Giải mã tình trạng 'giằng co' trên thị trường chứng khoán Mỹ

Mặc dù phục hồi nhẹ vào phiên giao dịch cuối tuần, song thị trường chứng khoán Mỹ vẫn ghi nhận một tuần giảm điểm, giữa bối cảnh giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất nhiều hơn so với dự báo trước đó.

Ảnh minh họa: THX/ TTXVN

Ảnh minh họa: THX/ TTXVN

Tuần giao dịch ngắn ngày của Phố Wall khởi đầu khá ảm đạm vào phiên giao dịch ngày 5/9 (thị trường đóng cửa nghỉ Lễ Lao động ngày 4/9), khi giá dầu tăng cao và lãi suất trái phiếu kho bạc Chính phủ Mỹ cũng tăng.

Số liệu về lĩnh vực dịch vụ mạnh hơn dự kiến gây lo ngại lạm phát vẫn cao đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng, qua đó tạo áp lực giảm giá đối với ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch liền sau đó.

Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ ngày 6/9 công bố số liệu cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng của lĩnh vực phi chế tạo tăng lên 54,5 trong tháng trước, so với mức dự báo 52,5.

Thị trường biến động bất nhất vào phiên 7/9 trước khi đảo chiều đi lên trong phiên cuối tuần này (ngày 8/9). Giới phân tích cho rằng nhân tố chính tác động đến thị trường trong những phiên gần đây là tâm lý lo ngại rằng Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ tiếp tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Các số liệu kinh tế khả quan gần đây của Mỹ đã xoa dịu những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế trong ngắn hạn, nhưng lại làm gia tăng khả năng Fed có thể nâng lãi suất hơn nữa. Ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, cho rằng dù lạm phát “đang đi đúng hướng”, nhưng các nhà hoạch định chính sách không loại trừ khả năng phải tiếp tục tăng lãi suất.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/9, chỉ số S&P 500 tăng 0,14%, lên 4.457,49 điểm, dứt chuỗi 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Chỉ số Dow Jones tăng 75,86 điểm (tương đương 0,22%) lên 34.576,59 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite nhích nhẹ 0,09%, lên 13.761,53 điểm.

Tuy nhiên, cả ba chỉ số chính đều khép lại tuần qua với đà giảm. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt mất 1,3% và 1,9%, đánh dấu tuần sụt giảm đầu tiên trong ba tuần. Trong khi đó, Dow Jones giảm 0,8% trong tuần qua.

Nhóm cổ phiếu năng lượng tăng vọt vào phiên cuối tuần khi giá dầu nối dài đà tăng gần đây. Những cổ phiếu nổi bật bao gồm Marathon Petroleum và Phillips 66, đều tăng giá 3%. Giá cổ phiếu Valero Energy tiến 4%.

Một số cổ phiếu công nghệ gặp khó khăn trong những phiên gần đây đã tìm lại được vị thế. Sau 2 phiên giảm, giá cổ phiếu của Apple tiến 0,4%, trong khi giá cổ phiếu Microsoft và Salesforce đều tăng 1%.

Nhà đầu tư có thể cảm thấy thoải mái hơn khi không có thông tin xấu trong phiên ngày 8/9, sau một loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ hơn dự báo trong tuần này.

Dữ liệu kinh tế gần đây, bao gồm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu thấp hơn dự báo, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng lãi suất sẽ tiếp tục được tăng. Tính đến ngày 8/9, theo công cụ Fed Watch của CME Group, nhà đầu tư dự báo hơn 40% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 11, sau khi tạm dừng trong tháng 9.

Yung-Yu Ma, chiến lược gia về đầu tư tại BMO Wealth Management cho biết, những yếu tố này, cùng với dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang hoạt động tốt bất chấp lãi suất tăng, đang góp phần tạo ra tình trạng giằng co trên thị trường chứng khoán.

Minh Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/giai-ma-tinh-trang-giang-co-tren-thi-truong-chung-khoan-my-20230909124126001.htm