Giấc mơ trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu của Việt Nam
Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang ôm giấc mơ trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu…
Có thể thấy, công nghiệp bán dẫn đang là một trong những ngành công nghiệp đặc biệt hấp dẫn nhiều quốc gia lớn mạnh. Hiện tại, các trung tâm đứng đầu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu có mặt tại Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Những quốc gia này đều mạnh về công nghiệp điện tử và viễn thông.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã diễn ra trong khoảng thời gian dài và trọng tâm của nó trong một thập kỷ trở lại đây là một cuộc chiến về công nghệ. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định tại Hội thảo hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn rằng, cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang xoay quanh chip bán dẫn, công nghệ bán dẫn sẽ làm chủ tương lai, thấy được sức nóng của hệ sinh thái sản phẩm bán dẫn, các quốc gia trên thế giới đều đang đầu tư vào ngành công nghiệp này với nhiều tham vọng.
Chuỗi giá trị bán dẫn đang có xu hướng chuyển dịch sang các nước Đông Nam Á. Cũng như các quốc gia láng giềng Malaysia hay Thái Lan, Việt Nam đang được đánh giá là một trung tâm bán dẫn đầy tiềm năng. Mặc dù cơ hội để phát triển ngành này rất lớn, tuy nhiên những thách thức, khó khăn cũng không nhỏ.
GIẤC MƠ TRUNG TÂM BÁN DẪN TOÀN CẦU
Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn đánh giá Việt Nam có những yếu tố cần và đủ để phát triển công nghiệp bán dẫn. Nhiều ông lớn trong ngành sản xuất bán dẫn quốc tế như Samsung, Intel, Qualcomm, Infineon và LG đang có nhiều dự án lên tới hàng tỷ USD nhằm đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp chip bán dẫn tại Việt Nam.
Ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam được dự báo sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn trên toàn cầu.
Tại Hội thảo hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong năm 2023, nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới trị giá 1,6 tỷ USD của Amkor đã khánh thành tại Bắc Ninh.
Cùng với đó, ông lớn Intel đã tiến hành đầu tư 4 tỷ USD để mở rộng nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM. Gã khổng lồ Samsung cũng đã đầu tư vào dự án xây dựng trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội.
Công ty BE Semiconductor Industries N.V (BESI) tới từ Hà Lan có dự định rót 4,9 triệu USD nhằm đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất cho khu công nghệ cao TP.HCM và dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động trong quý 1/2025.
Điểm đáng chú ý trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023 là các doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn như Cadence, Nvidia và Synopsys đã cam kết hợp tác với Việt Nam ở khâu thử nghiệm và đóng gói trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn.
Động thái trên của các ông lớn bán dẫn là một cơ hội lớn để Việt Nam có thể xây dựng và phát hiện hạ tầng cũng như nguồn nhân lực phục vụ hoạt động thử nghiệm và đóng gói. Chính phủ đã ban hành chỉ đạo, dự kiến đến năm 2030, đặt mục tiêu đào tạo thêm 50.000 kỹ sư bán dẫn.
Một trong những “điểm cộng” của Việt Nam trong mắt các doanh nghiệp bán dẫn là mức chi phí lao động rẻ, giao động từ 3.100 USD đến 3.800 USD/người/năm, thấp hơn mức chi phí cho nhân công tại Malaysia hay Thái Lan. So với các quốc gia láng giềng, Việt Nam đang là một sự lựa chọn mang tính kinh tế hơn.
CÒN NHIỀU TRỞ NGẠI
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Việt Nam cần kết hợp đầu tư cho đào tạo nhân lực và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam để phát triển thị trường bán dẫn trong nước. Bởi lẽ, dù có nhiều lợi thế trong công nghệ bán dẫn nhưng tỷ trọng đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực này với toàn cầu là không đáng kể.
Nói về hoạt động mở rộng nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, có đủ điều kiện và năng lực để đào tạo thêm nhiều kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn, tuy nhiên, về chất lượng vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa cung và cầu.
Trong 134.000 sinh viên đầu vào ngành kỹ thuật mỗi năm, chỉ có khoảng 1.400 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghiệp bán dẫn, chỉ bằng 1% sinh viên đầu vào ngành kỹ thuật. Như vậy, cần phải có một môi trường đào tạo “khủng” để có thể đáp ứng mục tiêu 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Bàn về vấn đề nhiều nhân lực trong ngành kỹ thuật nhưng lại ít lượng người phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã dẫn câu nói của CEO Nvidia, Jensen Huang, Việt Nam có 1 triệu người làm công nghệ thông tin nếu chuyển đổi sang thành 1 triệu người làm bán dẫn thì Việt Nam sẽ đi nhanh hơn rất nhiều.
Ngoài khó khăn về việc thực hiện mục tiêu đã đề ra trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, Việt Nam còn đối mặt với thách thức lớn nhất là khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển.
Doanh nghiệp Việt thường vấp phải khó khăn trong việc đàm phán quyền sử dụng công nghệ do chi phí cao và các yêu cầu pháp lý phức tạp. Bởi vậy, chủ tịch FPT đưa ra nhận định, Việt Nam cần có chiến lược ngoại giao tổng lực cho ngành bán dẫn để nắm bắt cơ hội ngàn năm có một” Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT.
Một khó khăn nữa mà ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng và các ngành công nghiệp khác nói chung là kỹ năng và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại thị trường Việt còn thiếu và yếu về việc quản lý, vận hành hiện đại. Đặc biệt là trong việc quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường sử dụng các phương pháp quản lý và vận hành chuỗi cung ứng thủ công, truyền thống, dẫn đến hiệu quả thấp, chi phí đội lên cao và thiếu tính linh hoạt. Điều này tạo nên một trở ngại lớn trong việc tiệm cận với các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu trên thế giới.