Giảm lượng, tăng chất cho hạt điều

Năm 2018, ngành điều Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực khi nhu cầu tiêu thụ hạt điều trên thế giới được dự báo sẽ tăng khá cao. Mặc dù vậy, sự phát triển của ngành được đánh giá là chưa bền vững khi vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Giảm lượng, tăng chất là định hướng phát triển mà ngành điều đặt ra trong năm nay...

Sơ chế nhân hạt điều tại một cơ sở chế biến ở huyện Củ Chi.

Theo Hiệp hội Ðiều Việt Nam (Vinacas), nhu cầu sử dụng hạt điều trên toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng khoảng 10%, sẽ là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nhân hạt điều của Việt Nam trong những năm tới. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số một thế giới về chế biến, xuất khẩu nhân hạt điều và đây cũng là mặt hàng giữ vị trí số một trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Nếu như ở nhiều ngành công nghiệp chế biến khác, thách thức lớn nhất là ở “đầu ra” của sản phẩm, thì với ngành điều nước ta, thách thức lớn nhất lại là nguồn nguyên liệu “đầu vào”. Hiện nay, phần lớn nguồn điều thô nguyên liệu làm nên “kỳ tích” xuất khẩu cho ngành điều Việt Nam lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Trưởng ban Xúc tiến thương mại Vinacas Trần Văn Hiệp thừa nhận, trong năm qua, cả nước chế biến hơn 1,6 triệu tấn nguyên liệu nhưng nguồn cung nội địa chỉ có 220 nghìn tấn, còn lại đều phải nhập khẩu.

Bởi vậy, ngành điều đã đặt mục tiêu giảm lượng chế biến, xuất khẩu năm 2018 xuống còn 300 nghìn tấn, thấp hơn năm trước 14%. Nguyên nhân chính là do ngành điều chưa chủ động được nguyên liệu tại chỗ, giá nhập khẩu quá cao mà chất lượng hàng lại kém. Cần phải “giảm lượng để tăng chất”, hướng vào chế biến sâu và phát triển thị trường trong nước. Cụ thể, về sản lượng chế biến, xuất khẩu giảm từ 350 nghìn tấn điều nhân các loại xuống còn 300 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu nhân điều tương ứng giảm từ 3,5 tỷ USD xuống còn 3 tỷ USD.

Mục tiêu mà ngành điều đặt ra là phát triển bền vững, người dân trồng điều vẫn có hiệu quả sản xuất cao, doanh nghiệp (DN) chế biến điều có lãi. Giám đốc Công ty Nga Sơn (quận Thủ Ðức) Trần Bảo Sơn, DN chuyên chế biến, xuất khẩu nhân hạt điều, chia sẻ: “Chúng tôi có vườn trồng điều ở tỉnh Bình Phước với diện tích hơn 100 ha. Cách đây hai năm, chúng tôi đã chủ động giảm sản lượng, tìm giống điều mới có sức kháng bệnh cao để trồng chứ không trồng đại trà. Kể cả việc thu mua điều của nông dân, chúng tôi cũng tìm nguồn hàng chất lượng, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mặc dù giá cao hơn nhưng chất lượng hạt điều rất tốt, phù hợp để xuất khẩu”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 Tạ Quang Huyên cho hay: “Nhờ tập trung vào chất lượng cho nên các cây điều ở nhà vườn trên cả nước đều phát triển rất tốt. Hiện, bông điều đều bung nở đặc cây. Năm nay, bông điều có thể nở đến bốn đợt trải dài suốt năm, sản lượng dự kiến đạt từ 500 nghìn đến 550 nghìn tấn”.

Ðể ngành điều phát triển ổn định và bền vững thì cơ cấu nguyên liệu cần xoay chuyển ngay trong vài năm tới. Trước mắt, ngành điều đang tập trung hợp tác với Cam-pu-chia trong chương trình trồng điều quy mô lớn ở nước này. Hiện, Vinacas đã tài trợ cho Tổng cục Nông nghiệp, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Cam-pu-chia, hỗ trợ phát triển một triệu cây điều tại nước bạn trong giai đoạn 2018 - 2020. Bên cạnh đó, Vinacas cũng sẽ hỗ trợ Cam-pu-chia tuyển chọn giống, đưa giống từ Việt Nam sang, chuyển giao công nghệ trồng trọt và bao tiêu đầu ra.

Một tin vui trong những ngày đầu năm là ngành chế biến nhân hạt điều xuất khẩu đã kín đơn hàng đến tháng 4-2018. Dự kiến giá điều năm 2018 tiếp tục ổn định ở mức 40 nghìn - 50 nghìn đồng/kg khi nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chủ tịch Vinacas Nguyễn Ðức Thanh chia sẻ, ngành điều rất cần Nhà nước tiếp tục hỗ trợ các DN ổn định sản xuất, cần có các cơ chế, chính sách thông thoáng trong các lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, thuế, hải quan, kiểm dịch thực vật... nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ chế biến, xuất khẩu điều hiệu quả. Ðào tạo kiến thức chuyên môn, nâng cao trình độ cho doanh nhân và cán bộ ngành điều. Hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu thực phẩm Việt Nam. Hỗ trợ đầu tư, mở rộng sản xuất, hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch hơn, bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hỗ trợ tiếp cận thương mại điện tử và kinh tế số để theo kịp sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

“Ðể giữ vững ngôi vị hàng đầu thế giới trong chế biến cũng như xuất khẩu mặt hàng nhân hạt điều, năm 2018, hiệp hội sẽ đồng hành cùng nhà nông trong các chương trình thâm canh, cải tạo vườn điều... để đưa giá trị thương mại của toàn ngành đạt mục tiêu cao nhất. Ðồng thời, tạo điều kiện để nông dân hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN chế biến điều theo hướng sản xuất sạch hơn và hướng đến thị trường”, Chủ tịch Vinacas Nguyễn Ðức Thanh cam kết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/35677002-giam-luong-tang-chat-cho-hat-dieu.html