Giải pháp phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, nhưng theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố cần xác định lại để phát triển công nghiệp bền vững dựa trên các trụ cột về đổi mới sáng tạo.

Giới thiệu sản phẩm các ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh.

Giới thiệu sản phẩm các ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh.

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, nhưng theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố cần xác định lại để phát triển công nghiệp bền vững dựa trên các trụ cột về đổi mới sáng tạo.

Bài 1: Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bốn ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao-su; chế biến tinh lương thực thực phẩm đã có sự phát triển tích cực. Đây được xem là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố liên tục phát triển hơn 7% trong suốt chín năm qua.

Từ chính sách kích cầu

Thông qua Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố, nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu đã đầu tư đổi mới máy móc thiết bị tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm, trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn lớn. Cùng với đó là tạo nguồn vốn để DN đầu tư mở rộng sản xuất. “Đạt được thành quả như ngày hôm nay, ngoài sự sáng tạo và tận tâm trong công việc của tất cả cán bộ, nhân viên trong công ty, còn có sự quan tâm của thành phố hỗ trợ vốn từ chương trình kích cầu đối với ngành công nghiệp phụ trợ và chương trình sản phẩm chủ lực thành phố”, đại diện Công ty cổ phần Nhựa Duy Tân chia sẻ. Sản phẩm Nhựa Duy Tân được người tiêu dùng bình chọn là “hàng Việt Nam chất lượng cao” suốt 22 năm liền và là một trong những đơn vị hàng đầu của ngành nhựa Việt Nam với dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa cao được nhập khẩu từ Nhật Bản, châu Âu...

Mấu chốt đột phá của Nhựa Duy Tân là không ngừng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm với mục tiêu tạo ra sự khác biệt trong từng dòng sản phẩm cung cấp ra thị trường. Trong đó, điểm nhấn là tập trung chế tạo và phát triển công nghệ sản xuất khuôn mẫu chính xác. Từ thành quả này, Công ty cổ phần Nhựa Duy Tân được các cấp thẩm quyền chứng nhận DN công nghệ cao và là DN duy nhất trong ngành nhựa đạt được chứng nhận này.

Khuôn mẫu chính xác cao là thế mạnh của các DN cơ khí trên địa bàn thành phố, nhờ quá trình nghiên cứu, thiết kế và sản xuất bởi dây chuyền kỹ thuật cao. Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho rằng: “Trong những năm qua, khuôn mẫu được xem là “nền tảng của nền công nghiệp”, bởi hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp như điện tử - bán dẫn, hàng không, phương tiện giao thông, vận tải, hay gia dụng… đều sử dụng khuôn mẫu. Đây là cơ hội tiềm năng cho ngành công nghiệp nói chung, ngành cơ khí khuôn mẫu chính xác nói riêng. Tận dụng những thuận lợi này, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, sẽ là bước tiến lớn cho ngành cơ khí khuôn mẫu chính xác của thành phố phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, đây là một ngành công nghiệp xanh, sản xuất thân thiện với môi trường và gần như không xả thải cho nên sẽ phát triển được bền vững”.

Công ty TNHH Lập Phúc là một trong những công ty khuôn mẫu chính xác cao hàng đầu tại Việt Nam. Tháng 8-2019 vừa qua, công ty đoạt giải nhì cuộc thi sáng tạo TP Hồ Chí Minh với công trình “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất khuôn mẫu kỹ thuật cao và hệ thống sản xuất tự động”. Sản phẩm khuôn mẫu chính xác của công ty không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có thị trường châu Âu. Đáng chú ý, sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của Công ty Lập Phúc đã tham gia vào chuỗi sản phẩm của Samsung, trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô-tô trong nước và nước ngoài. Mục tiêu của công ty trong thời gian tới là tạo ra những sản phẩm khuôn mẫu mang chất lượng Nhật Bản, giá rẻ hơn Trung Quốc và theo tiêu chuẩn châu Âu, nhằm đưa ngành cơ khí khuôn mẫu Việt Nam có thể sánh ngang với các nước trên thế giới.

Giữ vị trí quan trọng của ngành công nghiệp

Công nghiệp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Đến nay, giá trị gia tăng công nghiệp thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố giai đoạn 2015 - 2018 ước tăng trung bình 7,66% và có xu hướng tăng cao dần qua các năm (năm 2015 tăng 7,86%, năm 2016 tăng 7,33% và năm 2017 tăng 7,45%, năm 2018 tăng 7,98%, 11 tháng năm 2019 tăng 7,42% so với cùng kỳ năm 2018). Điều này cho thấy, quy mô sản xuất công nghiệp thành phố ngày càng mở rộng, các DN đã đầu tư mở rộng sản xuất, thị trường, đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Giai đoạn 2015-2018, giá trị gia tăng công nghiệp tăng bình quân 6,95%/năm, về cơ cấu chiếm 20,91% trong kinh tế thành phố.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông cho biết: “Tỷ trọng đóng góp giá trị sản xuất bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố tăng từ 54,11% năm 2013 lên gần 68% năm 2018 trong toàn ngành công nghiệp. Trong đó, ngành cơ khí chiếm 19,41%, ngành hóa dược - cao-su - nhựa chiếm 15,75%, ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 17,67%, ngành điện tử chiếm 14,91%”.

Đánh giá hiệu quả của các ngành công nghiệp trọng yếu, GS, TS Nguyễn Thị Cành, Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định: “Điểm mạnh của các ngành công nghiệp trọng yếu là có tỷ trọng cao, được tập trung nguồn lực cho nên dịch chuyển cơ cấu theo đúng hướng, có hệ số lan tỏa lớn, thúc đẩy và lôi kéo các ngành khác phát triển, có tác động thúc đẩy kinh tế chung. Có được kết quả này, thành phố đã thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ vốn cho DN, làm cấu nối giữa các DN và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa hai bên. Thành phố đã hoàn thiện chương trình kích cầu thông qua đầu tư của thành phố. Với chương trình kích cầu, cứ một đồng ngân sách bỏ ra sẽ thu hút được 12 đồng vốn xã hội đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển như các ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ…”.

Cũng theo các chuyên gia, công nghiệp có đóng góp lớn trong GRDP của thành phố, trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp. Tốc độ tăng số lượng DN thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu có dấu hiệu hồi phục và tăng cao từ năm 2015, cụ thể năm 2015 tăng 3,1%, năm 2016 tăng lên 10,63% và đặc biệt cao vào năm 2017 là 16,74%. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá có sự đóng góp của 26.554 DN công nghiệp, trong đó có 11.502 DN thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu, chiếm 43,32% trong tổng số DN công nghiệp trên địa bàn thành phố.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42565402-giai-phap-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-trong-yeu.html