Giáo sư Mỹ khẳng định biết cách chế tạo ra cỗ máy thời gian

Nhà vật lý thiên văn học Ron Mallet tin rằng, ông đã tìm ra cách du hành ngược thời gian bằng việc sử dụng laser.

Giáo sư vật lý tại Đại học Connecticut mới đây mới đây cho biết, ông đã viết ra một phương trình khoa học đóng vai trò nền tảng trong việc chế tạo ra cỗ máy thời gian. Ông thậm chí còn chế ra một thiết bị mẫu để minh họa cho lý thuyết của mình. Tuy nhiên, các đồng nghiệp của ông lại cho rằng cỗ máy này không thể vận hành trong thực tế.

Giáo sư Mỹ khẳng định biết cách chế tạo ra cỗ máy thời gian

Thuyết tương đối của Albert Einstein đưa ra từng dẫn đến nhiều tranh luận về tính khả thi của việc du hành thời gian. Theo thuyết này, thời gian có thể trôi nhanh hay chậm tùy thuộc vào tốc độ di chuyển của vật thể.

Có nghĩa là, với một người ngồi trong tàu vũ trụ di chuyển với tốc độ ánh sáng, thời gian sẽ trôi chậm hơn so với một người ở Trái Đất. Do đó, phi hành gia có thể du hành vũ trụ chưa đến 1 tuần, nhưng khi quay trở lại Trái Đất, mọi thứ đã trôi qua được 10 năm. Có thể hiểu phi hành gia đó đã du hành tới tương lai 10 năm sau.

Nhiều nhà vật lý đồng ý rằng việc đến tương lai theo cách này có thể khả thi, nhưng quay về quá khứ lại khó khăn hơn rất nhiều. Ron Mallett cho rằng mình có thể giải quyết vấn đề này bằng laser.

Ý tưởng của ông dựa trên một lý thuyết khác của Einstein, thuyết tương đối rộng hay thuyết tương đối tổng quát. Thuyết này nói rằng, với một vật có khối lượng vô cùng lớn, nó sẽ làm bẻ cong không – thời gian. Lực hấp dẫn càng mạnh, thời gian trôi càng chậm.

“Theo lý thuyết của Einstein, không gian cũng bao gồm thời gian, gọi là không - thời gian. Những gì bạn làm với không gian cũng xảy ra với thời gian”, Mallett nói.

Mallett tin rằng có thể bẻ cong thời gian để xuất hiện một vòng lặp quay về quá khứ. Thậm chí ông còn chế tạo một nguyên mẫu để thể hiện tác dụng của laser trong việc trở về quá khứ.

Dù Mallett rất lạc quan về sáng chế của mình, nhưng đồng nghiệp lại không tin ông có thể tạo ra một cỗ máy vận hành được.

“Tôi không nghĩ công việc của ông ấy sẽ có kết quả. Có quá nhiều lỗ hổng về mặt tính toán và lý thuyết khiến cỗ máy đó không thể vận hành được”, đồng nghiệp của Mallett nói.

Mallett cũng thừa nhận ý tưởng của mình đến thời điểm này vẫn chỉ nằm trên lý thuyết. Và cho dù việc du hành ngược thời gian có trở thành hiện thực, thì điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu ai đó sử dụng nó vào những việc xấu.

Trường Giang (Theo Futurism)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/giao-su-my-khang-dinh-biet-cach-che-tao-ra-co-may-thoi-gian-609659.html