Giải mã trận đánh khai sinh danh hiệu cận vệ nổi tiếng của Liên Xô
Danh hiệu vinh dự nhà nước 'Cận vệ Xô-viết' – niềm tự hào, kiêu hãnh của quân đội Liên Xô đã ra đời trong khói lửa của cuộc Chiến tranh Vệ quốc.
Nằm cách Moscow 378km về phía Tây - Tây Nam trên thượng nguồn sông Dniepr, Smolensk là đầu mối giao thông quan trọng nối Moscow với các vùng Pribaltik, Belorussia và xa hơn nữa, đến Ba Lan và Trung Âu. Với chiều dài 255km từ Bắc xuống Nam và chiều rộng 285km từ Đông sang Tây, Smolensk là cửa ngõ phía Tây của Moscow, án ngữ một trong các con đường giao thông lớn và quan trọng nhất của Liên Xô từ Brest qua Minsk, Orsha đến Moscow.
Đối với Hồng quân Liên Xô, giữ được Smolensk cũng có nghĩa là thực hiện được chiến lược phòng thủ từ xa với Moscow. Đối với quân đội Đức Quốc xã, chiếm được Smolensk cũng có nghĩa là mở được "khóa cổng" để tiếp cận Moscow.
Ngày 22/6/1941, phát xít Đức bất thình lình tấn công Liên Xô. Với lực lượng áp đảo và lợi thế bất ngờ, chỉ sau 6 ngày chiến tranh, ngày 28/6, các đơn vị xe tăng cơ giới Đức thuộc Cụm tập đoàn quân (TĐQ) Bắc đã tiến vào Minsk. Các đơn vị thuộc Cụm TĐQ Trung tâm ở phía Nam Belorussia tiến sát sông Dniepr. Ngày 10-11/7, các đơn vị của tướng Guderian vượt sông Dniepr, tiến tới đánh chiếm Smolensk hòng mở lối tiến thẳng về Moscow.
Ngày 16/7, quân Đức chiếm được một phần Smolensk. Tuy nhiên, trong trận chiến này bọn phát xít đã mất 250.000 lính và sĩ quan. Những trận đánh dai dẳng, ác liệt vẫn diễn ra ở phía Đông thành phố này cho đến cuối tuần đầu tháng 9 và làm cho kế hoạch thẳng tiến đến Moscow của Bộ Chỉ huy Đức bị phá sản.
Lần đầu tiên trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, các đơn vị quân Đức ở hướng tiến công chủ yếu phải chuyển sang phòng ngự. Hitler đã thấy rằng chiến tranh càng đi sâu vào lãnh thổ Liên Xô, càng trở nên khó khăn đối với chúng.
Tuy không giữ được Smolensk, song các trận cầm chân địch ở đây đã tạo điều kiện để Liên Xô có được thời gian gần 1 tháng để chuẩn bị phòng thủ Moscow rồi sau đó giành thắng lợi trong trận Moscow.
Trong trận phòng thủ Smolensk, Hồng quân đã đối đầu ác liệt với kẻ thù. Các tướng Kachakov, Petrovsky hi sinh ngay tại trận chiến. Để khích lệ, động viên tinh thần bộ đội và tôn vinh những gương chiến đấu dũng cảm, ngày 18/9/1941, Tổng Tư lệnh tối cao I. V. Stalin đã ra Mệnh lệnh 308 chuyển các sư đoàn bộ binh 100, 127, 153 và 161 thành các sư đoàn cận vệ 1, 2, 3 và 4. Sư đoàn đầu tiên được nhận danh hiệu này sư đoàn 100 do Tướng Rusyanov chỉ huy.
Sự kiện trọng đại này đánh dấu sự ra đời của một danh hiệu vinh dự mới - “Cận vệ Xô-viết” dành cho các đơn vị Hồng quân thể hiện lòng dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng và trình độ tác chiến giỏi trong chiến đấu. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của những đơn vị này đều được trao huy hiệu cận vệ gắn trên ngực áo.
Trong Chiến tranh Vệ quốc, rất nhiều đơn vị Hồng quân Liên Xô đã được tặng danh hiệu cận vệ. Trong đó, riêng cấp tập đoàn quân có 11 TĐQ binh chủng hợp thành, 6 TĐQ thiết giáp; cấp quân đoàn (QĐ) có 40 QĐ bộ binh, 7 QĐ kị binh, 12 QĐ tăng, 9 QĐ binh chủng hợp thành, 14 QĐ không quân; hải quân có 18 tàu chiến, 16 tàu ngầm…
Điều đặc biệt là tất cả các đơn vị pháo phản lực Kachiusha đều được phong tặng danh hiệu cận vệ. Đây là việc làm nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng, sức sát thương mạnh mẽ cũng như khả năng gây kinh hoàng cho quân địch của loại vũ khí này trên chiến trường. Tháng 6/1941, khẩu đội Kachiusha đầu tiên được thành lập, gồm 5 xe chiến đấu BM-13 do đại úy Flerov chỉ huy.
Ngày 14/7/1941, những loạt Kachiusha đầu tiên vang lên trong trận đánh gần thị trấn Orsha. Từ đó, Kachiusha luôn có mặt trong những trận đánh lớn. Chính Kachiusha đã dội bão lửa suốt 2 tiếng đồng hồ làm tê liệt hệ thống phòng thủ của quân Đức, mở màn cho trận công phá Berlin của Hồng quân.
Cho đến ngày 1/5/1945, lực lượng pháo phản lực của Hồng quân tổng cộng có 7 sư đoàn, 11 lữ đoàn, 114 trung đoàn độc lập, 38 tiểu đoàn độc lập với cả thảy 3.081 xe chiến đấu.
Được tặng danh hiệu cận vệ là vinh dự lớn lao đối với mọi quân nhân Liên Xô. Quân đội Nga ngày nay không đặt vấn đề tặng danh hiệu cận vệ. Tuy nhiên, các đơn vị đã được phong vẫn duy trì danh hiệu này.