Gian nan chống buôn lậu vùng giáp biên mùa lũ

Mùa lũ đang về, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới tỉnh An Giang diễn biến phức tạp. Không chỉ buôn lậu hàng hóa tiêu dùng mà nhiều hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng cấm… cũng được các chủ đầu nậu tuồn về thị trường.

Cung đường hàng lậu

Được một người dân chỉ đường, chúng tôi thâm nhập thực tế tại địa bàn các xã Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế thuộc TP Châu Đốc. Khi trời chập choạng tối, chúng tôi phát hiện nhiều người dùng xe gắn máy, xe đạp chở bao hàng lượn vòng vèo trên các đường ruộng tắt qua biên giới. Tiếp cận một đối tượng chở hàng từ bên kia biên giới về, chúng tôi được anh này tiết lộ tên là Nguyễn Văn D., ngụ ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế.

Một điểm tập kết đường cát lậu tại ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế,TP Châu Đốc

“Do hoàn cảnh khó khăn, tui tranh thủ làm mấy chuyến thuốc lá, hay đường cát để kiếm thêm tiền lo cho con đi học vì sắp vào năm học mới, tụi nhỏ cần áo quần và tập sách”. Theo D., mỗi gói thuốc lá đưa trót lọt qua biên giới thu lời 3.500 - 5.000 đồng. Nhiều chủ hàng làm các kho chứa thuốc lá lậu sát biên giới. Họ giả dạng nông dân thăm đồng, đánh bắt cá để qua mặt lực lượng chức năng, tìm cách đưa hàng về thị trường nội địa. Những người như Dương, mỗi chuyến chỉ chở 10 - 12 cây thuốc lá, chở ít như thế vừa dễ cất giấu vừa dễ tẩu thoát khi bị truy đuổi, nếu bỏ hàng số lượng mất cũng ít. Bằng thủ đoạn này, không chỉ D. mà nhiều đối tượng đã thực hiện trót lọt vài chục vụ mỗi tuần.

Việc qua mặt các lực lượng chức năng, các chủ hàng lậu cấu kết với một số đối tượng người nước ngoài, tổ chức thành các đường dây khép kín, gồm: Bộ phận canh đường; vận chuyển và bộ phận theo dõi hoạt động các cơ quan chức năng. Đối tượng tuyển chọn là người dân địa phương và một số đối tượng từ nhiều địa phương khác đến. Khi bị phát hiện, truy đuổi, chúng lập tức bỏ hàng, tháo chạy. Nếu lực lượng chức năng mỏng, chúng sẵn sàng chống trả, sau đó tập trung đông người, sử dụng trẻ em, phụ nữ gây rối để cướp hàng, giải thoát các đối tượng bị bắt giữ. Điểm tập kết hàng cũng thường xuyên thay đổi. Khi hàng vận chuyển đến các điểm tập kết, những hàng số lượng lớn, nặng, chúng dùng ô tô, xe gắn máy chuyển đến các đại lý trong nội địa tiêu thụ. Đối với hàng kém chất lượng, hàng hóa nhẹ, hàng “nhạy cảm”, chúng ký gửi hàng trên các xe khách, xe buýt.

Tỉnh An Giang có đường biên giới dài hơn 100km, giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia), có 5 cửa khẩu (2 cửa khẩu Quốc tế, 2 Quốc gia, 1 cửa khẩu phụ). Với địa hình đồng ruộng bằng phẳng, có nhiều sông và kênh rạch, nhiều đường mòn, đường tắt thông biên giới bằng cả đường bộ lẫn đường sông. Đặc biệt là mùa lũ dâng cao tràn ngập các tuyến đường thông qua biên giới luôn là điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn lậu vì rất khó cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ. Tình hình buôn lậu luôn “nóng” từng ngày khi mùa lũ đến. Tại xã biên giới Vĩnh Xương (Tân Châu) lực lượng chức năng đã phát hiện 2 kho chứa hàng lậu, tại Vĩnh Ngươn (Châu Đốc) 12 kho, Long Bình (An Phú) 6 kho, huyện Tịnh Biên 6 kho.

Đánh mạnh tất cả các tuyến

Thượng tá Đỗ Văn Mười Bốn - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh cho biết: “Để ngăn chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới trong mùa nước nổi, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, trong đó nòng cốt là công an - biên phòng - hải quan, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kế hoạch cao điểm tấn công tội phạm, buôn lậu”. Theo đó, các ngành đều trang bị thêm phương tiện, công cụ hỗ trợ, tăng cường lực lượng xuống địa bàn trọng điểm, xây dựng thêm các chốt lâm thời, tổ, đội cơ động. Công an tỉnh lập danh sách 527 đối tượng và 65 tụ điểm ở các địa bàn trọng điểm.

Một "nài" đang vận chuyển đường cát lậu bằng xe mô tô

Ngoài ra, các lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên tuyến biên giới cũng như nội địa, tập trung đánh mạnh vào các địa bàn trọng điểm. Lực lượng chức năng mong muốn các cấp chính quyền địa phương vùng biên cần tăng cường quản lý nhân khẩu, rà soát, phân loại đối tượng, có biện pháp giáo dục, răn đe, xử lý kiên quyết những người cố tình vi phạm. Các đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác vận động quần chúng, cảm hóa đối tượng. Về lâu dài, địa phương cần quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân vùng biên giới cải thiện, nâng cao đời sống.

Theo báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 914 vụ (giảm 20% so cùng kỳ) mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng giá trị hàng hóa bắt giữ trên 28 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 9,9 tỷ đồng (tương đương so cùng kỳ).

Lực lượng chức năng khởi tố 17 vụ, trị giá tang vật khởi tố trên 1,9 tỷ đồng, 1.205 USD và hàng hóa là ma túy, pháo nổ. Trong đó lực lượng Công an khởi tố 14 vụ/15 đối tượng liên quan đến buôn lậu thuốc lá. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (Chi cục Quản lý thị trường) làm đầu mối tổ chức thu gom, tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch của các lực lượng trong tỉnh. Kết quả thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ 694.960 gói (tăng 27.4% so cùng kỳ). Đường cát nhập lậu bắt giữ 161.263kg (giảm 59,3 so cùng kỳ). Tiêu hủy 3 đợt, với tổng số lượng 820.074 gói thuốc lá các loại.

KHANG DUY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/gian-nan-chong-buon-lau-vung-giap-bien-mua-lu-post224597.html