Giao dịch chứng khoán phiên sáng 24/9: Thị trường tiếp tục tìm kiếm tín hiệu xu hướng mới
Thanh khoản vẫn đang chậm lại, trong khi biến động cũng không đáng kể ở nhóm bluechip do nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm những chất xúc tác mới với thị trường. Một vài cổ phiếu ở nhóm xây dựng, khu công nghiệp thu hút dòng tiền, nhưng chưa thực sự tạo đà bùng nổ.
Trong phiên hôm qua, sau ít phút tăng điểm đầu phiên, chỉ số VN-Index đã đảo chiều về dưới tham chiếu và nới thêm đà giảm trong phiên chiều về dưới mốc 1.270 điểm khi đóng cửa.
Thanh khoản thị trường lùi về mức thấp khi tâm lý chung của nhà đầu tư là thận trọng đón pha điều chỉnh. Nhưng đáng chú ý là dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu bank – chứng – thép.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 24/9, có thể dễ dàng nhận thấy một bộ phận dòng tiền đã sớm ưu ái các cổ phiếu thuộc nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản và khu công nghiệp với cổ phiếu D2D, DLG, CTR, CTD, KBC đã sớm bật lên so với phần còn lại của thị trường, dù mức tăng cũng chỉ từ 2% đến 4%, nhưng thanh khoản tương đối tích cực, trong đó, KBC đang đứng top cao nhất trên sàn.
Trong khi đó, chỉ số chính VN-Index ít thay đổi do nhóm bluechip hoạt động kém, dù sắc xanh vẫn chiếm ưu thế hơn trong rổ VN30, khối lượng khớp lệnh trên sàn tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Giao dịch vẫn cầm chừng ở nửa sau của phiên khiến thanh khoản chậm lại đáng kể, trong khi bảng điện tử phân hóa hơn ở nhóm bluechip khiến VN-Index về gần tham chiếu và tạm kết phiên giảm điểm.
Chốt phiên, sàn HOSE có 157 mã tăng và 176 mã giảm, VN-Index giảm 0,17 điểm (-0,01%), xuống 1.268,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 272,4 triệu đơn vị, giá trị 5.610,8 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 1% về khối lượng nhưng giảm 5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 99,3 triệu đơn vị, giá trị 1.580 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu đáng chú ý nhất trong số các bluechip là VPB khi khớp lệnh cao nhất nhóm VN30 và đồng thời dẫn đầu thị trường, bỏ xa phần còn lại với hơn 10,5 triệu đơn vị. Dù vậy, giá cổ phiếu chỉ tăng nhẹ 0,3% lên 19.050 đồng.
Bên cạnh đó là một cổ phiếu ngân hàng khác SSB, khi có mức tăng tốt nhất rổ bluechip, dù chỉ +2,2% lên 16.300 đồng, khớp chỉ hơn 0,4 triệu đơn vị.
Sự ảm đạm cũng phản ánh ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, khi chỉ lác đác vài cái tên đáng nhắc đến như LDG tăng trần +6,8% lên 1.890 đồng, khớp 1,73 triệu đơn vị. Cổ phiếu SVD +4,3% lên 3.410 đồng, KBC +4% lên 27.450 đồng, CTR +3,8% lên 134.000 đồng, ST8 +3,3% lên 8.130 đồng, FIT +3% lên 4.430 đồng.
Các cổ phiếu DBT, TNI, CRC, CTD, DBD là những cổ phiếu còn lại trên sàn tăng hơn 2%.
Ở chiều ngược lại, ngoài AGM bị chốt lời và giảm sàn về 3.900 đồng, thì phần còn lại cũng không cổ phiếu nào giảm quá sâu.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng giằng co nhẹ quanh tham chiếu và tạm kết phiên giảm điểm khi dòng tiền yếu.
Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,16%), xuống 233 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,7 triệu đơn vị, giá trị 258,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,17 triệu đơn vị, giá trị 129 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu là hơn 8 triệu cổ phiếu VFS, trị giá 105,1 tỷ đồng.
Các mã lớn ít thay đổi với CEO, MBS, IDC, PVS tăng điểm nhẹ, trong khi THD, PVI, VCS, BAB giảm nhẹ, còn SHS, HUT, NTP đứng giá tham chiếu.
Các mã nhỏ hoạt động mạnh hơn, với TXM tăng trần lên 5.800 đồng. Các cổ phiếu CMS, HMR có lúc cũng đã chạm giá trần, trước khi kết phiên CMS nhích 5,5%, còn HMR còn +0,7%.
Trái lại, cổ phiếu SPI có thời điểm cũng chạm sắc tím, nhưng đã bị đẩy ngược trở lại và giảm sàn -9,1% xuống 5.000 đồng, khớp 0,91 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên giữ sắc xanh cũng đã yếu đi ở nửa sau và kết phiên giảm điểm.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,14%), xuống 93,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12,1 triệu đơn vị, giá trị 145,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 5 triệu đơn vị, giá trị 46,3 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu nhỏ VE9 và HIO nổi bật khi tăng kịch trần lên 3.300 đồng và 12.900 đồng, khớp lệnh thuộc top cao nhất với 0,77 triệu và 0,6 triệu đơn vị.