Gấu đỏ biến hình vui nhộn và nhân văn

Tác phẩm Gấu đỏ biến hình rất hài hước của Disney và Pixar kể về Meilin - một cô bé bước vào giai đoạn trưởng thành với sự bốc đồng, mâu thuẫn không thể tránh khỏi với phụ huynh. Oái ăm là mỗi khi Mei 'tăng động', cô sẽ biến thành một con gấu đỏ khổng lồ siêu vui nhộn!

Gấu đỏ biến hình dành cho trẻ em lẫn người lớn

Gấu đỏ biến hình dành cho trẻ em lẫn người lớn

* “Mẹ nói con hư hỏng hả?”

Đạo diễn Gấu đỏ biến hình là Domee Shi, thuộc thế hệ 8X (sinh năm 1987). Nữ đạo diễn người Canada gốc Á này đã “ôn lại quá khứ” thế hệ của chị với những trải nghiệm trước đây để có cảm hứng xây dựng chuyện phim với bối cảnh những năm 2000 ở TP.Toronto (Canada). Điều này thể hiện rõ nét ở nhạc phim và phong trào hâm mộ các boyband (nhóm nhạc toàn nam) trên thế giới bấy giờ như Backstreet Boys và N’SYNC.

Xưởng vẽ Pixar ít khi làm người xem thất vọng về những kiệt tác chất lượng lẫn giàu ý nghĩa nhân văn như: Vút bay (Up), Rô-bốt biết yêu (WALL-E), Hội ngộ diệu kỳ (Coco) hay Cuộc sống nhiệm màu (Soul)… Năm 2021, bộ phim Mùa hè của Luca cho thấy xu hướng ngày càng “trẻ hóa” nhân vật tuổi thiếu niên của Pixar. Gấu đỏ biến hình (Turning red) ra mắt năm 2022 này tiếp tục minh chứng xu hướng này với vai diễn chính là một cô bé 13 tuổi.

Meilin (gọi tắt là Mei - do diễn viên Rosalie Chiang lồng tiếng) là cô bé ngoan ngoãn trong gia đình, học giỏi ở trường. Song đến tuổi vị thành niên, tâm sinh lý, sở thích của cô thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt cô không còn muốn người mẹ Ming (Sandra Oh lồng tiếng) của mình lúc nào cũng bảo bọc và ở bên cạnh cô mọi lúc mọi nơi. Mei bắt đầu tự tin và có những ngổ ngáo, muốn thoát khỏi sự kềm cặp của mẹ để tự do… rung động đầu đời, tự do đi xem nhóm nhạc thần tượng 4*Town biểu diễn cùng chúng bạn đồng trang lứa theo ý mình.

Chưa hết, mỗi khi có tâm lý quá phấn khích, cơ thể Mei biến hình thành gấu đỏ, có những hành động cười ra nước mắt, gây không ít xáo trộn cho cô bé lẫn môi trường xung quanh từ nhà đến trường. Trên hết mọi tình tiết, Mei muốn trở thành một người có cá tính, hăm hở bước ra xã hội rộng lớn bên ngoài cửa nhà và sống cuộc đời độc đáo. Khán giả có thể cười lăn khi nghe cô bé “trả treo” với mẹ vừa ngổ ngáo, vừa đáng yêu kiểu tâm lý “trẻ trâu” ví dụ như: “Mẹ nói con hư hỏng hả? Mẹ chưa thấy con hư hỏng đâu!”.

* Chia sẻ cùng con

Sự phản ứng, thậm chí “nổi loạn” của tuổi mới lớn như Mei âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đây là lúc hơn bao giờ hết, các bậc phụ huynh như mẹ Ming phải gần gũi con em và có sự thấu cảm để giúp con phát triển tốt nhất và tránh “lầm đường lạc lối”. Mọi sự cứng nhắc, giáo điều, áp đặt con thiếu tinh tế đều rất dễ mang lại hậu quả đáng tiếc và khiến con “xanh lá” (từ nói lái vui trên mạng thường dùng cho ý nghĩa xa lánh) với cha mẹ. Thật vậy, điều nhân vật Mei cần trong giai đoạn “trổ giò” là sự chia sẻ chứ không phải phán xét, là sự tôn trọng thế hệ chứ không phải những lời chê bai, đe nẹt hay quản lý quá chặt “tất tần tật” từ phụ huynh.

Những ai đã qua thời trưởng thành hẳn ít nhiều thấy bóng dáng mình trong nhân vật cô bé Mei khi ngày xưa, chúng ta từng có những lần phải “đấu tranh tư tưởng” chọn lựa giữa việc làm điều mình thích dù có thể trái ý phụ huynh, chọn sự vâng lời gia đình dẫu bạn bè sẽ “cười chê” hay trách cứ. Những phụ huynh xem Gấu đỏ biến hình sẽ hiểu giáo dục con không phải là kiểm soát, o ép con theo ý mình mà là giúp con hiểu chuyện tốt xấu, đúng sai bằng sự nhẹ nhàng thấu hiểu và phân tích lý lẽ bằng tình thương.

Người mẹ Ming sợ cô con gái Mei chọn sai con đường đến nỗi bà quên mất việc để con gái mình tự lựa chọn. Cuộc xung đột giữa hai mẹ con tạo nên điều cốt lõi cảm xúc cho bộ phim và cao trào đỉnh điểm vẫn là tình cảm gắn bó mật thiết giữa hai người. Một khán giả xem Gấu đỏ biến hình đã nhận xét rằng: “Bộ phim là một gợi ý cho các ông bố bà mẹ về cách sống và trưởng thành cùng con của mình, giúp chúng vượt qua giai đoạn tuổi dậy thì đầy biến động và nhận ra nhiều điều để mình không trở nên ngày càng xa cách, mất kết nối với con”.

Thuộc thể loại phim hành trình trưởng thành (coming-of-age), Gấu đỏ biến hình dành cho trẻ em, thanh thiếu niên lẫn người lớn (nhất là các bậc phụ huynh) đều xem được và cảm nhận thông điệp nhân văn của tác phẩm. Tác phẩm hoạt hình 3D của Pixar tiếp tục hấp dẫn trước hết từ chất lượng hình ảnh cực kỳ sắc nét và sinh động, sau là ý nghĩa giáo dục gia đình và tuổi mới lớn rất hay từ chuyện phim. Bộ phim nhận rất nhiều lời khen từ giới phê bình: “Một bộ phim ấm áp và vui vẻ” (trang Cinemablend); “Một câu chuyện cảm động về những hồi ức tuổi thanh xuân lắng đọng nhất của bạn” (trang Rappler)…

Cẩm Điệp

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202203/gau-do-bien-hinh-vui-nhon-va-nhan-van-3107748/