Giải pháp nào giúp Hòa Bình cải thiện tăng trưởng công nghiệp?

Tháng 2/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hòa Bình giảm 2 con số, địa phương tập trung vào nhiệm vụ nhằm cải thiện và đột phá tăng trưởng.

Theo số liệu thống kê, tháng 2/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Hòa Bình ước giảm 10,58% so với tháng trước và giảm 15,74% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành sản xuất công nghiệp khai khoáng giảm 38,33% so với tháng trước, giảm 13,63% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,8% so với tháng trước, giảm 13,11% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 2,73% so với tháng trước, giảm 18,66% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp cung cấp nước giảm 7,98% so với tháng trước; giảm 13,13% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất tại Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam Hòa Bình, Khu công nghiệp Lương Sơn. Ảnh Thu Thủy

Theo lý giải từ Cục Thống kê Hòa Bình, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm là do tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán nên các ngành nghề kinh doanh như khai khoáng khác; công nghiệp chế biến, chế tạo có số lượng thời gian hoạt động sản xuất trong tháng ít hơn tháng trước.

Cùng đó, tháng 2/2024 tình hình dự báo thủy văn lưu lượng nước hồ Hòa Bình nhiều hơn tháng trước, đáp ứng cung cấp cho công ty Thủy điện Hòa Bình sản xuất thủy điện đảm bảo. Sản lượng điện sản xuất ước tháng 2 đạt 441 triệu kwh, so với tháng trước tăng 13 triệu kwh (tăng 3,04%), so với cùng kỳ năm trước giảm 106 triệu kwh (giảm 19,43%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 của Hòa Bình giảm nằm trong bối cảnh chung của nhiều địa phương. Tuy nhiên không chủ quan, trên kế hoạch mục tiêu đặt ra cho năm 2024 với chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 12% (sản lượng điện sản xuất đạt 8.700 triệu Kwh, điện thương phẩm đạt 1.380 triệu Kwh), địa phương đang gấp rút thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm lấy lại đà tăng trưởng công nghiệp và đạt mục tiêu năm.

Trong đó, riêng Sở Công Thương Hòa Bình tập trung thu hút khoảng 5-8 dự án thứ cấp vào các cụm công nghiệp, với tổng mức đầu tư từ 400 - 600 tỷ đồng. Tham mưu UBND tỉnh thành lập 1 - 2 cụm công nghiệp trên địa bàn. Tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Xây dựng Chỉ thị của UBND tỉnh "Về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh". Tham mưu UBND tỉnh kịp thời Quyết định phê duyệt các đề án khuyến công địa phương tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Đồng thời với thực hiện các nhiệm vụ nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng công nghiệp cho năm 2024, ngành Công Thương Hòa Bình cũng thực hiện quyết liệt, đồng bộ những đột phá chiến lược trong Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó tập trung triển khai định hướng phát triển các cụm công nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm hội chợ, triển lãm; phát triển mạng lưới cấp điện trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phát triển hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hòa Bình, các huyện: Lương Sơn, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Yên Thủy,… và các vùng động lực của tỉnh.

Phối hợp, tham mưu thực hiện có hiệu quả các dự án trọng điểm của tỉnh; rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, dự án có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội để chuyển nhượng, dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư.

Phát triển sản xuất công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả thông qua triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động, Đề án số của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực ngành. Phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, môi trường công nghiệp đặt biệt trong quản lý vật liệu nổ công nghiệp. Tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất tại khu, cụm công nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi sản xuất.

Đảm bảo cung cấp điện ổn định, chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho sản xuất trên địa bàn. Ưu tiên tổ chức đầu tư phát triển lưới điện đến các khu, cụm công nghiệp các vùng động lực, vùng lòng hồ Hòa Bình; các dự án trọng điểm của tỉnh. Hạn chế tối đa tình trạng ngừng, giảm mức cung cấp điện không theo kế hoạch. Phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trong việc đấu nối, cung cấp điện.

Tăng cường công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp. Tập trung đào tạo phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, truyền thống gắn với các điểm du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, mô hình trình diễn kỹ thuật. Đẩy mạnh công tác tư vấn phát triển công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-phap-nao-giup-hoa-binh-cai-thien-tang-truong-cong-nghiep-307499.html