Giảm bụi mịn tại các đô thị: Xác định rõ thẩm quyền, thời gian và trách nhiệm
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, vào các tháng cuối năm, số ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia rất phổ biến; ngược lại, số ngày có chất lượng không khí tốt chỉ chiếm khoảng 22% tổng số ngày trong năm.

Nhức nhối ô nhiễm không khí ở Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Trước thực trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn nhức nhối tại các đô thị, thành phố lớn, Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030; hiện đang lấy ý kiến các bộ, ngành để chuẩn bị trình Chính phủ.
Kế hoạch trên được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ, để huy động sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt từ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, qua đó góp phần cải thiện môi trường, giảm thiểu bụi mịn tại các đô thị.
Số ngày bụi PM2.5 vượt ngưỡng còn rất phổ biến
Theo ông Thức, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, vào các tháng cuối năm, số ngày mà nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vẫn còn rất phổ biến (chiếm khoảng 35% tổng số ngày trong “kỳ ô nhiễm”; riêng tại Hà Nội có tới 47 ngày chất lượng không khí ở mức xấu).
Ngược lại, số ngày có chất lượng không khí tốt cũng chỉ chiếm khoảng 22% tổng số ngày trong năm. Riêng thành phố Hà Nội, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm vào khoảng 47 µg/m³, vượt gần 2 lần quy chuẩn Việt Nam.
“Khoảng thời gian ghi nhận từ tháng Mười đến tháng 12/2024, Hà Nội đã xảy ra bốn đợt ô nhiễm không khí kéo dài. Cá biệt có những ngày, chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 246, tương ứng với mức rất xấu, có nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và cộng đồng,” ông Thức nói.
Cục trưởng Hoàng Văn Thức cũng cho biết nguyên nhân làm “bẩn” môi trường không khí ở Hà Nội và các đô thị, cơ bản đến từ hoạt động giao thông vận tải (gồm cả bụi đường do phương tiện tham gia giao thông cuốn lên và khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch), trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố.
Đơn cử như tại thành phố Hà Nội, theo số liệu kiểm kê về phát thải PM2.5, nguồn ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông vận tải đường bộ chiếm khoảng 15% và từ bụi đường khoảng 23%.
Các nguyên nhân tiếp theo là từ hoạt động xây dựng bao gồm các hoạt động xây dựng nhà ở dân sinh, công trình công cộng, công trình giao thông; từ hoạt động sản xuất công nghiệp, bao gồm khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và quá trình sản xuất, các cơ sở bao gồm cơ sở nhỏ lẻ, khu, cụm công nghiệp, làng nghề.
Ngoài ra các hoạt động “đốt mở” như đốt chất thải, rác thải và phụ phẩm nông nghiệp, sử dụng bếp than trong sinh hoạt, kinh doanh, đốt vàng mã cũng là nguồn thải khiến ô nhiễm không khí trở nên xấu bẩn hơn.
Trước thực trạng trên, ông Thức cho hay Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030, được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng trên tinh thần 6 rõ của Chính phủ gồm: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền.
Kế hoạch đặt mục tiêu tổng thể là tăng cường quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí trên phạm vi toàn quốc, từng bước khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm tại các thành phố lớn, nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

Ô nhiễm không khí. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là giảm 20% nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm vào năm 2030 so với mức năm 2024; 100% phương tiện giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được quản lý khí thải; 100% xe buýt tại Hà Nội sử dụng năng lượng xanh vào năm 2030…
Cần có lộ trình cụ thể, đánh giá tiến độ thực chất
Nhấn mạnh cải thiện chất lượng không khí là một hành trình dài, đòi hỏi quyết tâm và kiên định, Tiến sỹ Hoàng Dương - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí trong 5 năm tới đây, cần chia ra làm 2 giai đoạn rõ ràng.
Trong đó, 2 năm nên tập trung thu thập số liệu, đánh giá thực trạng; giai đoạn sau (3 năm) triển khai các biện pháp cụ thể. Theo ông Tùng, việc làm rõ các giai đoạn sẽ giúp nâng cao hiệu quả triển khai, cũng như theo dõi, đánh giá tiến độ thực chất hơn.
Ông Tùng cũng lưu ý hiện nay, Việt Nam hiện có hơn 100 trạm quan trắc tự động, song thực tế vẫn có những địa phương “có trạm nhưng không có số liệu” do không có kinh phí vận hành, bảo dưỡng. Vì thế, nếu không có cơ chế tài chính phù hợp, hệ thống quan trắc sẽ rất khó vận hành ổn định.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nghiêm Trung Dũng (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí trong thời gian tới, cần thể hiện cụ thể hơn về các chỉ tiêu. Ví dụ, nếu đặt mục tiêu giảm 35% nồng độ PM2.5 thì cần ghi rõ so với năm nào, trung bình theo giờ hay theo ngày, tại khu vực nào.
“Một người dân khi theo dõi chất lượng không khí hàng ngày sẽ cần biết cụ thể mức độ cải thiện ra sao, vào thời điểm nào, khu vực nào. Trung bình ngày, trung bình giờ tất cả đều phải được minh bạch và đánh giá thực chất,” ông Dũng nhấn mạnh.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, cũng nhìn nhận việc chuyển từ xây dựng đề án sang lập kế hoạch hành động theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng là bước đi đúng. Tuy nhiên, để triển khai được, kế hoạch cần có các giải pháp và nhiệm vụ thật chi tiết, chính xác, cụ thể.
Riêng với giao thông, ông Đại cho biết nguồn phát thải chiếm 23%, nhưng đây cũng là phương tiện mưu sinh của hàng triệu người dân. Nếu chỉ sử dụng mệnh lệnh hành chính mà thiếu chính sách hỗ trợ như trợ giá xe điện, hỗ trợ chuyển đổi nhiên liệu,… thì sẽ khó khả thi. Vì vậy, ông đề xuất cần có chính sách hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi từ xe máy cũ sang xe điện trong quá trình tiến tới hạn chế xe xăng, phát triển giao thông xanh của thành phố, nhằm giải quyết bài toán ô nhiễm không khí.
Một vấn đề khác được ông Đại đề cập là vướng mắc trong việc di dời nhà máy ô nhiễm. Ông Đại cho biết Thủ đô đã nỗ lực, nhưng thiếu chế tài và hỗ trợ về chính sách như miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư, khiến tiến độ còn chậm. Việc này cần quy định rõ ràng, tránh tình trạng doanh nghiệp chần chừ, không thực hiện./.