Giới trẻ thích thú với thảo nguyên cỏ dại dưới chân núi Mắt Thần

Nếu thuộc nhóm tín đồ của thiên nhiên, yêu thích yên bình, và có nhu cầu tránh xa nắng nóng, đông đúc của thành thị, thì mùa hè chính là thời điểm lý tưởng để đến Cao Bằng. Nhất là khi thảo nguyên cỏ dại dưới chân núi Mắt Thần ở Cao Bằng vào mùa hoa nở.

Loài cỏ dại nở hoa vào đầu mùa hè, màu tím nhạt quyến rũ.

Thung lũng xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng có một thảo nguyên tràn đầy cỏ dại nở hoa vào đầu mùa hè. Loài hoa tím và trắng mỏng manh, tinh khiết, quyến rũ, đối trọng với vẻ sừng sững hùng vĩ của núi thiêng. Đi bộ tới ngọn núi Mắt Thần trong thung lũng, du khách phải băng qua thảo nguyên cỏ dại này, và có thể dừng chân cắm trại, dã ngoại tại đây. Trước khi mùa mưa tới và thung lũng có thể ngập nước cho tới mùa khô mới rút đi.

Núi Mắt Thần còn được gọi là "núi Thủng" do hình dáng bên ngoài của ngọn núi ở phía trên đỉnh có một hang thủng hình tròn tựa như "con mắt" của núi với đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao 50m so với hồ Thang Hen. Nhiều nhiếp ảnh gia đã ghi lại hình ảnh từ flycam bay qua lỗ thủng trên núi cho thấy đây là một biến động tạo hình địa chất rất độc đáo của ngọn núi này.

Núi Mắt Thần nằm gọn trong lòng thung lũng giữa quần thể hồ Thang Hen của Công viên địa chất non nước Cao Bằng, giữa thảo nguyên cỏ xanh mênh mông bên hồ nước xanh bát ngát màu lục non. Theo tiếng Tày, núi Mắt Thần còn có tên là "Phja Píot", dịch ra là cái núi bị thủng một lỗ, dùi xuyên qua như để gió lùa thông thống bên nọ sang bên kia.

Hệ thống hồ Thang Hen, đặc biệt là ngọn núi Mắt Thần là nét độc đáo nhất, giúp Công viên địa chất non nước Cao Bằng được UNESCO ghi danh công viên địa chất toàn cầu và nổi tiếng thế giới.

Cùng thưởng lãm vẻ đẹp của thảo nguyên xanh ngát dưới chân núi Mắt Thần.

Đi bộ hoặc đi xe máy qua thảo nguyên cỏ xanh giữa thiên nhiên hùng vĩ mang lại cảm giác thích thú và thư giãn.

Hiện tại thung lũng cỏ dại núi Mắt Thần vẫn là khu vực hoang vắng, xa địa bàn dân cư.

Thích hợp nhất để đến được thung lũng là đi bộ, đi xe gắn máy hoặc ô tô có thể chạy trên địa hình khó.

Người dân địa phương gọi hang lớn xuyên qua trên lưng chừng núi là Phia Lông.

Ánh sáng Mặt trời khi chiếu vào núi từ bên kia có thể thấy được khi nhìn ở vị trí đối diện. Chính đặc điểm này khiến ngọn núi được gọi là núi Mắt Thần.

Núi Thủng nằm tại xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa, Cao Bằng, nơi các bản làng yên bình.

Thung lũng dưới chân núi Mắt Thần là một bể nước kín tự nhiên, có các dòng sông suối ngầm đổ về, và cũng có nhiều dòng suối ngầm chảy đi theo một hệ thống sông suối ngầm nằm sâu trong lòng những rặng núi đá

Thung lũng cỏ dại là nơi chăn thả gia súc của bà con quanh vùng.

Phải băng qua thung lũng cỏ xanh mới tới được núi Mắt Thần.

Loài hoa tím biếc trong lòng thung lũng nở nhiều vào đầu mùa hè.

Với núi non trùng điệp ngàn lớp, không dễ nhìn thấy núi Mắt Thần nếu không đi sâu vào trong thung lũng.

Cảnh sắc tuyệt đẹp như cổ tích của thung lũng núi Mắt Thần.

Vào những ngày hè nắng gắt, thung lũng vẫn tươi mát, ánh sáng lộng lẫy xuyên qua các rãnh núi tạo nên cảnh quan kì ảo.

Con đường xuyên núi quanh thung lũng.

Xung quanh khu vực này bà con người Tày canh tác và chăn thả gia súc.

Thảo nguyên vây bọc bởi rừng cây và núi đá vôi, không khí trong lành và cỏ xanh lan tận chân núi.

Thụy Văn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/gioi-tre-thich-thu-voi-thao-nguyen-co-dai-duoi-chan-nui-mat-than-179240427121449201.htm