Giảm áp dây thần kinh số VII chữa liệt mặt sau chấn thương
Phẫu thuật giảm áp dây thần kinh VII có thể giải phóng chèn ép, giảm áp lực cơ học, phục hồi lưu thông máu giúp tái tưới máu cho dây thần kinh mặt.
Bệnh viện Bãi cháy (Quảng Ninh) đã thực hiện thành công kỹ thuật khó phẫu thuật giảm áp dây thần kinh số VII chữa liệt mặt sau chấn thương cho chàng trai 30 tuổi.
Liệt mặt, mắt không nhắm kín, méo miệng
Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên là tình trạng mất vận động một phần hoặc toàn bộ các cơ mặt gây nên những di chứng nặng nề ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII rất đa dạng bao gồm: Chấn thương, u chèn ép, viêm tai xương chũm, tai biến mạch máu não...

BS CKI Hoàng Huyền Trang, Phó Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC
Người bệnh Tằng A T (30 tuổi, ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) bị chấn thương va đập vào vùng đầu. Sau chấn thương, bệnh nhân xuất hiện tình trạng liệt mặt ngoại biên bên phải, mắt nhắm không kín, méo miệng, ăn uống bên liệt thường hay bị dắt thức ăn, chảy nước ra mép, kèm theo ù tai nghe kém hai bên.
Người bệnh được sơ cứu tại cơ sở y tế tuyến dưới sau đó chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy. Qua thăm khám cùng các kết quả chụp cắt lớp vi tính tai xương đá, người bệnh được các bác sĩ chẩn đoán là Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên phải sau chấn thương và được chỉ định điều trị bằng phương pháp can thiệp ngoại khoa nhằm phục hồi chức năng thần kinh mặt.
Ca phẫu thuật do ê-kip của BS CKI Hoàng Huyền Trang, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện thành công dưới sự hướng dẫn trực tiếp, chuyển giao kỹ thuật của PSG. TS Đoàn Thị Hồng Hoa – một trong những chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật chuyên sâu về Tai xương chũm.
24h sau phẫu thuật người bệnh có thể sinh hoạt đi lại bình thường, miệng đỡ méo, giảm tình trạng chảy nước ra mép khi uống, đỡ dắt thức ăn bên liệt.
Sau 6 ngày phẫu thuật người bệnh được cắt chỉ vết mổ phục hồi tốt, cơ mặt cân đối hơn, tình trạng méo miệng của người được cải thiện tích cực, mắt vận động nhắm mở tốt hơn. Người bệnh được hội chẩn thêm về chuyên khoa Thần kinh - Vật lý trị liệu -Phục hồi chức năng để tiếp tục quá trình điều trị nội khoa theo dõi phục hồi chức năng trong 3 tháng tiếp theo.

Hình ảnh mắt phải của bệnh nhân trước và sau phẫu thuật vận động nhắm mở tốt, vết mổ liền nhanh - Ảnh BVCC
Phẫu thuật xử lý đồng thời các tổn thương tai giữa, tụ dịch, xương vỡ...
BS CKI Hoàng Huyền Trang cho biết: “Dây thần kinh VII điều khiển vận động các cơ bám da mặt, khi bị chèn ép (do phù nề, máu tụ, gãy xương…) nếu không được giải phóng kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ liệt mặt vĩnh viễn. Phẫu thuật giảm áp dây thần kinh VII có thể giải phóng chèn ép, giảm áp lực cơ học, phục hồi lưu thông máu giúp tái tưới máu cho dây thần kinh mặt.
Phẫu thuật mở xương chũm, bộc lộ dây thần kinh số VII từ đoạn mỏm chũm tới hạch gối và rạch vỏ bao, kỹ thuật này còn được chỉ định đối với những trường hợp người bệnh liệt mặt ngoại biên xảy ra do u chèn ép (u dây thần kinh thính giác, u góc cầu – tiểu não, u tuyến mang tai…), viêm xương chũm nặng gây phù nề, tăng áp trong ống thần kinh, liệt dây VII thể nặng không cải thiện sau điều trị nội khoa 3-6 tuần.
Phẫu thuật cũng cho phép xử lý đồng thời các tổn thương tai giữa, tụ dịch, xương vỡ... giúp cải thiện chức năng thính giác và ngăn ngừa biến chứng viêm nhiễm kéo dài”.
Đây là một trong những kỹ thuật khó và phức tạp của chuyên ngành Tai Mũi Họng do dây thần kinh VII đi qua ống tai xương đá (Fallopian canal) – một cấu trúc hẹp, sâu trong nền sọ, nằm gần nhiều cấu trúc quan trọng như ốc tai, xương bàn đạp, mê nhĩ…, đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu, am hiểu cấu trúc giải phẫu, kỹ thuật vi phẫu chính xác để không gây tổn thương dây VII, tránh các biến chứng như chảy máu, điếc, chóng mặt, rối loạn thăng bằng, rò dịch não tủy…