Gắn sản xuất, kinh doanh với củng cố quốc phòng, an ninh trên vùng biên giới

Mô Rai là xã biên giới đặc biệt khó khăn nhưng lại có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh (QPAN) của huyện Sa Thầy và tỉnh Kon Tum. Để góp phần cùng với địa phương xây dựng vùng biên giới giàu về kinh tế, mạnh về QPAN, ngày 25-3-1999, Công ty 78 (Binh đoàn 15) được thành lập...

Thực tiễn 20 năm qua chứng minh, Dự án “Phát triển cao su trên địa bàn vành đai biên giới tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum” và việc thành lập Công ty 78 là chủ trương đúng đắn của Bộ tư lệnh Binh đoàn 15, Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng, từng bước làm đổi thay vùng biên giới Mô Rai cả về kinh tế-xã hội, QPAN. Sau khi chuyển giao một phần cho Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15), hiện Công ty 78 vẫn đang quản lý, chăm sóc 3.220,22ha cao su, trong đó có 2.579,57ha cao su kinh doanh; công tác sản xuất, kinh doanh hằng năm luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Chỉ tính riêng năm 2018, lượng mủ quy khô là 5.763,43 tấn, bằng 116,71% kế hoạch; năng suất mủ bình quân quy khô đạt 2.510kg/ha; doanh thu 210,37 tỷ đồng, bằng 105,83% kế hoạch; lợi nhuận 9,54 tỷ đồng, dẫn đầu binh đoàn và cả khu vực Tây Nguyên về năng suất mủ. Công ty đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân hơn 8 triệu đồng/người/tháng.

Công nhân Công ty 78 (Binh đoàn 15) khai thác mủ cao su.

Kết quả đó càng tự hào hơn khi biết những ngày đầu cán bộ, chiến sĩ, người lao động Công ty 78 phải vượt qua bao khó khăn về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thú rừng tàn phá… Với nhận định: “Đưa được cây cao su lên Mô Rai đã khó, để cây cao su sống và phát triển bình thường lại càng khó hơn”, Đảng ủy, Ban giám đốc công ty quyết tâm “phát triển cây cao su đến đâu chắc đến đó, chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, trồng mới phải sống 100%, cây hai tầng lá phải đạt hơn 95%”, từ đó đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, như: Đào hàng nghìn mét hào bao quanh lô và rào từng cây cao su để bảo vệ vườn cây trước sự phá hoại của thú rừng; thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật; giao trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động chăm sóc đến từng cây cao su…

Trong những năm gần đây, giá mủ cao su liên tục giảm sâu, nhiều công ty sản xuất cao su rơi vào khủng hoảng, thua lỗ, lúc này, phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế được Công ty 78 phát huy cao độ. Kiên trì với cây cao su nhưng bằng quy cách quản lý, tổ chức sản xuất mới và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; tập trung thâm canh theo chiều sâu, có sự tái đầu tư của công nhân, người lao động… đã mang lại hiệu quả tích cực.

Mô Rai có hơn 25km đường biên giới với Vương quốc Campuchia; điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, mùa mưa, toàn bộ xã gần như trở thành ốc đảo. Khi chưa có Công ty 78, người dân chủ yếu sống du cư, du canh, phát rừng làm nương rẫy, tình hình QPAN cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định. Vì vậy, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 78 chủ trương phát triển cây cao su đến đâu xây dựng các thôn, làng đến đó. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ lối sống du cư, du canh và chấm dứt việc phát rừng làm rẫy. Vận động và tuyển dụng nhân dân vào làm công nhân, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn để người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, công ty đã có 10 đội sản xuất, được chia làm 5 thôn tạo thành những khu dân cư nằm gần vành đai gắn với thế phòng thủ trên toàn tuyến biên giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng.

Những năm qua, Công ty 78 quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, 100% người dân đã có điện thắp sáng; có hệ thống trường học từ bậc mầm non đến THPT. Bệnh xá quân dân y của công ty không chỉ làm tốt công tác thu dung, điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân mỗi năm mà còn thực hiện hiệu quả công tác y tế dự phòng, tuyên truyền, vận động đồng bào từ bỏ hủ tục cúng để chữa bệnh… Do địa bàn không có chợ, công ty xây dựng một trang trại chăn nuôi, trồng rau xanh, tổ chức xe tiếp phẩm, tổ chức hệ thống căng tin để phục vụ công nhân và nhân dân với mức giá bằng hoặc rẻ hơn thị trường.

Với khẩu hiệu "lo cho dân như lo cho mình", Công ty 78 đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: Gắn kết giữa hộ người Kinh với hộ dân tộc thiểu số, hộ công nhân mới với công nhân cũ; bữa sáng đại đoàn kết; đổi súng tự chế, vật liệu nổ lấy gạo; duy trì ngày hội bánh chưng xanh hơn 10 năm nay. Tham gia tích cực vào Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” với hàng trăm triệu đồng mỗi năm giúp nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát… góp phần quan trọng để vùng biên giới Mô Rai ngày một khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng lên, QPAN được củng cố, tăng cường.

Đại tá NGUYỄN THĂNG THANH, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty 78

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/gan-san-xuat-kinh-doanh-voi-cung-co-quoc-phong-an-ninh-tren-vung-bien-gioi-569220