Giáng sinh - mùa của yêu thương

Từ đầu tháng 12, trên nhiều nẻo đường tôi ngang qua, nhiều cửa tiệm đã thấy treo bao nhiêu là bộ đồ ông già Noel, cây thông, dây kim tuyến, đèn lồng, những vật dụng để làm hang đá... Giáng sinh từ rất lâu không chỉ là một lễ trọng của riêng người theo đạo Thiên chúa mà đã trở thành lễ hội chung của mọi người.

Trẻ con tham gia trải nghiệm sáng tạo mỹ thuật trong mùa Giáng sinh. Ảnh: Khiếu Thị Hoài

Theo cách ấy, với tôi, Giáng sinh ngày càng trở nên thân thuộc và ấm áp. Mùa đông về mang theo cái lạnh se se đã thấy hương vị Giáng sinh tràn về, đây đó các nhà thờ và hàng quán rục rịch trang trí hang đá, cây thông Noel.

Đậm đà và trọn vẹn nhất là một đêm Giáng sinh xa xưa ấy, chúng tôi ở nơi cái lạnh ùa về nứt cả da thịt của Đà Lạt. Chuyến xe Sài Gòn - Đà Lạt thời khó khăn ì ạch đưa tôi và anh bạn học địa chất ở Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh về đến Đà Lạt khi trời đã nhá nhem.

Cuối năm, Đà Lạt lạnh cắt da cắt thịt. Tôi sững sờ khi xe chạy ngang nhà thờ Con Gà, một nhà thờ rất đẹp xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển của Pháp. Từng chùm tiếng chuông đổ dài trong sương, trong cái lung linh huyền ảo của thông xanh, sương mù, hang đá, đèn lồng và những bóng dáng người đi lễ, dạo chơi đổ dài trên các con phố.

Trẻ con thích thú với những không gian Noel tràn ngập sắc màu. Ảnh: TÂM ĐAN

Dường như mọi âm thanh, sắc màu, hơi thở của đất trời đã quyện lại trong không khí huyền hoặc của buổi lễ chiều. Anh bạn vội vàng chào tôi rồi nhanh chóng kéo tay người yêu hòa vào dòng người đang đổ về hướng nhà thờ.

Tôi ngơ ngẩn một lát rồi cũng hòa theo biển người cùng cái nháy mắt của anh bạn và lời hẹn: Gặp nhau ở nhà cô bạn Đà Lạt, đúng 12 giờ khuya! Tôi đã loanh quanh hết một đêm Đà Lạt, nơi lần đầu đến, trong cái ngây ngất và huyền hoặc của đêm Noel nơi xứ lạ.

Nhà người yêu của anh bạn ở chợ Phường theo đạo nên các nghi thức đón Giáng sinh đều rất chu đáo. Và, đêm ấy, lần duy nhất trong đời tôi được đón Giáng sinh trọn vẹn nghi lễ với một Réveillion (tiệc nửa đêm) có cả ngỗng quay mang đầy đủ hương vị đêm Noel phương Tây!

Thêm một lần, hồi mới ra trường, tôi cùng anh bạn làm chung cơ quan dự Noel ở nhà thờ Trà Kiệu. Cả hai hớn hở cùng nhau đạp xe từ Trung Phước đổ đèo Phường Rạnh đến sân nhà thờ Trà Kiệu vừa cuối chiều, đủ để vào được ngay khu vực dự lễ lý tưởng. Vùng này đa số là giáo dân nên nhiều nhà có trang trí cây thông và hang đá ở phía trước. Và hoa lẫn lồng đèn rực rỡ khắp nơi.

Vào đêm Noel, nhiều người về đây dự thánh lễ và dạo chơi. Năm nào cũng thế, đêm Giáng sinh luôn đông đúc người tham dự. Đêm ấy, vì phải về do đường quá xa xôi nên chúng tôi đành phải rời sớm, không kịp dự “Canh thức”.

Và, thế là hai đứa bưng hai chiếc xe đưa cao quá đầu để đi ngược biển người, tìm lối về. Người bạn đã qua đời nhiều năm trước nhưng không khí của cái đêm Noel ấy thì mãi nhớ. Mỗi lần Giáng sinh về lại nhớ bạn với bao niềm yêu thương.

Dường như thánh địa Trà Kiệu cùng không khí bao mùa Giáng sinh an lành đã tạo nên cảm xúc và được thể hiện bàng bạc trong tác phẩm của nhà văn quê Duy Xuyên: Nguyễn Một. Dễ dàng nhận ra không khí ấy trong truyện ngắn “Tiếng chim sẻ trong thánh đường” hay tiểu thuyết “Từ giờ thứ Sáu đến giờ thứ Chín” mới xuất bản cùng nhiều tác phẩm khác của nhà văn.

Thời còn đi học phổ thông, dù không phải là người có đạo nhưng mỗi mùa Giáng sinh luôn quyến rũ bọn học trò chúng tôi. Thời điểm chuyển mùa của năm, sắp giã từ cái lạnh rét của mùa đông để chuẩn bị chào đón mùa xuân.

Sau Giáng sinh là đến tết dương lịch. Đón cơn lạnh, mọi người, nhất là các thiếu nữ được dịp để khoe sắc, khoe hương, cho nên dù trời có lạnh căm căm vẫn cứ mong manh chiếc váy thật ngắn thật đẹp để chào đón đêm Giáng sinh thì đâu có gì làm lạ!

Đêm Noel, ở một nơi đô hội như Hội An không khí hết sức tưng bừng. Nhiều nhà bày tiệc ra tận hiên bên hang đá và cây thông. Đàn và hát để chào đón giờ khắc Chúa ra đời. Người trôi đi khắp ngả đường tưởng không bao giờ dứt. Hướng chính vẫn là nhà thờ thành phố, nơi lung linh và nhộn nhịp nhứt Hội An.

Tiếng chuông nhà thờ, những bài thánh ca, lời cầu nguyện rì rầm tạo nên sự ấm áp cho một ngày cuối đông. Không còn phân biệt đâu là người có đạo và người không có đạo, không còn phân biệt người Việt và du khách nước ngoài. Tất cả hòa quyện vào nhau từ đường phố, sân nhà thờ, vào sâu bên trong thánh đường. Từng phần của thánh lễ, rồi canh thức… đến tận nửa đêm.

Không chỉ Đà Lạt, Trà Kiệu hay Hội An, mùa Giáng sinh, bất kể ở đâu trên khắp thế giới, người ta luôn chúc nhau một câu giống nhau: Giáng sinh an lành - Mery Chrismas!

Mùa Giáng sinh, mùa của yêu thương!

LÊ TRÂM

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/tap-but-tap-van/giang-sinh-mua-cua-yeu-thuong-153570.html