Giá vàng tăng dựng đứng, mua vào hay bán ra?

Rạng sáng ngày 30/11, giá vàng thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đứng ở mức 2.045 USD/ounce. Trong khi vàng trong nước giảm từ mức đỉnh 74,6 triệu đồng/lượng do lực bán tăng cao.

Vàng trong nước trái chiều với thế giới

Giá vàng thế giới bước sang ngày tăng thứ 5 liên tiếp, khi xung lực tăng được củng cố trong bối cảnh đồng USD giảm giá mạnh xuống đáy 3 tháng rưỡi vì kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất chiến dịch tăng lãi suất.

Ảnh minh họa

Kỳ vọng này được củng cố mạnh mẽ vào ngày thứ Tư nhờ phát biểu của một quan chức Fed. Thống đốc Fed Christopher Waller bày tỏ tin tưởng rằng chính sách tiền tệ “hiện đã đạt tới trạng thái phù hợp” để đưa nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và lạm phát quay trở lại mốc 2%. Nhận định này được ông Waller đưa ra trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed vào ngày 12-13/12/2023, cuộc họp cuối cùng của Fed trong năm nay.

Giá vàng đang ở ngưỡng cao nhất kể từ cuối tháng 5/2023. Mức giá kỷ lục mọi thời đại của vàng là gần 2.075 USD/ounce thiết lập vào tháng 8/2020 - theo dữ liệu từ Trading Economics.

Trong khi đó chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế còn dưới 102,6 điểm, giảm khoảng 4,5 điểm so với hồi đầu tháng 11.

Cuối ngày 29/11, giá vàng miếng SJC trong nước có phần giảm nhiệt xuống 72,4 triệu đồng/lượng (mua vào)- bán ra 72,6 triệu đồng/lượng. Trước đó đầu ngày giá vàng SJC tăng vọt lên đỉnh lịch sử 74,6 triệu đồng. Sau đó quay đầu giảm 800.000 đồng khi về gần cuối ngày. Dù vậy tính chung cả ngày giá vàng miếng vẫn tăng tới gần 3 triệu đồng/lượng.

Vàng trong nước hạ nhiệt trong khi thế giới vẫn tăng là do nhiều người đã mang vàng đi bán chốt lời trong những ngày gần đây.

Giá vàng miếng SJC vẫn duy trì khoảng cách cao hơn quốc tế 13,8 triệu đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch mua vào bán ra lên tới 1,2 triệu đồng/lượng so với 1 triệu đồng của ngày trước đó. Trong bối cảnh giá vàng biến động nhanh như hiện nay, các doanh nghiệp phải nới khoảng cách để tránh rủi ro. Hiện, người dân vẫn có xu hướng bán vàng ra nhiều hơn mua vào.

Giá vàng trong nước có thể lên 75 triệu đồng/lượng

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, hiện các thị trường đang chao đảo. Thị trường chứng khoán rơi điểm mạnh, tiền gửi ngân hàng có mức lãi suất thấp kỷ lục, còn bất động sản cũng đang khó khăn. Có thể thấy, các thị trường tài chính đang khó khăn, ngoại trừ thị trường vàng đang gặp trợ lực lớn, và từ đó đẩy giá vàng lên.

Về dài hạn, Giám đốc toàn cầu về ngân hàng trung ương tại Hội đồng Vàng Thế giới Shaokai Fan nhận định, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam cùng sự gia tăng giá trị tài sản sở hữu của mỗi cá nhân, tương lai của thị trường vàng Việt Nam rất triển vọng.

TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo, trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể đạt 2.050 USD/ounce và giá vàng trong nước có thể tăng lên 75 triệu đồng/lượng. Dù vậy, việc đẩy chênh lệch mua vào - bán ra quá cao có nghĩa các đơn vị kinh doanh vàng đang đẩy rủi ro cho người mua vàng. Khi nhà đầu tư quyết định mua vàng sẽ phải mua với giá cao, nhưng khi bán lại cho các đơn vị này lại phải giao dịch với giá thấp", ông Hiếu cho biết.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam cho rằng, những ai đang nắm vàng, nếu muốn bán nên chờ bán ở mức giá tốt hơn. Còn với những người muốn đầu tư, việc mua vàng hiện nay có thể rủi ro vì giá tuy đang trong xu thế tăng nhưng cũng có thể giảm bất cứ lúc nào, chưa kể chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang cao (gần 14 triệu đồng/lượng).

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-vang-tang-dung-dung-mua-vao-hay-ban-ra.html