Gặp cụ ông sinh viên 75 tuổi và khát vọng giúp được nhiều người hơn
Ở tuổi 'thất thập cổ lai hy', cụ ông Ngô Tôn Đức (SN 1945, ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn cắp sách tới trường để kiếm tri thức về luật như bao bạn trẻ đã, đang là sinh viên của Đại học Luật Hà Nội. Quá trình theo học, ông luôn nghiêm túc, cần mẫn trong học tập. Với những nỗ lực ấy, ông Đức trở thành 'tấm gương sáng' cho nhiều người noi theo.
Đi học để mong có thể giúp đỡ nhiều người
Trước mặt tôi là ông cụ quắc thước, vầng trán cao, rộng. Dù đã 75 tuổi nhưng giọng nói của ông Đức vẫn rành rọt, sang sảng. Nhắc về “ngày xưa”, ông Đức vẫn nhớ chi tiết từng sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời của mình. Theo lời kể của ông Đức, sau khi học xong phổ thông, ông thi vào trường Đại học Y Hà Nội. Dù đỗ nhưng ông Đức đành “gác bút nghiên”, lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Sau 8 năm trong quân ngũ, ông Đức chuyển ngành về nhà máy nước Hà Nội công tác. Tuy nhiên, ước ao được học tiếp thôi thúc, ông Đức đã làm hồ sơ, thi vào hệ tại chức của Đại học Bách Khoa. Lúc đó, ông Đức vừa học, vừa làm, vừa cùng vợ chăm sóc con nhỏ. Vất vả là vậy nhưng kết quả học tập của ông vẫn rất tốt. Nhưng rồi, một biến cố lớn đã xảy ra với gia đình ông Đức: người con trai đầu mới được vài tuổi bị sốt cao, co giật rồi “ra đi” sau đó. “4 tháng 3 ngày sau tôi lại mất tiếp đứa con trai thứ hai”, ông Đức ngậm ngùi tâm sự.
Không ai sống mãi với nỗi đau, cuộc sống là phải nhìn về tương lai, thế nên ông Đức tự nhủ bản thân phải cố gắng để vượt qua nỗi đau mất “2 khúc ruột”, trở thành chỗ dựa tinh thần cho người vợ trẻ đã khóc cạn nước mắt. Nén nỗi đau xuống đáy lòng, ông động viên gia đình cố gắng vượt qua mất mát, bước về phía trước. Bản thân ông Đức ngoài lao vào công việc, ông còn lao vào làm đề tài tốt nghiệp Bách Khoa để quên đi nỗi nhớ con. Khi nỗi đau dần nguôi ngoai và để phục vụ cho công việc tại cơ quan mới, ông Đức tiếp tục thi vào Trường Đại học Ngoại thương. Noi gương cha, 3 con gái sau này của ông Đức cũng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương.
Năm 2001, ông Đức được nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia làm việc tại Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội. Tại đây, ông Đức đã làm nhiều công việc xã hội hết sức ý nghĩa để giúp đỡ trẻ em tàn tật: xin kinh phí chữa bệnh, học tập cho các em. Quá trình làm việc, ông mong muốn mình có thể giúp đỡ được nhiều người khác hơn nữa nên tiếp tục đi học. Ngôi trường mà ông chọn là Đại học Luật Hà Nội.
Theo chia sẻ của cụ ông, quá trình làm các công tác xã hội, có rất nhiều người hỏi ông về chuyện đất cát, thừa kế, thủ tục giấy tờ… “Kiến thức thì rộng mà sự hiểu biết của tôi hạn hẹp. Để giúp được nhiều người hơn, tôi nghĩ mình cần phải đi học luật. Vậy là tôi đi để có thể giúp những ai cần tôi”, ông Đức chia sẻ.
Sinh viên già nhất trường
Năm 2018, ông Ngô Tôn Đức trở thành sinh viên văn bằng 1 hệ vừa học vừa làm của trường Đại học Luật Hà Nội. Ông bảo lí do chọn trường luật là vì mong muốn giúp được mọi người biết phân biệt đúng, sai, làm theo pháp luật. Ngoài ra, ông đi học là để “vui, khỏe”. Theo chia sẻ của ông Đức, ông là sinh viên già nhất trường, là ông, là cha mà thua kém các bạn học cùng trường thì ngại lắm. Thế nên, ông luôn tự nhủ nếu không học giỏi hơn thì phải bằng.
1 ngày có 24 giờ, ban ngày ông dành cho công việc, chiều tối ông lại cắp sách lên giảng đường. Trước khi lên lớp, bao giờ ông cũng đọc giáo trình, nghiên cứu tài liệu để tiếp thu kiến thức thầy cô giảng tốt hơn. Về nhà, ông lại đọc lại tài liệu, đọc lại những nội dung giảng viên đã truyền đạt trước đó. “Không bao giờ tôi đi ngủ trước 1, 2 giờ sáng”, ông Đức nói và cho biết mỗi khi có bài tiểu luận, dù đã đi nằm rồi nhưng bản thân ông vẫn đau đáu với nó. Chợt nghĩ ra vấn đề gì, ông Đức lại dậy viết bổ sung vào bài. Nhờ vậy, kết quả học tập của ông Đức tại trường Đại học Luật Hà Nội 2 năm vừa qua luôn đạt ở mức giỏi.
Theo chia sẻ của một số thầy cô đã dạy ông Đức, trên lớp, vị sinh viên già nhất trường luôn chăm chú nghe giảng. Ông là trường hợp đặc biệt “chẳng cần điểm danh” vì luôn đến sớm 15 phút và không lẫn với ai được. Thầy Tạ Quang Ngọc (giảng viên dạy môn Luật Hành chính – Đại học Luật Hà Nội) cho biết: “Bác Đức rất chăm chỉ, nghiêm túc trong học hành. Ở trong lớp, bác ấy rất chăm chú nghe giảng, phần nào chưa hiểu là hỏi ngay. Bác Đức cũng là người tôn sư trọng đạo, trân trọng thầy cô”.
Đồng quan điểm trên, thầy Nguyễn Triều Dương (Phó Trưởng khoa đào tạo đại học – Đại học Luật Hà Nội) còn cho biết bác Đức là tấm gương, là động lực để mọi người học tập và noi theo. “Tôi có dịp tiếp xúc với bác Đức vài lần nhưng rất ấn tượng về tư chất, con người bác Đức. Bác Đức rất quyết tâm học hành. Nguyên nhân bác ấy đi học là để thỏa trí đam mê, kiến thức về luật”, thầy Dương nói.
Đi học, nhận được sự khích lệ, động viên từ thầy cô, gia đình, ông Đức tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để tạo sự khích lệ, động viên thế hệ trẻ trong học tập. “Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học hành cho tới khi “tổ tiên gọi về”. Bằng cử nhân của Đại học Luật Hà Nội sẽ là “tấm vé” để tôi học luật sư, cao học sau này”, ông Đức tâm sự. Tiếp lời ông bảo “tôi của ngày hôm nay sau gần 2 năm học là công của thầy cô trong trường”. Bởi ngoài tâm huyết, kiến thức được truyền đạt lại qua bài giảng, nhiều thầy cô trong trường còn liên tục cho mượn, tặng ông Đức tài liệu, sách hay khi thấy ông ham học .
“Các thầy cô trong trường thực sự tâm huyết. Không tâm huyết thì không giảng bài nhiệt tình, sâu sắc đâu. Đây chính là điều tôi sung sướng và tự hào khi được học tập trong môi trường này. Tôi tự hào khi được thầy cô trân quý, bạn học mến yêu. Có lần tôi bị ốm, phải nghỉ học 3 ngày, hôm đi học lại, cả lớp hò reo: “Ôi, bác già đây rồi”. Nghĩ lại tôi thấy vui lắm, tự hào lắm”, ông Đức nói với giọng trân trọng, vui sướng.
Không chỉ là tấm gương về học tập ở lớp, ở trường, ông còn là tấm gương về học tập cho các cháu ngoại noi theo. Bởi nhìn thấy bảng điểm của ông ngoại với điểm số cao, nhìn thấy sự chăm chỉ học tập của ông, hầu hết các cháu ngoại đều bảo nhau phải học tập ông. Có người cháu ngoại còn thốt lên câu “ông học vừa thôi” khi thấy ông cứ lao đầu vào học. Ông bảo, tại mình ham học, thèm học nên khi gặp cuốn sách hay, đọc thì không dứt ra được. Bởi vậy khi phóng viên chào ông để ra về, điều ông nhắn nhủ là: “Có cuốn sách nào hay thì chia sẻ với bác nhé. Nhớ chụp lại bìa mấy cuốn giáo trình cháu đang học cho bác nhé…”.
Ngày càng nhiều sinh viên ở tuổi “thất thập cổ lai ly”
Sự học là mãi mãi như câu nói bất hủ của Lenin: “Học, học nữa, học mãi”. Thế nên ngày nay, rất nhiều cụ ông, cụ bà dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” song họ vẫn cố gắng học hành, trở thành sinh viên của một số trường đại học lớn. Đó là cụ ông Cao Nhất Linh (86 tuổi, ở Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Bà Vi Thị Kiên sinh viên ngành Luật của ĐH Cần Thơ…
Ở tuổi 84, cụ Linh mới vào đại học, là sinh viên khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Đông Đô. Theo chia sẻ của cụ Linh, việc học đại học là giấc mơ từ thuở bé của cụ. Nhưng vì hoàn cảnh, cụ phải dang dở việc học. Đến khi con cháu trưởng thành, có điều kiện, cụ Linh mới tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình. Quá trình theo học, tại trường, cụ Linh khá nghiêm túc, điểm trung bình năm thứ nhất của cụ Linh là 7 điểm. Ngưỡng mộ nghị lực, ham học tập của cụ ông Cao Nhất Linh, Ban Giám Hiệu trường ĐH Đông Đô đã quyết định giảm 50% học phí cho cụ.
Cũng ham học và có ước mơ được học đại học như cụ Linh, sau khi thấy việc chăm lo gia đình, nuôi nấng các con đã hoàn thành, bà Vi Thị Kiên đã theo đuổi giấc mơ đại học của mình. “Tôi muốn gửi thông điệp đến bạn trẻ là tuổi đời, tương lai các bạn, các em còn rất dài nên hãy học để có kiến thức. Học để làm người tốt, học để trở thành người có tài, có đức hữu dụng cho đất nước”, bà Kiên gửi cảm hứng đến với mọi người.