Giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua địa chỉ đỏ

Mới đây, Phòng GD&ĐT huyện Đại Từ đã tổ chức Chuyên đề 'Giáo dục truyền thống cho học sinh gắn với địa chỉ đỏ huyện Đại Từ' năm học 2023 – 2024.

Giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua địa chỉ đỏ.

Hào hứng tìm về “địa chỉ đỏ”

Chuyên đề “Giáo dục truyền thống cho học sinh gắn với địa chỉ đỏ huyện Đại Từ” năm học 2023- 2024 tại Di tích lịch sử quốc gia “Nơi ra đời Đội Thanh niên xung phong Việt Nam 15/7/1950 (xã Yên Lãng) là hoạt động ý nghĩa và thiết thực nhằm kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023) và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023).

Tại chương trình, học sinh trường THCS Yên Lãng đã được luyện tập và thực hiện các nội dung nhằm tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử di tích “Nơi ra đời Đội Thanh niên xung phong Việt Nam 15/7/1950 (xã Yên Lãng)”, đồng thời kể chuyện và tái hiện hình ảnh những anh hùng đã anh dũng hi sinh nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh.

Học sinh tham gia chuyên đề được trải nghiệm đa dạng những hoạt động như: thực hiện phút sinh hoạt truyền thống và tái hiện các anh hùng nhỏ tuổi, sự kiện lịch sử của đất nước; giới thiệu song ngữ (Tiếng Anh và tiếng Việt) và được đại biểu Cựu TNXP nói chuyện về truyền thống cách mạng.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đại Từ phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề giáo dục truyền thống.

Em Nông Diệp Chi (học sinh lớp 9A2) bày tỏ: “Được tham quan “địa chỉ đỏ” là trải nghiệm quý giá, giúp chúng em học tập được nhiều kiến thức không chỉ trên sách vở mà còn học được từ thực tiễn. Chúng em hiểu rõ hơn quá trình chiến đấu gian khổ, kiên cường của ông cha ta để giữ gìn độc lập.”

Học sinh Nguyễn Thủy Tiên (lớp 8A1) chia sẻ: “Trong những lần tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử, em rất ấn tượng, đặc biệt là khi được đến thăm di tích lịch sử quốc gia ngay chính trên quê hương mà mình được sinh ra và lớn lên.

Khi được tham gia các hoạt động tìm hiểu những tư liệu, chứng tích nơi đây em được nâng cao hiểu biết về lịch sử, thêm biết ơn và vô cùng khâm phục ý chí, nghị lực của các thế hệ đi trước đã vượt qua bao gian khổ, đương đầu với bom đạn, cống hiến xương máu để đánh thắng giặc, vì nền hòa bình, độc lập dân tộc”.

Bồi đắp tình yêu quê hương

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đại Từ cho hay: Những hoạt động giáo dục trên giúp các em hào hứng ôn lại bề dày truyền thống lịch sử của cha ông trên chính mảnh đất mà mình đang sinh sống, hơn nữa còn có thêm nhiều hiểu biết về di sản của quê hương nói chung.

Qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào về truyền thống lịch sử của thế hệ cha anh, các em học sinh đã ý thức được tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản dân tộc.

Học sinh tham gia kể chuyện, tái hiện hình ảnh 13 cô gái ngã ba Đồng Lộc.

Bên cạnh các tiết học trên lớp, việc tổ chức các chuyên đề, tiết học thực tế, những hành trình về nguồn, hành trình về “địa chỉ đỏ” gắn với di tích lịch sử của địa phương mà Phòng GD&ĐT, các nhà trường trên địa bàn huyện đang thực hiện là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương.

Giáo dục truyền thống và định hướng lý tưởng cho học sinh để từ đó, các em thêm tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử, giá trị truyền thống ở quê hương mình.

“Trong thời gian tới, ngành Giáo dục huyện sẽ tiếp tục tăng cường các lớp tập huấn cho các giáo viên để đẩy mạnh việc đưa giáo dục truyền thống vào các bài giảng trong lớp học, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh các nhà trường. Để từ đó cho học sinh phát huy tinh thần học tập để xây dựng quê hương, đất nước”, ông Hưng nhấn mạnh.

Phát biểu tại chương trình, Ông Cao Việt Hùng, Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Đại Từ biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, sự đổi mới, sáng tạo của ngành giáo dục trong công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng cho các em học sinh hiện nay. Trân trọng ghi nhận sự cống hiến của các em học sinh trong việc tái hiện lại bức tranh lịch sử, để các đại biểu, học sinh thêm tự hào về trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, sức mạnh ý chí, lòng yêu nước đoàn kết của dân tộc.

Qua đây ông cũng mong muốn các em học sinh tiếp tục rèn luyện, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Ngành giáo dục và các thầy cô tiếp tục nghiên cứu đổi mới để có nhiều hoạt động chuyên đề giáo dục truyền thống ý nghĩa cho học sinh trên địa bàn.

Hoàng Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-truyen-thong-cho-hoc-sinh-thong-qua-dia-chi-do-post664612.html