Giải pháp nào 'quản' chặt xe hợp đồng?

Trong những năm qua, các loại hình phương tiện vận tải bùng nổ với nhiều dịch vụ, trong đó có những dịch vụ mới, phi truyền thống. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trên địa bàn Thủ đô hiện có hơn 37.000 xe hợp đồng, trong đó có khoảng 18.000 xe dưới 9 chỗ.

Trên địa bàn Thủ đô hiện có hơn 37.000 xe hợp đồng, trong đó có khoảng 18.000 xe dưới 9 chỗ.

Xu hướng này đã tác động lớn tới môi trường vận tải. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng, chuyên gia,… sớm nghiên cứu giải pháp phù hợp, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng tới quản lý vận hành tốt hơn, giúp các doanh nghiệp vận tải chân chính được kinh doanh trong môi trường thuận lợi và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Số lượng phương tiện đông, khó quản lý

Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Đỗ Hương Giang thông tin, trên địa bàn Thủ đô hiện có hơn 37.000 xe hợp đồng, trong đó có khoảng 18.000 xe dưới 9 chỗ, xe tuyến cố định có 3.300 xe. Lượng xe hợp đồng gấp nhiều lần xe tuyến cố định, xe hợp đồng dưới 9 chỗ nhiều hơn taxi. Việc cấp phép vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giữa xe hợp đồng và xe tuyến cố định có sự khác nhau.

Xe hợp đồng không yêu cầu lập Ban An toàn giao thông, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn giao thông và vì thế, cơ quan quản lý đã kiến nghị cấp có thẩm quyền nên thành lập Ban An toàn giao thông đối với tất cả các loại hình xe. Trên địa bàn Hà Nội, có tình trạng xe biển trắng (xe tư nhân) hoạt động “âm thầm mà mạnh mẽ” chở khách không đúng quy định, tự do kết nối với nhau, tuy nhiên chế tài quản lý khó khăn và đây là điều cơ quan quản lý hết sức trăn trở.

Hà Nội đã triển khai chuyên đề chống xe dù bến cóc, nhưng chỉ trong phạm vi xe hợp đồng biển vàng, không kiểm soát được xe biển trắng.

Hà Nội đã triển khai chuyên đề chống xe dù bến cóc, nhưng chỉ trong phạm vi xe hợp đồng biển vàng, không kiểm soát được xe biển trắng.

"Số lượng xe tư nhân rất lớn, lên tới hàng trăm nghìn xe, lớn hơn xe hợp đồng rất nhiều, rất khó quản lý. Thành phố Hà Nội đã triển khai chuyên đề chống xe dù bến cóc, nhưng chỉ trong phạm vi xe hợp đồng biển vàng, không kiểm soát được xe biển trắng, do có yếu tố dân sự", bà Giang bày tỏ.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh, máy chủ của các hãng xe đặt ngoài biên giới, nếu các bộ ngành chức năng không vào cuộc, thậm chí công an, thanh tra ngoài đường cũng không quản lý được. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cần phải được quy định rõ ràng trong luật, nêu rõ trách nhiệm của bộ ngành liên quan. Chính sách sau luật phải bảo đảm công bằng, nhu cầu đi lại của người dân là chính đáng.

Từ sau dịch Covid-19, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, tổ chức các lực lượng liên ngành để kiểm tra hoạt động “xe dù, bến cóc”, kết hợp kiểm tra thực tế và kiểm tra trên camera để xác minh hành vi vi phạm của xe hợp đồng. Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho hay, thanh tra giao thông Hà Nội là đơn vị đầu tiên thực hiện kiểm tra sai phạm qua thiết bị giám sát hành trình.

Lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra phương tiện.

Lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra phương tiện.

Các tổ liên ngành đã đến tận doanh nghiệp đề nghị cung cấp thiết bị giám sát hành trình và số hiệu phương tiện để giám sát hành trình. Từ đầu năm đến nay, thanh tra giao thông Hà Nội đã phát hiện gần 2.000 trường hợp sai phạm, xử phạt 6,5 tỷ đồng, tạm giữ 27 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 300 trường hợp, tước phù hiệu hàng chục phương tiện.

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh vận tải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng cho rằng, một doanh nghiệp tuyến cố định vào bến phải đăng ký biểu đồ, lốt, giờ, được hiệp thương,… Doanh nghiệp phải chấp hành song song cả hai luật Đường bộ và Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Luật Đường bộ chỉ bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản; dưới 8 chỗ lại bỏ qua không nhắc tới. Vì vậy, trách nhiệm của hiệp hội, doanh nghiệp phải tham gia xây dựng pháp luật tốt hơn, độ “bao phủ” của luật đủ rộng để bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh chính thống, hợp xu thế.

Bảo đảm công bằng giữa các loại hình

Hiện nay, có tình trạng xung đột xe hợp đồng dưới 8 chỗ hoạt động như taxi. Khi số lượng xe tư nhân (gia đình) tăng cao thời gian gần đây, khách thuê trọn gói giảm mạnh. Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô quy định taxi tính tiền theo đồng hồ hoặc phần mềm và phải kê khai cước thì xe hợp đồng lại không (thu cước theo thỏa thuận), gây bất lợi cho taxi chính thống và cũng rất khó có chuẩn mực để thu thuế.

Hiện tượng xe dù, bến cóc trên địa bàn Hà Nội diễn ra khá phức tạp.

Hiện tượng xe dù, bến cóc trên địa bàn Hà Nội diễn ra khá phức tạp.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng xung đột giữa xe limousine và xe tuyến cố định. Một doanh nghiệp tuyến cố định vào bến đòi hỏi phải đăng ký biểu đồ chạy xe, xếp lốt, giờ, được hiệp thương,… theo quy trình rất phức tạp; trong khi đó, xe limousine không phải đăng ký và thuận tiện cho người dân, nên hành khách có xu thế chuộng xe limousine.

Nếu không nghiên cứu và tìm ra cơ chế quản lý, chúng ta sẽ thất bại. Xe từ 9 chỗ trở lên phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê cả chuyến xe, bao gồm lái xe, trong khi xe dưới 9 chỗ không quy định. Loại hình này cần định danh rõ ràng mới thu thuế được, hiện Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu xe dưới 9 chỗ là loại hình mới để có hướng quản lý phù hợp.

Ông NGUYỄN CÔNG HÙNG,

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam.

Thời gian qua, để thống nhất quản lý, cơ quan chức năng đã đổi biển kiểm soát xe kinh doanh vận tải sang màu vàng, nhưng vẫn còn tình trạng phổ biến xe dù không đổi biển, chèn ép xe taxi khi đón khách, nhưng lực lượng quản lý, thanh tra giao thông không đủ quân số để kiểm tra, xử phạt. Đơn cử, một tỉnh nhỏ như Phú Thọ mà có tới 1.000 xe ghép. Cạnh sân bay Nội Bài, cũng có hơn 1.000 xe ghép hoạt động, số lượng ngang với xe trong sân bay.

“Vì sao loại hình này nở rộ? Do điều kiện thông thoáng, có giấy phép kinh doanh là được cấp phù hiệu. Do đó, Bộ Giao thông vận tải cần ban hành quy định để địa phương cấp phù hiệu, căn cứ theo đó siết chặt quản lý, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, bến xe. Nếu không xử lý kịp thời, trong thời thời gian tới, xe taxi sẽ bỏ mào, hoạt động linh hoạt”, ông Hùng lo ngại.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng Phòng quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) bày tỏ, xe khách trong bến đang làm theo luật là xuất phát theo giờ cố định nhưng xe hợp đồng lại có thể "xé rào", có thể chạy tùy ý. Các nhà xe hiện nay bán vé trực tuyến nên không có việc xếp hàng mua vé, gây ách tắc, cứ xe nào đủ khách là đi. Xe hợp đồng vận chuyển nhiều loại hành khách như tham quan, du lịch, công nhân, học sinh, phạm vi hoạt động rộng, thường xuyên trên nhiều khung giờ, từ đó nảy sinh xe hợp đồng chạy như xe cố định.

Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cho hay, xe hợp đồng hiện chỉ nộp 1 khoản thuế môn bài, trong khi xe tuyến cố định phải nộp nhiều loại thuế khác. Để xác định xe chở khách hợp đồng không đơn giản, xe chạy hợp đồng nhưng khi kiểm tra, lái xe nói đi sửa chữa hoặc chở người nhà, rất khó kiểm chứng. "Cơ quan quản lý cần cởi mở cho xe cố định theo hình thức nào đó, giúp xe tuyến cố định linh hoạt hơn, cạnh tranh được với loại hình mới. Doanh nghiệp vận tải có sản lượng 70-80 nghìn hành khách/tháng đi vào bến, nếu không được chạy xuyên tâm, sẽ mất cả chục xe trung chuyển, phát sinh nhiều chi phí. Doanh nghiệp kinh doanh tuyến cố định và hợp đồng đều cần được tồn tại, phục vụ nhu cầu của hành khách, quan trọng là quản lý bảo đảm hài hòa về mặt lợi ích, bình đẳng”, đại diện doanh nghiệp vận tải bày tỏ.

Hiện nay, đang xảy ra tình trạng xung đột giữa xe limousine và xe tuyến cố định. Xe limousine không phải đăng ký và thuận tiện cho người dân, nên hành khách có xu thế chuộng xe limousine.

Hiện nay, đang xảy ra tình trạng xung đột giữa xe limousine và xe tuyến cố định. Xe limousine không phải đăng ký và thuận tiện cho người dân, nên hành khách có xu thế chuộng xe limousine.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ Giao thông vận tải), sau một thời gian triển khai, Bộ Giao thông vận tải đã nhận diện được bất cập của Nghị định 10, đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 41 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô-tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô-tô và dịch vụ sát hạch lái xe bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6, có nhiều nội dung sửa đổi liên quan xe hợp đồng.

Trước đây, xe hợp đồng phải ký hợp đồng, thông báo cho cơ quan quản lý trước khi thực hiện nên gây nhiều khó khăn, hiện chỉ cần thông báo hợp đồng đến Sở Giao thông vận tải trước khi xe chạy và chuyển lưu trữ hợp đồng tại doanh nghiệp, là dữ liệu để giám sát thu thuế. “Quy định thu hồi biển hiệu, phù hiệu trước đây quá đơn giản, hiện tại, cơ quan quản lý siết chặt quy định này, trong thời gian thu hồi, chờ cấp lại phù hiệu, biển hiệu, phương tiện không được kinh doanh vận tải. Giấy phép kinh doanh vận tải cũng tương tự. Doanh nghiệp bị thu hồi 30% phù hiệu, biển hiệu trở lên sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải. Cơ quan quản lý định hướng thị trường chứ không để thị trường định hướng”, ông Thủy khẳng định.

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giai-phap-nao-quan-chat-xe-hop-dong-post826121.html