Gia tăng bệnh do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt
Diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trong gần 1 tuần qua khiến đời sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Cùng với đó, các bệnh liên quan đến yếu tố thời tiết có xu hướng gia tăng.
Do nắng nóng, số lượt bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tăng gấp đôi so với ngày thường.
Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn có 7 khoa lâm sàng, bình quân mỗi ngày có khoảng 120 - 150 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Bác sỹ Bùi Văn Luyến, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Mặc dù đang trong diễn biến dịch Covid-19, nhưng thời gian này, số lượt bệnh nhân nội trú không giảm. Chú trọng phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm đảm bảo việc phân luồng, cách ly ngay từ cổng ra, vào. Các khoa, phòng tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc "5K". Do tình hình nắng nóng cực đoan, đơn vị đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tăng cường các biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Lưu ý những trường hợp đến khám, điều trị bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng như tiêu chảy, say nắng, sốc nhiệt phải được ưu tiên xử trí kịp thời. Nếu bệnh nhân có biểu hiện nặng, cơ sở y tế sớm thông tin về đơn vị để được hỗ trợ hoặc vận chuyển người bệnh đến bệnh viện tuyến trên.
Khoảng 14h ngày 26/5, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tiếp nhận trường hợp cụ ông Doãn Đăng Kh, 85 tuổi, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng ho, tức ngực, mệt mỏi, kém ăn. Theo bác sỹ Chu Thị Huyền, phụ trách Khoa Khám bệnh, bệnh nhân Doãn Đăng Kh gặp phải đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh liên quan đến thời tiết thay đổi thất thường. Quá trình điều trị phải dùng thuốc cắt cơn liều lượng cao, kinh phí tốn kém, người nhà phải túc trực chăm sóc.
Qua ghi nhận tại Khoa Hồi sức cấp cứu (BVĐK tỉnh) trong 1 tuần qua, số ca bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng tăng gấp đôi so với trước. Bác sỹ Chu Xuân Khánh, Phó trưởng khoa cho biết: Mỗi ngày có 8 - 10 ca điều trị, có ngày trên 10 ca, chủ yếu là các ca bệnh lý nền bị tác động thời tiết nắng nóng đột ngột, dẫn đến tình trạng chảy máu não, tắc mạch máu não, suy tim, tăng huyết áp... Trước đó, tại khoa đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân nữ trên 40 tuổi bị say nóng, say nắng trong quá trình làm đồng dẫn đến suy kiệt, hôn mê, phải hồi sức để cải thiện.
Lao động, làm việc trong điều kiện thời tiết ngoài trời nắng nóng khắc nghiệt cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bệnh lý thường gặp mùa hè, kể cả đối với những người khỏe mạnh. Hệ thống y tế cơ sở trong thời gian này tiếp nhận khá phổ biến các trường hợp bệnh nhân bị cảm nắng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, khó thở do thời tiết. Bệnh tật liên quan đến mùa nắng nóng đồng thời gia tăng ở hầu hết các địa phương.
Bác sỹ Trương Như Hiển, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh khuyến cáo: Thời tiết nắng nóng đầu mùa khiến cơ thể chưa kịp thích nghi, dẫn đến mắc một số bệnh. Chế độ ăn uống mùa hè không đảm bảo vệ sinh, ăn các loại thực phẩm chưa được nấu chín, hoặc để quá nhiều giờ không được bảo quản cũng dễ mắc tiêu chảy (rối loạn tiêu hóa) hoặc ngộ độc thực phẩm. Điều kiện nắng nóng, nhất là trong cao điểm từ 10 - 17h, những người lao động làm việc ngoài trời, trẻ em chơi đùa, người tắm sông, suối, ao, hồ, biển... rất dễ say nắng, say nóng do cơ thể mất nước nhiều, rối loạn nghiêm trọng về điều hòa thân nhiệt.
Lưu ý với những người có cơ địa yếu, người mắc bệnh mạn tính phải uống thuốc đầy đủ, hạn chế dùng các chất kích thích bia, rượu và tuyệt đối tránh thời tiết nắng, nóng. Người dân khi đi ra khỏi nhà cần trang bị mũ, nón, áo chống nắng đầy đủ. Không tắm sông, suối, biển, ao, hồ lúc nắng gắt, nhất là buổi trưa, xế chiều. Không dùng quạt gió với tốc độ lớn, xoáy vào người, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi. Nếu dùng máy lạnh nên để ở nhiệt độ vừa phải (25 - 260C) và không nên vào phòng máy lạnh ngay khi vừa đi ngoài nắng về. Quan tâm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường để phòng bệnh về đường tiêu hóa do nhiễm vi khuẩn và nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm.