Giám sát độc lập trục vớt tàu chìm sau sự cố chết người

Sau sự cố khiến 5 công nhân thương vong, công tác trục vớt tàu chìm trên sông Lòng Tàu được tiến hành trở lại với nhiều yêu cầu khắt khe.

Đơn vị trục vớt cắt và di chuyển xác tàu đắm khỏi luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (Chụp sáng 2/1). Ảnh: Mai Huyên

Đơn vị trục vớt cắt và di chuyển xác tàu đắm khỏi luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (Chụp sáng 2/1). Ảnh: Mai Huyên

Giữ nguyên nhà thầu cũ, bổ sung biện pháp an toàn

Sau sự cố làm 5 người thương vong (ngày 27/12), với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực hàng hải, Cục Hàng hải VN đã yêu cầu nhà thầu thi công tăng cường biện pháp an toàn, huy động đội ngũ cảng vụ, đảm bảo an toàn hàng hải, hoa tiêu phối hợp cùng lực lượng cảnh sát đường thủy, công an, biên phòng, thường xuyên trực tại hiện trường để đảm bảo an toàn. Việc truy cứu trách nhiệm cá nhân/tổ chức liên quan, lực lượng công an đang thụ lý, điều tra nguyên nhân và đề xuất hình thức xử lý.

Đại diện phòng An toàn - An ninh hàng hải Cục Hàng hải VN

Sáng 2/1, trực tiếp có mặt tại hiện trường tàu Vietsun Integrity chìm trên sông Lòng Tàu, PV Báo Giao thông ghi nhận, công tác trục vớt đang được tiến hành vô cùng khẩn trương. Liên doanh Công ty TNHH Dịch vụ hàng hải Thái Bình Dương (PMS) và Công ty TNHH Trục vớt đang tiếp tục cắt xác tàu để di chuyển khỏi luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu.

Sau khi phần lái của tàu được cắt, đơn vị thi công đã thực hiện thổi bùn và làm van bơm không khí vào các két ballast làm nổi tàu để kéo vào bờ. Nhiều máy móc, thiết bị gồm: Tàu cẩu, tàu lai, sà lan… cùng đội ngũ cán bộ, công nhân viên cũng được huy động tập trung đẩy nhanh tiến độ trục vớt tàu bị nạn. Nhà thầu thi công đã bổ sung một cán bộ giám sát an toàn lao động và 1 nhân viên y tế túc trực 24/24h để theo dõi và bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho những công nhân làm việc tại đây. Trên sông Lòng Tàu, các ca nô của đơn vị cảnh báo, phân luồng cũng liên tục hoạt động. Phao chống tràn dầu vẫn rải quanh xác tàu chìm.

Đại diện Cảng vụ Hàng hải TP HCM cho biết, công tác trục vớt tàu Vietsun Integrity được tiến hành trở lại vào ngày 27/12/2019. “Tính đến ngày 2/1, còn 75/293 container chưa trục vớt trong hầm 1 và hầm 2 của con tàu. Riêng cabin tàu đã được cắt và di chuyển vào bờ”, vị này nói và cho biết, dự kiến đến ngày 6/1 sẽ cắt xong và di chuyển 35m đuôi tàu vào bờ để giải phóng thêm 30m luồng, đảm bảo đủ 150m luồng hàng hải cho tàu thuyền lưu thông bình thường.

Theo đại diện phòng An toàn - An ninh hàng hải (Cục Hàng hải VN), theo kế hoạch ban đầu, công tác di dời tàu chìm ra khỏi biên luồng vào ngày 20/12. Tuy nhiên, sau sự cố làm 3 người tử vong, 2 người bị thương xảy ra sáng 11/12, cơ quan chức năng đã yêu cầu tạm ngưng công tác trục vớt để khắc phục sự cố. Sau khi hoàn tất công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân, Cục Hàng hải VN tiếp tục yêu cầu chủ tàu và đơn vị thi công rà soát, đánh giá toàn diện công tác trục vớt tàu Vietsun Integrity và tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành của TP.HCM về phương án tổ chức trục vớt tàu chìm.

“Tại cuộc họp ngày 26/12, tất cả các cơ quan liên quan đều thống nhất giữ nguyên phương án trục vớt được phê duyệt trước đó. Tuy nhiên, đơn vị thi công phải bổ sung thêm biện pháp đảm bảo an toàn lao động như: Tăng cường giám sát độc lập, nhân viên y tế túc trực tại hiện trường, tập huấn cho người lao động kỹ năng đảm bảo an toàn…”, vị đại diện này nói.

Duy trì luồng tạm, nạo vét luồng chính

Ông Ngô Quang Hưng, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết, song song với triển khai kế hoạch trục vớt xác tàu chìm, thời gian qua, cảng vụ đã nhanh chóng thiết lập luồng tạm bên phải khu vực tàu chìm, đảm bảo cho các tàu tải trọng lớn, có mớn nước trên 9,5m lưu thông thông suốt, tránh phát sinh chi phí cầu bến, phao, neo khi phải vào khu vực Cái Mép - Thị Vải chuyển tải.

“Tính từ ngày 24/11/2019 đến ngày 2/1/2020, cảng vụ đã phối hợp với các đơn vị điều tiết cho 660 lượt tàu hành trình ngày/đêm để vào, rời cảng biển TP.HCM. Trong đó, tàu hành trình qua theo tuyến luồng tạm có chiều dài lớn nhất là 222,97m, tải trọng lớn nhất hơn 53.700 DWT, mớn nước lớn nhất là 10,8m”, ông Hưng nói và cho biết, việc lưu thông của tàu tải trọng lớn qua luồng tạm sẽ tiếp tục kéo dài đến khi xác tàu chìm được kéo vào bờ. Các tàu tải trọng nhỏ hơn sẽ lưu thông qua luồng sông Soài Rạp, Sông Dừa.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Phòng Công trình hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, dự kiến sau khi việc trục vớt tàu chìm hoàn thành, công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu cũng sẽ được Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Nam lập tức triển khai, đảm bảo tàu lớn (có mớn nước trên 9,5m) lưu thông thuận lợi vào khu vực cảng TP HCM. “Theo kế hoạch, luồng Sài Gòn - Vũng Tàu sẽ được nạo vét đến độ sâu chuẩn tắc là -8,5m, khối lượng nạo vét hơn 522.130m3. Thời gian thi công là 60 ngày với kinh phí khoảng 165 tỷ đồng”, đại diện đơn vị này thông tin.

Diễn biến vụ chìm tàu Vietsun Intergrity:

- Ngày 19/10, tàu Vietsun Intergrity (thuộc Công ty CP Việt Nhật, trọng tải 8.015 tấn) chở 285 container từ TP HCM đi Hải Phòng bị chìm tại khu vực phao số 28 luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, huyện Cần Giờ, TP HCM. Công tác trục vớt container, hút dầu và phòng tránh sự cố tràn dầu được Bộ GTVT chỉ đạo tiến hành ngay sau đó.

- Ngày 11/11, phương án trục vớt tàu chìm được Cảng vụ Hàng hải TP HCM phê duyệt, thời gian dự kiến hoàn thành là ngày 20/12/2019.

- Khoảng 9h ngày 11/12, trong quá trình xử lý container trong tàu chìm, 5 công nhân gặp nạn, trong đó có 3 người tử vong. Cảng vụ Hàng hải TP HCM quyết định tạm đình chỉ công tác trục vớt.

- Ngày 27/12, công tác trục vớt xác tàu Vietsun Intergrity được tiến hành trở lại. Thời gian dự kiến hoàn thành sau khoảng 7 ngày.

Mai Huyên - Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giam-sat-doc-lap-truc-vot-tau-chim-sau-su-co-chet-nguoi-d447990.html