Gặp khó với quy định mua trực tiếp từ nông dân mới được khấu trừ thuế

Để được khấu trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì các công ty kinh doanh xuất khẩu thu mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân phải lập bảng kê thông tin từng hộ nông dân bán lúa, số lượng, giá lúa…

Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cho biết, hiện nay cơ quan thuế yêu cầu các doanh nghiệp muốn được khấu trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì phải lập bảng kê khai theo mẫu số 01/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 78/2014 của Bộ Tài chính về thu mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân. Trong khi các doanh nghiệp thường mua lúa gạo qua trung gian là các thương lái, nhưng nếu mua từ thương lái có lập bảng kê thì không được cơ quan thuế chấp nhận.

Khó mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân

Ông Đinh Minh Tâm, Phó giám đốc Công ty gạo Cỏ May cho biết, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp chế biến và kinh doanh lương thực phải kê khai mua trực tiếp từ nông dân khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì hoạt động thu mua lúa gạo nguyên liệu ở ĐBSCL không thể thiếu đội ngũ các thương lái.

Nguyên nhân các vùng trồng lúa của nông dân ở ĐBSCL di chuyển chính bằng các ghe thuyền trên kênh, rạch, doanh nghiệp không thể đủ nhân lực, vật lực để đi thu mua lúa gạo.

“Hơn nữa, số lượng lúa của từng hộ nông dân nhỏ lẻ, thời gian thu mua lúa gạo mỗi vùng mỗi khác, do đó, thương lái là lực lượng thu mua lúa gạo không thể thiếu được. Họ có kinh nghiệm về lúa, vùng trồng, am hiểu rất nhiều về giống lúa, về thời tiết, về thời gian sấy, nơi xay xát đạt yêu cầu. Và thương lái còn có sẵn phương tiện chuyên chở, họ có thể trụ tại vùng trồng vài ngày để mua được hàng” – ông Tâm chia sẻ.

 DN gặp khó với quy định thu mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân mới được lập bảng kê khấu trừ khi tính thuế thu nhập. Ảnh: QH

DN gặp khó với quy định thu mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân mới được lập bảng kê khấu trừ khi tính thuế thu nhập. Ảnh: QH

Nếu phải mua trực tiếp từ nông dân thì doanh nghiệp không thể có đủ nhân lực do có rất nhiều vùng trồng, ở nhiều địa phương khác nhau. Trong khi đó nếu thông qua thương lái thì trong một ngày doanh nghiệp dễ dàng thu mua lúa gạo số lượng lớn từ 500 tấn – 1.000 tấn.

Ngoài ra, nếu mua trực tiếp từ nông dân, doanh nghiệp làm sao có thể đi đến từng hộ nông dân để đặt cọc, rồi sau đó còn phải theo dõi nhận hàng, trừ cấn cọc vì như vậy sẽ khiến doanh nghiệp tăng thêm rất nhiều chi phí cho bộ máy nhân sự thực hiện.

Theo ông Tâm, trước đây, các doanh nghiệp mua lúa qua thương lái vẫn làm bảng kê đầy đủ thông tin các thương lái, số lượng lúa gạo mua, giá mua, chữ ký… Nhưng hiện cơ quan thuế không chấp nhận, yêu cầu lập bảng kê khai đối với trường hợp mua trực tiếp từ nông dân mới được khấu trừ thuế.

Đại diện một công ty xuất khẩu gạo tại An Giang cũng cho biết, từ trước tới nay công ty vẫn thu mua lúa gạo chủ yếu từ thương lái. Các thương lái này, nhiều người cũng có trồng lúa vừa đi thu mua lúa bán lại cho doanh nghiệp.

“Kê khai thương lái thì thực chất cũng là gián tiếp thu mua lúa từ nông dân, không thể quy định cứng nhắc phải là trực tiếp từ nông dân. Một hộ nông dân có ngày thu hoạch vài tấn lúa, một thương lái phải đi gom cả mấy chục hộ mới được mấy chục tấn bán cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp mua lúa trực tiếp từ nông dân thì vừa tốn thời gian, nhận lực, tốn thêm nhiều chi phí. Trong khi thương lái là trung gian không thể thiếu của bất cứ ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nào”- đại diện công ty này chia sẻ.

 Theo ý kiến chuyên gia thuế, các doanh nghiệp cần hỗ trợ các thương lái đăng ký cá nhân kinh doanh, nộp thuế thu nhập cá nhân chỉ 0,5% cho họ luôn. Ảnh: QH

Theo ý kiến chuyên gia thuế, các doanh nghiệp cần hỗ trợ các thương lái đăng ký cá nhân kinh doanh, nộp thuế thu nhập cá nhân chỉ 0,5% cho họ luôn. Ảnh: QH

Cần hướng dẫn cho thương lái đăng ký cá nhân kinh doanh

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia lĩnh vực thuế cho biết, theo quy định Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trong trường hợp doanh nghiệp thu mua nông sản trực tiếp từ nông dân, phải có bảng kê thông tin nông dân, số lượng, giá lúa... thì coi như là hóa đơn chứng từ hợp lệ. Khi đó, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo sẽ được khấu trừ vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nếu trong trường hợp, doanh nghiệp mua nông sản từ thương lái thì phải có hóa đơn, nếu thương lái không có hóa đơn, cũng không có bảng kê thông tin nông dân bán lúa thì coi như không có chứng từ hóa đơn hợp lệ. Như vậy, doanh nghiệp mua lúa từ thương lái trong trường hợp này sẽ không được khấu trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp gặp khó trong việc thu mua nông sản như lúa trực tiếp từ nông dân mà phải thông qua thương lái thì cần thông tin với các thương lái đăng ký cá nhân hoặc hộ kinh doanh với cơ quan thuế. Đồng thời, các thương lái sau khi đăng ký cá nhân kinh doanh khi mua nông sản của nông dân phải lập Bảng kê khai số 01/TNDN quy định kê khai người bán phải là nông dân thu mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân, thì cơ quan thuế mới cấp hóa đơn.

“Mức thuế thu nhập cá nhân kinh doanh mà thương lái phải nộp rất thấp chỉ 0,5%. Nhưng thương lái tâm lý e ngại, không nắm rõ quy định thuế nên không đi đăng ký cá nhân kinh doanh. Do đó, nếu không thể mua lúa trực tiếp từ nông dân thì doanh nghiệp nên thông tin hướng dẫn cho thương lái đi đăng ký cá nhân kinh doanh, thậm chí doanh nghiệp có thể đóng khoản thuế 0,5% trên cho các thương lái”- Luật sư Xoa phân tích.

 Cơ quan thuế cần hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp thu mua lúa gạo nguyên liệu có thể kê khai theo đúng quy định. Ảnh: QH

Cơ quan thuế cần hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp thu mua lúa gạo nguyên liệu có thể kê khai theo đúng quy định. Ảnh: QH

Đồng thời, Luật sư Xoa cho rằng, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo cần cử người xuống hướng dẫn trực tiếp cho thương lái để họ lập bảng kê khai thông tin nông dân theo đúng quy định của cơ quan thuế. Như vậy, được lợi đôi bên, thương lái sẽ làm đầy đủ bảng kê, hóa đơn chứng từ thì khi đó doanh nghiệp mua lúa từ thương lái cũng được khấu trừ chi phí.

Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết, theo đúng quy định mẫu bảng kê mua hàng hóa, dịch vụ mua vào không có hóa đơn được quy định tại mẫu số 01/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 78/2014 của Bộ Tài chính nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp mua trực tiếp hàng hóa từ người sản xuất, khai thác…

Cụ thể như trường hợp mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê 01 và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Như vậy, theo hướng dẫn của cơ quan thuế, để được khấu trừ chi phí khi tính thuế thu nhập thì doanh nghiệp mua trực tiếp lúa gạo từ nông dân phải lập bảng kê 01 mới đúng quy định. Nếu trường hợp doanh nghiệp mua lúa qua thương lái trung gian thì thương lái phải đăng ký cá nhân kinh doanh với cơ quan thuế, đồng thời lập bảng kê 01 thông tin nông dân bán lúa. Khi đó, cơ quan thuế cấp hóa đơn cho thương lái, khi đó doanh nghiệp mua từ thương lái có hóa đơn hợp lệ và được khấu trừ thuế.

Doanh nghiệp gạo kiến nghị nộp thuế thay cho thương lái

Góp ý gỡ khó về quy định trên cho doanh nghiệp, ông Đinh Minh Tâm, Phó giám đốc Công ty gạo Cỏ May cho rằng, nếu cơ quan thuế lo ngại gian lận thất thu thuế thì cần có thông tin hướng dẫn thương lái thực hiện nghĩa vụ thuế. Nguồn thu này quy về một mối là doanh nghiệp thu mua phải nộp thuế thay họ căn cứ trên bảng kê 01/TNDN.

Theo ông Tâm, giá cả mua bán và nộp thuế giữa doanh nghiệp và thương lái do hai bên thỏa thuận, miễn bảo đảm doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế đã khai trên bảng kê theo quy định. Như vậy, giúp thương lái duy trì công ăn, việc làm ổn định, doanh nghiệp cũng thuận lợi thu mua lúa gạo nguyên liệu đảm bảo hoạt động kinh doanh xuất khẩu và ngành thuế vẫn quản lý được nguồn thu mà lâu nay chưa thu được của lực lượng trung gian này.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/gap-kho-voi-quy-dinh-mua-truc-tiep-tu-nong-dan-moi-duoc-khau-tru-thue-post805553.html