi khai hoang mở cõi, 1 năm sống nhờ hạt gạo được 2 mùa, người dân đã không cần đến phân thuốc mà phó mặc 'trời lo'.

Sản phẩm gạo hữu cơ của ông Phan Minh Tuấn.

Ngày nay, sản xuất lúa hữu cơ cũng vận dụng trên cơ sở những kinh nghiệm lâu đời, song muốn làm được phải đối diện nhiều thách thức.

Khi hầu hết nhà nông trải qua giai đoạn dài với thói quen xịt thuốc, bón phân nhằm khai thác năng suất tối đa trên đồng ruộng, đất đai cằn cỗi, nhiễm độc dư lượng chất hóa học là điều tất yếu.

Để cây lúa tự thích nghi, tự sinh trưởng thuận tự nhiên gần như là chuyện “mơ giữa ban ngày”. Tuy nhiên có những nông dân không hề mơ, họ rất thực tế trong suy nghĩ và đã làm thành hiện thực.

Anh Đỗ Chí Nam (xã Phú Thành, Phú Tân, An Giang) có ý định trồng lúa cùng các loại rau, trái từ 4 năm trước theo hướng sản xuất sạch và cải tạo mặt đất.

Anh Nam chia sẻ: “Hiện nay ở các nước làm gạo hữu cơ rất nhiều, thị trường tiêu thụ giá cao, còn gạo Việt cứ rớt giá liên tục. Tôi muốn vừa có thể tạo ra những hạt gạo sạch, vừa giúp bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Nghĩ đơn giản: mình nuôi đất, đất nuôi cây thì cây sẽ nuôi lại mình. Nếu lạm dụng hóa học lâu dài, mặt đất sẽ bị chai, hệ vi sinh trong đất không còn đến một ngày nào đó sẽ không thể làm gì được nữa, năng suất càng ngày càng thấp, sâu bệnh nhiều vì không có sự cân bằng dinh dưỡng”.

Nghĩ là làm, anh đặt từng mục tiêu, thử nghiệm trên 25 công nếp của gia đình, chia sẻ bà con lối xóm rồi rủ mọi người làm theo. Quả không “dễ ăn” khi các vụ đầu thu về kết quả rất khiêm tốn. Tính toán trước điều này nên anh không nản. Đất được cải thiện qua từng mùa, chỉ hấp thụ phân bón hữu cơ kết hợp các biện pháp xử lý đất từ đầu vụ nên lúa khỏe, ít sâu bệnh. Nghe qua thì hay, thấy tận mắt cũng…thích nhưng hết vụ này sang vụ khác vẫn chưa có ai đồng hành cùng anh vì tư duy sản xuất chạy theo số lượng, lợi nhuận đã ăn sâu trong tập quán lâu đời.

Qua 4 năm kiên trì, anh Nam vững lòng và thấy mình đã đúng, dù nếp được thu mua cũng ngang bằng ruộng khác, không ai bận tâm nó sạch hay không sạch. Anh Nam tâm niệm: “Làm hoài rồi vững tin sẽ có công ty đến bao tiêu hợp đồng. Tôi rất muốn có một cánh đồng mẫu hữu cơ trên quê hương mình, làm một mình rất khó”.

Không phụ lòng người, cái duyên cho anh gặp được Công ty TNHH xuất khẩu lương thực và thực phẩm hữu cơ MS2019 Food. Vụ thu đông năm nay, anh Nam được đặt hàng trồng lúa giống thảo dược tím và bao tiêu với giá 10.000 đồng/kg.

Người ta nói lúa chín vàng đồng, còn đến tham quan ruộng lúa của anh Nam phải gọi là lúa chín tím đồng! Từng bông lúa oằn cong với sắc màu đẹp lạ, tỷ lệ hạt chắc cao khiến ai đi qua cũng không khỏi tò mò. Đây là loại lúa có các chỉ tiêu phân tích về chất xơ, vitamin B1, sắt, omega 3-6-9 trong hạt gạo đều rất cao.

Đại diện công ty cho biết toàn bộ lúa thu mua sẽ phục vụ làm giống để mời gọi nông dân hưởng ứng trồng cho mục đích chế biến sản phẩm gạo thảo dược. Việc sản xuất tuân thủ toàn bộ quy trình của công ty, bón phân gốc và hoa lá bằng hữu cơ, định kỳ 7-10 ngày nhân viên kỹ thuật đến theo dõi và hướng dẫn.

Cuối vụ, lúa được kiểm tra phân tích lần cuối mới quyết định thu mua theo hợp đồng. Vụ này anh Nam trồng đạt năng suất 5,3 tấn/ha, trừ chi phí còn lời 70 triệu đồng, cao hơn hẳn trồng nếp.

Lúa thảo dược bông tím do anh Nam trồng được bao tiêu.

Ở TP. Long Xuyên (An Giang), những ai quan tâm và sử dụng gạo hữu cơ sẽ biết rõ ông Phan Minh Tuấn. Từng gắn bó với ngành y, cách nhìn của ông về sản xuất lúa không khác gì một cuộc chiến hóa học, khi mỗi năm có hàng tấn hóa chất đổ dồn ra đồng. Đất đai thoái hóa, sự sống cũng không còn, nền đất “chết” canh tác mùa trúng, mùa thất cứ lặp đi lặp lại.

Ông từng bỏ công đi tìm đối tác để cùng trồng lúa sạch nhưng không thành vì ở đâu họ cũng đặt vấn đề lợi nhuận lên trên hết. Ngay cả nông dân làm lúa cũng không mặn mòi bởi họ cho rằng trồng theo tập quán cũ được “ăn chắc” vẫn hơn.

Đối với ông Tuấn, làm lúa sạch trước hết phải xuất phát từ cái tâm và cây lúa sinh trưởng thuận tự nhiên phải chăm sóc tốt từ nền đất. Ông tự thuê đất, đầu tư phân hữu cơ và thuốc vi sinh cho vào đồng, thả cá nuôi dưới chân ruộng, xung quanh trồng sen, cỏ lúa được chặn ngay từ đầu qua khâu làm đất diệt mầm, ém nước… đáng tiếc là chưa được bao lâu thì cá và sen bị người dân khai thác sạch.

Việc sản xuất hết sức khó khăn bởi mỗi vụ luôn bị lỗ, ông vẫn duy trì suốt 10 năm qua chỉ với nguyện vọng tạo nên cánh đồng lúa hữu cơ tươi tốt, năng suất và thị trường đón nhận. Thương hiệu gạo hữu cơ MAG và Ba Lá Phong của ông Tuấn bán ra thị trường khoảng 10 tấn/năm, đóng gói 5kg trong bao nhựa hút chân không.

Trải qua hành trình dài, ông thừa nhận đã mệt mỏi, nhưng nếu được hỏi có từ bỏ hẳn cây lúa sạch hay không thì ông cho biết chỉ tạm dừng lại để quan sát…

“Làm cá nhân từ đầu đến cuối, chi phí đội lên khá cao, sản phẩm gạo đến tay người tiêu dùng có giá hơn 30.000 đồng/kg. Trong khi gạo cùng loại được sản xuất bởi các công ty lớn lại có sự cạnh tranh giá cả trội hơn nhiều. Tôi vẫn quay lại với gạo hữu cơ nhưng với hướng mới hơn, chỉ sản xuất dựa trên nhu cầu của khách hàng và thị phần chiếm tỷ lệ thuyết phục” - ông Tuấn trần tình.

Nếu không có người khởi xướng sẽ không bao giờ có sự lan tỏa để lớp kế tiếp học theo. Bước đầu làm lẻ loi, chấp nhận thiệt thòi nhưng những ngày sau, câu chuyện làm nông nghiệp sạch của những người như anh Nam, ông Tuấn mới được nối mạch với kết quả khả quan hơn. Những ai còn tâm huyết và gắn bó với cây lúa hoàn toàn có thể nghĩ về những cánh đồng hữu cơ ngay trên quê mình, dựa vào tự nhiên để tạo ra những “hạt ngọc trời” mang đúng giá trị và ý nghĩa của nó.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/gieo-hy-vong-tren-nhung-dong-lua-sach-a262926.html