Giai đoạn 2010-2020: Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản đạt 8,6 tỷ USD
y là thông tin được đại diện Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công bố tại Hội nghị Tổng kết chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Trong những năm qua, ngành kinh tế thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Dương
Trong giai đoạn 2010-2020, giá trị sản xuất ngành Thủy sản đạt tăng trưởng 5,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần; kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình 6,1%/ năm. Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác 3,77triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản đạt 8,6 tỷ USD đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy
Nguồn lợi kinh tế từ Thủy sản là rất lớn. Ảnh TL
Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, tạo công văn việc làm cho khoảng hơn 4 triệu người dân, đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ở các tỉnh ven biểnvà trong nội địa. Trong đó, đa dạng sinh học biển, trọng tâm là các hệ sinh thái biển có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, bảo vệ các hệ sinh thái biển là một nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia, vùng lãnh thổ mà đã trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng, là nhiệm vụ chung của toàn thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, suy thoái các hệ sinh thái và môi trường sống của loài thủy sản; tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra, sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất cấm, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cả ngoài biển và trong vùng nội địa, chịu sức ép lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế và du lịch.
Đại diện Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị tham dự hội nghị. Ảnh: Hoàng Dương
Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đối với ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 phê duyệt Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với mục tiêu chung là bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; góp phần phát triển kinh tế thủy sản, cải thiện sinh kế cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển và nội đồng.
Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành và tổ chức thực hiện hệ thống các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ đã chỉ đạo, thực hiện lập quy hoạch chi tiết toàn bộ 16 khu bảo tồn biển và bàn giao cho các địa phương để thành lập theo thẩm quyền. Bộ đã chỉ đạo, triển khai hàng loạt các dự án về điều tra nguồn lợi hải sản và các hệ sinh thái cửa sông, ven biển, ven đảo, đầm phá và trong vùng nội địa, thả giống tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản đạt hơn 400 triệu con giống cá loài có giá trị kinh tế, loài bản địa, (từ năm 2012 đến năm 2020) và xu hướng tăng liên tục từ năm 2010 đến nay; ban hành danh mục 47 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn để bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống.
Sau khoảng 10 năm triển khai thực hiện 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống khu bảo tồn biển đã được thiết lập với 12/16 khu bảo tồn biển được thành lập và đã bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả, việc điều tra nguồn lợi thủy sản được thực hiện làm cơ sở để hoạch định chính sách phát triển, xây dựng các quy định pháp luật về khai thác, bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản cả ở ngoài biển và trong vùng nội đồng. Những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ duy trì, bảo vệ các hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập công đồng ngư dân, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo quốc gia.
Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ; nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua và định hướng nhiệm vụ, giải pháp công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản trong giai đoạn 2021-2030; để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020.
Đây là cơ hội tốt để các Bộ, ngành, địa phương, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề hạn chế tồn tại, những bài học kinh nghiệm, những giải pháp quản lý để giúp quản lý hiệu quả khai thác, bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó có hệ thống khu bảo tồn biển quốc gia.