Gia Lai đẩy mạnh áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai chú trọng áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hệ thống này còn góp phần bảo đảm chất lượng, tính an toàn của hàng hóa.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu thế tất yếu và là giải pháp quản lý nhằm tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Để đảm bảo cơ sở cho niềm tin của người tiêu dùng, các tổ chức, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi đưa ra thị trường.

Nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ quản lý truy xuất nguồn gốc, Sở KH-CN đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức hội thảo, tập huấn và ban hành các văn bản hướng dẫn ứng dụng hệ thống này đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể.

Theo thống kê của Sở KH-CN, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO 9001, ISO 22000, HACCP... và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất có áp dụng thực hành sản xuất tốt. Trong đó, việc truy vấn thông tin về nguồn gốc áp dụng mã vạch GS1 (GS1 code) của Tổ chức mã số, mã vạch quốc tế ước tính có 250 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể có sản xuất sản phẩm đóng gói sẵn và 25 đơn vị đã triển khai áp dụng tem truy xuất xuất xứ thông qua ứng dụng QR code.

Tất cả sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Ngọc Thu

Tất cả sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Ngọc Thu

Ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Hiện nay, 100% sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo theo tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cũng như đáp ứng yêu cầu của thị trường và quy định của nhà nước. Việc sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc thông qua các ứng dụng công nghệ số hóa sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất; đảm bảo uy tín, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc thể hiện bằng việc được dán mã QR hoặc mã vạch. Hội đồng đánh giá các cấp khi chấm điểm sẽ sử dụng thiết bị quét và kiểm chứng thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm để kiểm tra tính hợp lệ. Sản phẩm có đầy đủ mã vạch và mã QR hoàn toàn đáp ứng được khả năng truy xuất các thông tin: tên sản phẩm, số lượng của lô sản phẩm đã sản xuất, ngày sản xuất của lô sản phẩm, hạn sử dụng đối với sản phẩm... Đối với nhà sản xuất sẽ công khai minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, nâng cao uy tín và thương hiệu, quản lý dòng sản phẩm tiêu thụ, quảng bá sản phẩm kinh doanh, thông tin khuyến mãi đến người tiêu dùng, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển”.

Sở KH-CN tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Ngọc Thu

Sở KH-CN tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Ngọc Thu

Tùy theo từng ngành nghề, các doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng một hệ thống quản lý hoặc tích hợp nhiều hệ thống quản lý và công cụ cải tiến để tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế như: Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, Hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Hệ thống quản lý an toàn thông tin ISO 27000, Hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp ISO 45001, Hệ thống quản lý chất lượng cho sản xuất thiết bị y tế ISO 13485, VietGAP, GlobalGAP và các công cụ cải tiến như 5S, Lean và Lean 6 sigma, TPM…

Tuy nhiên, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn thống nhất; đồng thời, thiếu các quy định cụ thể đối với việc khai báo, giám sát, đảm bảo thông tin truy xuất nguồn gốc… và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: “Thời gian đến, Sở KH-CN sẽ phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn nhằm phổ biến kiến thức về truy xuất nguồn gốc cho mọi đối tượng có liên quan. Đồng thời, xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho một số chuỗi sản xuất, cung ứng làm cơ sở để học tập và nhân rộng. Mặt khác, từ các hội thảo, tập huấn, Sở KH-CN sẽ tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, đại biểu, từ đó đề xuất và tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong nâng cao năng suất, chất lượng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”.

NGỌC THU

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202011/gia-lai-day-manh-ap-dung-he-thong-truy-xuat-nguon-goc-hang-hoa-5712181/