Giải pháp tình thế của Nga sau khi mất 2 'radar bay' A-50

Lực lượng Nga đang tìm giải pháp thay thế sau khi mất 2 máy bay cảnh báo sớm trên không A-50 trị giá hàng trăm triệu USD trong 2 tháng qua.

Ukraine cho rằng, lực lượng Nga đang sử dụng máy bay không không người lái (UAV) để thay thế cho các máy bay cảnh báo sớm trên không A-50 bị bắn rơi. Moscow khó có thể tìm ra giải pháp nhanh chóng và hiệu quả tương đương cho việc mất “mắt thần trên không” gần đây.

Máy bay A-50 của Nga. Ảnh: Getty

Máy bay A-50 của Nga. Ảnh: Getty

Người phát ngôn Lực lượng miền Nam Ukraine Natalia Humeniuk cho biết Moscow đang cố gắng thay thế máy bay điều khiển và cảnh báo sớm trên không A-50 bằng UAV trinh sát.

“Phía Nga đang cố gắng thu thập thông tin mà A-50 không thể truyền đi được nữa”, bà Humeniuk cho hay.

Nga đã mất 2 máy bay A-50 kể từ đầu năm tới nay. Ukraine tuyên bố bắn hạ một chiếc A-50 trên Biển Azov vào giữa tháng 1 và một chiếc A-50 khác trên lãnh thổ Nga vào ngày 23/2.

Nga chưa bình luận về thông tin trên. Tuyên bố của Ukraine cũng rất khó xác minh.

Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) cho biết, lực lượng nước này đã bắn rơi một chiếc A-50U vào ngày 23/2 gần thị trấn Primorsko-Akhtarsk ở vùng Krasnodar của Nga, gần Biển Azov. Các nguồn tin giấu tên nói với tờ Ukrainska Pravda rằng Ukraine đã sử dụng hệ thống phòng không S-200 để nhắm vào máy bay Nga.

Trong một bản cập nhật tình báo vài ngày sau khi chiếc A-50 đầu tiên của Nga bị bắn rơi vào tháng 1/2024, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga đã triển khai A-50 trong lãnh thổ Nga gần khu vực Krasnodar và cách xa Ukraine hơn. Điều này cho thấy rõ khả năng chấp nhận rủi ro đối với máy bay A-50 đã giảm đi và Moscow đang nỗ lực duy trì những chiếc còn lại.

Chuyên gia về máy bay không người lái ở Anh, Steve Wright, cho biết: “Việc Nga điều động UAV trinh sát để lấp khoảng trống do mất máy bay A-50 là điều hoàn toàn có lý. Nhưng chắc chắn đó không phải là sự thay thế tương đương”.

Máy bay Beriev A-50, giúp Nga tìm kiếm lực lượng phòng không Ukraine và điều phối các cuộc tấn công do các máy bay khác của Nga thực hiện, chẳng hạn như máy bay phản lực thế hệ thứ tư. Mỗi chiếc đều có giá hàng trăm triệu USD.

“A-50 có một radar mạnh mẽ hoạt động ngoài tần số của các camera thông thường và có khả năng nhận biết chuyển động của các phương tiện trên mặt đất và trên không chỉ trong một lần quét”, ông Wright nói.

Giải pháp tình thế

Nga cần 3 quỹ đạo cảnh báo sớm để bao quát toàn bộ chiến tuyến dài 1.000km ở Ukraine: một quỹ đạo ở phía Nam, một ở phía Đông và một ở phía Bắc. Phải cần ít nhất 9 máy bay chiếc A-50 để bao quát cả 3 quỹ đạo. Mỗi quỹ đạo cần có một máy bay ở căn cứ trong khi một chiếc khác đang thực hiện nhiệm vụ và chiếc thứ ba đang được bảo trì.

Việc mất 2 máy bay A-50 sẽ khiến Nga mất đi một quỹ đạo cảnh báo sớm và buộc Moscow phải quyết định khu vực nào ở tiền tuyến sẽ không còn “mắt thần trên không” nữa. Đó là một lựa chọn khó khăn khi Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV sâu vào từng khu vực.

Frederik Mertens, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược The Hague, cho rằng: “UAV trinh sát khó có thể thay thế A-50. Ngay cả khi UAV được trang bị radar, chúng vẫn không đủ sức mạnh để phủ sóng radar với phạm vi tương đương với A-50”.

Theo ông, việc trang bị radar cho UAV sẽ khiến những phương tiện không người lái trở thành tài sản đắt giá hơn nhiều.

Samuel Bendett, thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, nhận định, Nga có thể đang sử dụng kết hợp các máy bay không người lái trinh sát chẳng hạn như Orlan-10 và Orlan-30.

UAV đã trở nên phổ biến trong hơn hai năm xung đột giữa Nga và Ukraine. Chúng thường được triển khai để trinh sát và đôi khi hoạt động trên chiến trường tốt hơn so với pháo binh.

“Không có UAV nào có khả năng tương tự như máy bay cảnh báo sớm trên không (AWACS), nhưng sự kết hợp của các máy bay không người lái khác nhau với phạm vi và độ cao khác nhau có thể lấp đầy một số khoảng trống do mất A-50”, ông Bendett nói.

Nhà phân tích Mertens cho rằng, việc thay thế máy bay cảnh báo sớm trên không bằng các phương tiện không người lái là một công việc cần nhiều năm phát triển chuyên tâm. Moscow cũng có thể sử dụng các hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại, nhưng điều này cũng sẽ tiêu tốn thời gian, nguồn lực và sẽ không thể thay thế được radar.

“Có nhiều cách mà UAV trong tương lai có thể sẽ thay thế những hệ thống đắt tiền và dễ bị tổn thương này, nhưng hiện tại, chúng chỉ là giải pháp tình thế”, ông Wright nói.

Các máy bay do thám là tài sản rất có giá trị đối với Nga. Theo Báo cáo Cán cân Quân sự 2024 do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London (Anh) tổng hợp và công bố, tính đến cuối năm 2023, Nga ước tính có 2 máy bay A-50 và 8 máy bay A-50U. Con số này được cập nhật trước khi Nga mất 2 chiếc A-50 trong năm nay.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Newsweek

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/giai-phap-tinh-the-cua-nga-sau-khi-mat-2-radar-bay-a-50-post1079403.vov