Giải pháp hiệu quả trong phòng, chống bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình luôn là vấn đề xã hội nhức nhối, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, tư tưởng lạc hậu. Tuyên truyền, thực hiện bình đẳng giới là việc làm cần thiết để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả.

Cán bộ tư pháp huyện Bình Liêu phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Đồng Tâm. Ảnh: La Lành (TTTT-VH Bình Liêu)

Theo đánh giá của các ngành liên quan, hiện phụ nữ được tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, có kinh tế độc lập và được nâng cao địa vị trong gia đình. Đặc biệt thông qua hoạt động của các mô hình, các đợt chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới tại vùng nông thôn, miền núi đã thu hút được nam giới tham gia ngày một đông hơn, tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã dần được gỡ bỏ, đã có sự đồng thuận chia sẻ công việc trong gia đình giữa vợ, chồng, con trai, con gái. Ước tính khoảng cách tham gia công việc gia đình của nữ so với nam giới đã rút xuống 2 lần so với thời điểm chưa ban hành Kế hoạch hành động bình đẳng giới của tỉnh (Kế hoạch 3478/KH-UBND ngày 5/9/2011), vượt 0,5 lần so với chỉ tiêu Chiến lược quốc gia đề ra.

Các hoạt động thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình hằng năm được tổ chức rộng khắp từ cơ quan, đơn vị đến các địa phương với hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình được lồng ghép, trở thành một trong những tiêu chí chính để đánh giá xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng, khu phố văn hóa; nông thôn mới; bộ quy tắc ứng xử trong gia đình; quy ước, hương ước ở thôn, bản, khu phố. Gắn thực hiện xây dựng gia đình văn hóa trong khu dân cư, xây dựng nếp sống văn hóa tại cộng đồng; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức cho phụ nữ về công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản...

Các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều mô hình bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền, nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin về phòng tránh bạo lực và các tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế, gia đình hạnh phúc, thu hút sự tham gia tích cực của người dân. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 742 địa chỉ tin cậy, 468 cơ sở tư vấn, 28 cơ sở bảo trợ xã hội, 118 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Tỉnh cũng hợp tác với một số tổ chức quốc tế thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực giới đã góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực giới.

Các xã phường, thị trấn đã xây dựng, triển khai mô hình nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, như: Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh; hỗ trợ phụ nữ bị ép kết hôn với người nước ngoài; phòng, chống bạo lực giới, tình trạng tảo hôn, ép kết hôn trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số; CLB nữ công nhân nhà trọ; CLB giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh...

Cùng với đó, mô hình phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp tục duy trì, triển khai có hiệu quả. Từ năm 2016-2019 đã tư vấn, can thiệp hỗ trợ, hỗ trợ khẩn cấp cho 47 đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái bị lạm dụng, bị bạo hành về thể chất, tình dục và tinh thần tại các gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tư vấn trực tiếp và qua tổng đài các vấn đề về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình cho 286 trường hợp; chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà tạm lánh cho 16 người (5 trẻ em đi cùng mẹ...). Năm 2019, tỉnh triển khai xây dựng “Mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Hàn Quốc tài trợ, tổng kinh phí trên 8,4 tỷ đồng. Mô hình đã hoàn thành, khai trương và đi vào hoạt động trong quý II/2020...

Nhờ các giải pháp tích cực trên, tình trạng trẻ em, phụ nữ bị bạo lực gia đình, xâm hại trên địa bàn tỉnh đã được ngăn chặn, phát hiện, tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Các đối tượng gây bạo lực đã được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Từ năm 2011-2019, tổng số nạn nhân bị bạo lực gia đình được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 2.162 người (nữ là 1.681 người, nạn nhân nam là 456 người); trong đó, 97% số nạn nhân đều được tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội, 95% số người có hành vi gây ra các vụ bạo lực nêu trên được tư vấn, giáo dục ở cơ sở tư vấn, tại cộng đồng; lực lượng chức năng đã xử lý 291 đối tượng (xử lý hình sự 267 đối tượng, xử lý hành chính 24 đối tượng).

Trần Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202005/giai-phap-hieu-qua-trong-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-2484475/