Gập ghềnh lộ trình chấm dứt cho vay ngoại tệ
Hoạt động cho vay ngoại tệ của các ngân hàng sẽ đánh dấu thêm cột mốc nữa vào cuối tháng 9 này, khi sẽ có thêm một đối tượng không còn được phép vay ngoại tệ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nữa. Nhân sự kiện này, chúng ta cùng nhìn lại lộ trình hạn chế cho vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm năm qua.
Những lần gia hạn và sự chuyển dịch quan điểm
Ngược dòng thời gian trở về cách đây năm năm, Thông tư số 43/2014/TT-NHNN ban hành ngày 25-12-2014 quy định đối tượng vay ngoại tệ trong nước chỉ gồm các doanh nghiệp có bốn nhu cầu vay vốn sau: doanh nghiệp nhập khẩu; đầu mối nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp xuất khẩu có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay và doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Đáng chú ý, ngoại trừ doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài là được phép vay trung, dài hạn, các doanh nghiệp còn lại chỉ được vay ngắn hạn và việc này sẽ phải kết thúc vào ngày 31-12-2015.
Một năm sau đó, NHNN đã gia hạn việc cho vay ngoại tệ khi ban hành Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8-12-2015, quy định doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ nhờ bán hàng xuất khẩu nhưng lại có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước, không phục vụ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu thì việc vay vốn bằng ngoại tệ sẽ kết thúc vào ngày 31-3-2016; đối với các doanh nghiệp còn lại, vẫn tiếp tục được vay vốn ngoại tệ không có thời điểm kết thúc.
Tuy nhiên, chưa đầy sáu tháng sau đó, NHNN đã mở lại cửa vay ngoại tệ cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu kể trên từ ngày 1-6-2016 đến 31-12-2016, thông qua việc ban hành Thông tư 07/2016/TT-NHNN vào ngày 27-5-2016.
Trước khi kết thúc năm 2016, NHNN ban hành Thông tư 31/2016/TT-NHNN vào ngày 15-11-2016, quyết định gia hạn thêm thời gian vay ngoại tệ cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, kéo dài cho đến hết năm 2017.
Khi chính sách về tỷ giá những năm qua bị hạn chế trong việc hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, do nhiều đồng tiền trong khu vực và các đối tác thương mại chính bị phá giá so với sự ổn định của tiền đồng, hàng Việt ít nhiều bị mất lợi thế cạnh tranh. Chính vì vậy, việc tiếp tục duy trì kênh vay vốn ngoại tệ với chi phí vay rẻ hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu là điều cần thiết.
Điều tương tự cũng lại diễn ra trước khi kết thúc năm 2017, khi vào ngày 27-12-2017, NHNN ban hành Thông tư số 18/2017/TT-NHNN, một lần nữa gia hạn thời gian vay ngoại tệ cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, đến hết năm 2018.
Như vậy, chỉ trong vòng ba năm, NHNN đã có đến bốn lần gia hạn việc cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, cho thấy nhu cầu vốn ngoại tệ của nhóm doanh nghiệp này lớn đến mức nào.
Điều bất ngờ nhất là sau một thời gian liên tiếp gia hạn cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, vào ngày 28-12-2018, NHNN đã ban hành Thông tư số 42/2018/TT-NHNN. Theo quy định mới, các khoản cho vay để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay chỉ được thực hiện đến hết ngày 31-3-2019 đối với vay ngắn hạn và ngày 30-9-2019 đối với vay trung, dài hạn. Theo đó, các khoản vay ngắn hạn đã phải kết thúc vào ngày 31-3 đầu năm nay mà không có bất kỳ quyết định gia hạn nào như nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trước đây, và hạn cuối ngày 30-9 đối với các khoản vay trung dài hạn sẽ đến chưa đầy một tuần nữa.
Cân đo đong đếm các lựa chọn phù hợp
Đầu tiên, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu luôn là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên và ngày càng chiếm tỷ trọng cao so với quy mô GDP trong những năm qua. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu luôn là một trong năm lĩnh vực được ưu tiên khuyến khích phát triển và nhận được nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trong nhiều năm qua, mà lãi suất ưu đãi là một ví dụ.
Trong bối cảnh chính sách bảo hộ thương mại quay trở lại và chiến tranh thương mại ngày càng leo thang, thách thức đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu là khá lớn, đồng thời cơ hội mở ra để chiếm lấy thị phần còn lại cũng không hề nhỏ, vì vậy việc hỗ trợ cho nhóm này càng trở nên cấp thiết để tăng tính cạnh tranh trong thương mại quốc tế.
Đặc biệt, khi chính sách về tỷ giá những năm qua bị hạn chế trong việc hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, do nhiều đồng tiền trong khu vực và các đối tác thương mại chính bị phá giá so với sự ổn định của tiền đồng, hàng Việt Nam ít nhiều bị mất lợi thế cạnh tranh. Chính vì vậy, việc tiếp tục duy trì kênh vay vốn ngoại tệ với chi phí vay rẻ hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu là điều cần thiết.
Với dư nợ cho vay ngoại tệ ước khoảng 27 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 8% trong tổng dư nợ của nền kinh tế mà các số liệu thống kê thường công bố, thì dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu chiếm hơn 40% tổng dư nợ ngoại tệ, đạt khoảng 11 tỉ đô la Mỹ. Đây là con số không hề nhỏ để có thể tất toán dễ dàng.
Ở chiều ngược lại, việc hạn chế vay vốn ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp nhập khẩu lại là điều phù hợp với định hướng điều hành nền kinh tế. Với mục tiêu phát triển tiêu dùng nội địa, ưu tiên người Việt dùng hàng Việt, hạn chế nhập siêu và thu hẹp thâm hụt thương mại với một số đối tác thương mại lớn trong khu vực, thì việc cắt đứt dòng vốn tín dụng ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu là một trong những giải pháp cần thiết.
Hay nói cách khác, các doanh nghiệp nhập khẩu ngoại tệ đã được hưởng lợi không ít từ chính sách vay ngoại tệ với lãi suất thấp suốt một thời gian dài, trong đó không ít doanh nghiệp vay chỉ để ăn chênh lệch lãi suất đô - đồng, thì giờ đây các doanh nghiệp nhập khẩu muốn có ngoại tệ để nhập hàng sẽ buộc phải mua bán đứt đoạn, theo đó phải chủ động có các công cụ hạn chế rủi ro tỷ giá.
Thụy Lê