Facebook cắt giảm tần suất hiển thị các nội dung chính trị trên News Feed
Facebook vừa xác nhận bắt đầu cắt giảm tần suất xuất hiện của các nội dung chính trị trên bảng tin của người dùng, động thái được cho là sẽ ảnh hưởng lớn tới báo chí chuyên về lĩnh vực này.
Bước đi lần này được triển khai lần lượt ở từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tại, Facebook đã áp dụng cơ chế mới tại Mỹ, Canada, Brazil, Indonesia. Danh sách này sẽ sớm có thêm Costa Rica, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Ireland, trước khi “phủ sóng” trên toàn cầu.
Theo phát ngôn viên của mạng xã hội lớn nhất thế giới, thay đổi lần này được đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người dùng. Những nghiên cứu của Facebook cho thấy, không ít người phàn nàn về việc các nội dung mang màu sắc chính trị đang tràn ngập trên bảng tin của họ mỗi ngày, gây ra nhiều phiền toái và căng thẳng trong cuộc sống.
“Chúng tôi hy vọng những thay đổi lần này sẽ giải quyết triệt để vấn đề, trong khi vẫn bảo đảm người dùng có thể tiếp cận và tương tác với những nội dung chính trị trên Facebook”, phát ngôn viên của Facebook cho biết.
Để triển khai việc sàng lọc, Facebook sẽ áp dụng thuật toán mới, trong đó việc hạn chế nội dung chính trị trên News Feed của mỗi người sẽ ưu tiên các phản ánh của người dùng đó về việc họ không thích nội dung dạng này, trước khi xem xét tới việc người đó có thường xuyên chia sẻ các nội dung chính trị trên trang của mình hay không.
Thay đổi lần này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu nội dung sai lệch và tin giả trên nền tảng Facebook. Việc các thuật toán mới có thể nhận biết và giảm thiểu mức độ nhấn mạnh của các nội dung chính trị cũng sẽ buộc các chính trị gia phải thay đổi chiến lược tranh cử cũng như cách tiếp cận cử tri.
Tuy nhiên, một số ý kiến chuyên môn cho rằng, việc giới hạn hiển thị nội dung lần này sẽ có tác động lớn tới những tờ báo hay kênh tin tức chuyên về chính trị, khi lưu lượng truy cập các trang web này suy giảm nhanh chóng.
Bên cạnh đó, việc giảm thiểu các nội dung chính trị cũng sẽ giúp môi trường mạng Facebook giảm bớt căng thẳng. Lý do là bởi các tranh luận có liên quan tới chính trị thường nhanh chóng biến thành những cuộc cãi vã căng thẳng, khiến những mục đích sử dụng mạng xã hội khác trở nên mờ nhạt, ví dụ như giữ kết nối với người thân hay bạn bè.