'Game show lấy cắp sự hồn nhiên của trẻ em là không thể chấp nhận'

Chương trình truyền hình có sự tham gia của trẻ em là vấn đề gây tranh cãi nhiều năm qua trên thế giới. Ở Hàn Quốc, Trung Quốc, nhiều quy định được đưa ra để bảo vệ đối tượng này.

Tại phiên họp sáng 27/5, Quốc hội dành thời gian để các đại biểu trình bày ý kiến và tranh luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo ông Phạm Trọng Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, các game show truyền hình đang bắt trẻ em phải hơn thua, đánh mất sự trong sáng.

Ở nhiều quốc gia, vấn đề game show, chương trình thực tế dành cho trẻ em cũng gây nên tranh cãi. Thậm chí, tờ Korea Times của Hàn Quốc từng đặt nghi vấn những nhà sản xuất nước này có đang khai thác sức lao động của trẻ em để tăng lượng người xem.

Hàn Quốc đẩy mạnh việc bảo vệ trẻ em

Hàn Quốc là nơi sinh nhiều chương trình dành cho lứa tuổi thiếu nhi, đặc biệt là show thực tế khai thác cuộc sống của những nghệ sĩ nổi tiếng cùng con của họ, chẳng hạn Dad, Where Are We Going? - sau đó được Trung Quốc, Việt Nam mua bản quyền, What is Study? của MBC, The Return Of Superman, I Got An Uncle của KBS hay Kpop Star Hunt trên Channel M… Bên cạnh đó, truyền hình nước này cũng phát sóng nhiều chương trình mua bản quyền như The Voice Kids (Mnet).

Có thời điểm, Dad, Where Are We Going? và Voice Korea Kids - cuộc thi hát dành cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 - là hai trong số các chương trình được xem nhiều nhất trên truyền hình. Tuy nhiên, việc trẻ em xuất hiện quá nhiều trên sóng truyền hình cũng gây tranh cãi trong giới chuyên gia nước này.

Trong show The Return Of Superman, các ông bố nổi tiếng chăm sóc con khi vợ đi vắng.

Trên Korea Times, Kwak Keum Joo, giáo sư tâm lý của Đại học Quốc gia Seoul, nhận định phụ huynh và đài truyền hình nên thận trọng khi đặt con mình trước ống kính. "Những đứa trẻ này đang trở thành ngôi sao mới, nhưng mọi người hầu như không biết gì về sự thất vọng và tổn thương cảm xúc mà chúng có thể phải chịu đựng từ phản ứng của công chúng", giáo sư nói.

Từ đó, các đài truyền hình dần đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ các ngôi sao nhí. MBC yêu cầu cha mẹ của những đứa trẻ tham gia Dad, Where Are We Going? không cho con xem chương trình, cũng như phản hồi từ công chúng hoặc cho phép chúng trả lời phỏng vấn. "MBC có nghĩa vụ bảo vệ sự ngây thơ thời thơ ấu của các bé", một nhân viên của MBC nói.

Hiện tại, ngoài The Return Of Superman vẫn lên sóng, các chương trình khai thác lứa tuổi nhí ở nước này không còn nhiều. Dad, Where Are We Going? tuy đạt rating cao, thậm chí thắng giải 49th Baeksang Arts Awards nhưng dừng lên sóng từ 2015. Trong khi đó, đơn vị sản xuất Voice Korea Kids đến nay vẫn chưa đưa ra thông báo về việc có tiếp tục thực hiện hay không.

Từ năm 2014, Hàn Quốc áp dụng điều luật dành cho nghệ sĩ vị thành niên. Cụ thể, nghệ sĩ dưới 15 tuổi không được làm việc quá 35 tiếng/tuần. Những người từ 15 đến 18 tuổi có thể làm việc tới 40 giờ/ tuần nhưng phải nghỉ ngơi từ 22h đến 6h sáng. Công ty giải trí vi phạm luật sẽ bị xử phạt lên đến 10.000 USD.

Đó là lý do cùng một nhóm nhạc nhưng Ryu Jin, Chae Ryeong (sinh năm 2001), Yuna (2003) buộc phải ra về lúc 22h trong khi Lia, Yeji được ở lại khi họ tham gia các lễ trao giải phát trên truyền hình hồi cuối năm 2019.

Các nghệ sĩ chưa đủ tuổi không được phép tham gia sự kiện, biểu diễn sau 22h.

Theo Korea Times, các chương trình trên mạng càng gây tranh cãi khi khai thác các nội dung liên quan đến trẻ em. Tổ chức Save the Children Hàn Quốc từng kiện 2 kênh YouTube vì liên tục phơi bày cho trẻ em những tình huống "vô đạo đức, nguy hiểm và đau đớn về tâm lý".

Trong trường hợp Lime Tube có 2,5 triệu người theo dõi thực hiện video một trẻ em lái xe đồ chơi trên đường bên cạnh những chiếc xe thật đã bị Tòa án gia đình Seoul kết án là "lạm dụng trẻ em" và ra lệnh cho cha mẹ của đứa trẻ thực hiện các buổi tư vấn.

"Những video này có thể khiến trẻ nhỏ bị tổn thương tâm lý và cản trở sự phát triển cảm xúc", Kim Eun Joeng - thành viên tại tổ chức Save the Children Hàn Quốc - cho biết. "Những đứa trẻ xuất hiện trong video chưa đầy sáu tuổi, một độ tuổi quá nhỏ để có thể phân biệt giữa thực tế và diễn xuất”, cô nhấn mạnh.

Trung Quốc hạn chế chương trình thực tế có trẻ em

Sau sự nổi tiếng ở quê nhà, Dad, Where Are We Going? được Trung Quốc mua bản quyền. Khi phát sóng ở Trung Quốc, chương trình đạt rating khủng kéo theo sự gia tăng của nhiều chương trình thực tế dành cho trẻ em. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ các chương trình thiếu nhi, Cục Báo chí, Xuất bản, Đài phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT) chỉ trích việc các ngôi sao nổi tiếng nước này cho con họ tham gia.

Tháng 4/2016, Tân Hoa Xã đưa tin sau những tranh cãi, nước này đưa ra lệnh cấm con của giới nghệ sĩ xuất hiện trên chương trình thực tế. Lệnh cấm cũng bao gồm việc trả lời phỏng vấn hay xuất hiện trên các bản tin, chương trình giải trí. Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn việc sản xuất các chương trình có sự tham gia của trẻ vị thành niên.

SAPPRFT yêu cầu các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình thực tế cắt giảm sự xuất hiện của trẻ vị thành niên và bỏ bớt những game show được thực hiện nhằm biến trẻ em thành ngôi sao.

Dad, Where Are We Going? bản Trung có sự tham gia của những cặp bố con nổi tiếng.

Tân Hoa Xã trích dẫn tuyên bố của chính quyền: "Các chương trình thực tế nên chú ý đến việc tăng cường bảo vệ trẻ vị thành niên và nỗ lực giảm các chương trình có tham gia của đối tượng này".

Theo Tân Hoa Xã, sau khi lệnh cấm được đưa ra, các đài truyền hình dừng phát sóng nhiều chương trình khai thác đối tượng trẻ em, trong đó có show thực tế ăn khách là Dad, Where Are We Going?. Hiện tại, truyền hình Trung Quốc không có show thực tế nào đang lên sóng hoặc chuẩn bị được thực hiện với đối tượng trẻ em.

Sau đó, Tổng cục Phát thanh, Truyền hình nước này tiếp tục đưa ra nhiều quy định nhằm bảo vệ sự phát triển của trẻ. Cụ thể, theo The Beijing News đăng tin hồi tháng 4/2019, Tổng cục Phát thanh, Truyền hình quy định các chương trình dành cho trẻ em trên truyền hình, Internet không được lăng xê và khai thác sức lao động của trẻ em quá sớm. Ngoài ra, các chương trình không được chứa nội dung hay hình ảnh bạo lực, chất kích thích, game online tiêu cực, tự sát hay cả yêu đương…

Game show cho trẻ em: Thế giới cũng tranh cãi

Mỹ có thể nói là nước đứng đầu thế giới về các chương trình truyền hình cho trẻ em. Chương trình có sự góp mặt của những thí sinh nhí đa dạng về thể loại, từ ca nhạc, nấu ăn, thời trang, làm đẹp… Thậm chí, ở Toddlers and Tiaras, các thí sinh nhỏ tuổi dùng tóc giả, mỹ phẩm, tiêm botox, tập thể dục giữ dáng, kéo dài đôi chân để giành vương miện.

Các quốc gia khác cũng khai thác không ít chương trình cho trẻ em, thậm chí The Voice Kids sau thành công ở Hà Lan đã được mua bản quyền phát sóng ở Mỹ, Anh, Đức, Thái Lan, Tây Ban Nha, Philippines, Pháp, Canada, Australia…

Toddlers and Tiaras từng gây tranh cãi khi để các thí sinh nhí chín ép.

Năm 2013, Jessie J từng lên tiếng phản đối việc trẻ em tham gia cuộc thi tài năng như thế. Cô nói: “Tôi không thể chấp nhận việc những đứa trẻ phải trải qua ba hoặc bốn buổi thử giọng. Tôi không hiểu tại sao việc đó là hợp pháp, tôi nghĩ nó hoàn toàn sai trái. Tôi đã xem buổi thử giọng của chương trình Got Talent ở Anh và có những đứa trẻ bị khán giả cười nhạo. Tôi đã thốt lên: ‘Tại sao?'”.

“Tôi cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy những đứa trẻ trên sân khấu bởi tôi biết cảm giác đó như thế nào”, giọng ca Price Tag nhấn mạnh. Sau đó, cô quyết định tham gia The Voice Kids của Anh với lý do bảo vệ thí sinh trẻ. "Những đứa trẻ cần được bảo vệ. Những chương này vẫn sẽ xuất hiện dù tôi có tham gia hay không. Nhưng tôi muốn được tham gia để có một số trách nhiệm với những gì bọn trẻ đang học và đang thấy”, nữ ca sĩ nói với BBC News.

Nữ ca sĩ bày tỏ quan điểm sau cuộc tranh cãi kéo dài giữa giám khảo của Britain's Got Talent - Simon Cowell và người dẫn chương trình truyền hình Strictly Come Dancing, Bruce Forsyth về việc liệu trẻ nhỏ có bị căng thẳng khi đứng dưới ánh đèn sân khấu hay không.

Ngược với quan điểm của Jessie J, Pixie Lott - giám khảo The Voice Kids năm 2017 - cho rằng việc trải qua những thất bại khi còn nhỏ giúp trẻ em trưởng thành, nhiều kinh nghiệm hơn.

Nhìn chung, hàng loạt tranh cãi đã nổ ra xung quanh những cuộc thi dành cho trẻ em, ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ hay cả Ấn Độ... Không ít chuyên gia cho rằng các game show, chương trình tìm kiếm tài năng hay thực tế hiện giờ không còn tập trung đơn thuần vào các phần thi.

Jessie J phản đối cách giám khảo, khán giả chế giễu thí sinh nhí trong chương trình tìm kiếm tài năng.

Năm 2018, đạo diễn kiêm nhà sản xuất người Ấn Độ Shoojit Sircar đã kêu gọi các nhà chức trách đưa ra lệnh cấm đối với truyền hình thực tế cho trẻ em. Dòng tweet này lập tức tạo ra cuộc tranh luận, nơi mọi người bày tỏ quan điểm của họ về vấn đề này. Trong đó, có những ý kiến ủng hộ và cả phản đối.

Amole Gupte - nhà biên kịch, diễn viên và đạo diễn người Ấn Độ - ở phe đồng tình chỉ ra rằng ở một số chương trình truyền hình thực tế, trẻ em phải đối mặt với sự từ chối khắc nghiệt. Theo ông, không phải ai cũng có thể đối phó với toàn bộ kịch bản của những chương trình này. Điều này dẫn đến những chấn thương tinh thần và cảm xúc khiến trẻ em dần mất tự tin.

Meghna Prem - giám đốc sáng tạo của một số chương trình truyền hình nổi tiếng liên quan đến trẻ em cũng đồng tình. Ông nhận định ngày nay, trẻ em không chỉ tập trung vào ca hát, diễn xuất hoặc nhảy mà còn được chải chuốt để “diễn” trước ống kính.

Theo ông, chúng được dạy để trở thành người biểu diễn chứ không chỉ nghệ sĩ. Chúng phải gây ấn tượng với đám đông và từ đó hành động/ cư xử theo một chuẩn mực nhất định. Vì thế, các chương trình lấy đi sự hồn nhiên của trẻ em và ông nhấn mạnh đó điều không thể chấp nhận.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/game-show-lay-cap-su-hon-nhien-cua-tre-em-la-khong-the-chap-nhan-post1089592.html